Lễ hội Chùa Hương năm nay được khai hội vào ngày 4/2/2017, tức ngày mùng 8 tháng Giêng năm Đinh Dậu. Đó cũng là ngày mở đầu năm du lịch Hà Tĩnh. Với quy mô cấp tỉnh, lễ hội quan trọng này đã được các ban ngành huyện Can Lộc và Sở VH-TT&DL chuẩn bị khá chu đáo.
Tập trung chỉ đạo
Theo kế hoạch tổ chức lễ hội do UBND huyện Can Lộc ban hành, lễ hội Chùa Hương Tích sẽ gồm 2 nội dung chính: Khai hội Chùa Hương và lễ khánh đản Quan thế âm bồ tát (ngày 18/2 âm lịch). Trong nội dung khai hội Chùa Hương tổ chức vào sáng mùng 8 tháng Giêng âm lịch, chương trình bao gồm các nghi thức truyền thống, chương trình văn nghệ và các hoạt động thể thao như: kéo co nam, giao lưu chọi gà. Ngoài việc ban hành kế hoạch với các nội dung khá cụ thể, thời gian qua, huyện Can Lộc đã tập trung cao cho công tác chuẩn bị nhằm tổ chức mùa lễ hội thành công, mang nhiều ý nghĩa.
Để phục vụ mùa lễ hội, chủ bến thuyền Thiên Hương đã
tập trung gia cố thuyền với kinh phí hơn 80 triệu đồng.
Vì tính chất quan trọng của lễ hội, mới đây, BTV Huyện ủy Can Lộc đã tiến hành khảo sát thực tế chùa Hương và làm việc với Ban Quản lý Khu di tích chùa Hương. Bí thư Huyện ủy Nguyễn Như Dũng cho hay: “Lễ hội Chùa Hương ngoài ý nghĩa phát huy giá trị truyền thống còn là dịp quảng bá hình ảnh thiên nhiên, con người Can Lộc. Tổ chức lễ hội Chùa Hương nói riêng và khai thác giá trị các di tích nói chung là thực hiện khâu đột phá về phát triển du lịch mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra. Quan điểm tổ chức lễ hội lần này là phải bám sát, thực hiện đúng các quy định của Đảng, Nhà nước về tổ chức lễ hội, đảm bảo quy mô, tính chất, đồng thời, thực hiện tiết kiệm; ưu tiên cao nhất cho việc tổ chức tốt phần lễ và phần hội, nhất là những ngày đầu khai lễ; chú trọng công tác đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự”.
Hiện nay, theo chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, các đơn vị thuộc lĩnh vực văn hóa, y tế, Công an huyện, xã Thiên Lộc… tiến hành thành lập tổ an ninh, chuẩn bị chương trình văn nghệ, thi đấu thể thao, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống cháy nổ…
Tích cực chuẩn bị
Cách đây hơn 1 tháng, ông Lê Công Hồng (thôn Tân Thượng, Thiên Lộc) - chủ bến đò Thiên Hương đã thuê thợ đóng thuyền ở Đức Thọ đến gia cố, tu sửa 13 thuyền chuyên phục vụ chở khách mùa lễ hội. “Ngoài việc gia cố, tu sửa thuyền, chúng tôi còn trang cấp thêm phao và chuẩn bị các điều kiện đảm bảo khác. Tổng kinh phí tu sửa thuyền hết hơn 80 triệu đồng. Theo quy định, giá mỗi lượt đi thuyền của 1 người là 10.000 đồng” - ông Hồng cho hay.
Công nhân Công ty CP Đầu tư phát triển và du lịch Hồng Lĩnh gia
cố lại hệ thống cáp treo chuẩn bị cho mùa lễ hội. (Ảnh: Anh Tấn)
BQL Khu di tích Chùa Hương cũng đã chỉ đạo thực hiện nhiều nội dung khác. Ông Nguyễn Duy Vy ,Trưởng BQL Khu di tích cho hay: “BQL đã làm việc với đội xe máy chở du khách, yêu cầu phải xếp hàng chờ khách và chạy theo thứ tự; đồng thời, thống nhất giá, đảm bảo văn minh, lịch sự. Hệ thống cáp treo đang dừng hoạt động để bảo dưỡng, sắp tới sẽ vận hành trở lại. Ngoài ra, ban cũng đã xây dựng các ốt tạm phía ngoài trụ sở BQL để người dân thuận lợi khi mua bán, tránh việc tùy tiện. Ban đã làm việc với xã Thiên Lộc, tiến hành tuyên truyền, mời các hộ có người ăn xin lên làm việc để chấm dứt tình trạng nhếch nhác, gây phản cảm tại nơi trang nghiêm”. Bên cạnh công tác chuẩn bị trên, hiện nay, đơn vị thi công quần thể chùa Trang Vương (trị giá gần 50 tỷ đồng) cũng đang đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành đúng kế hoạch.
Hy vọng, với sự chuẩn bị công phu, chi tiết của huyện Can Lộc, du khách đến với lễ hội Chùa Hương năm nay sẽ có những trải nghiệm thú vị, qua đó, tiếp thêm năng lượng cho một năm mới nhiều ước vọng.
ST