Cập nhật: 20/02/2017 08:40:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thời tiết đang lạnh khô thất thường là điều kiện thuận lợi cho các chứng bệnh viêm đường hô hấp gia tăng, nhất là ở trẻ nhỏ.

 

Nếu trẻ tiêu chảy nhẹ cần được chăm sóc tại nhà.

Thời tiết đang lạnh khô thất thường là điều kiện thuận lợi cho các chứng bệnh viêm đường hô hấp gia tăng, nhất là ở trẻ nhỏ. Kháng sinh là loại thuốc cần thiết để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn, nhưng việc dùng kháng sinh dễ gây tác dụng phụ cho đường ruột, trong đó có chứng tiêu chảy do dùng kháng sinh.

Trẻ sử dụng kháng sinh rất dễ bị tiêu chảy, vì sao?

Trong hệ tiêu hóa, tồn tại một quần thể vi khuẩn (VK) với rất nhiều chủng khác nhau, trong đó có VK có lợi và VK có hại, hệ vi khuẩn có lợi giúp cơ thể chống nhiễm khuẩn bằng cách tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh hoặc ức chế sự phát triển của chúng, giữ ở mức độ không gây bệnh. Khi dùng kháng sinh, thuốc không chỉ diệt VK gây bệnh mà diệt luôn VK có lợi thường xuyên có mặt trong ruột. Kết quả là cân bằng giữa hai nhóm VK bị phá vỡ. Đối với trẻ nhỏ, hệ tiêu hóa còn chưa hoàn thiện sẽ rất dễ bị tiêu chảy do tác dụng phụ của thuốc kháng sinh.

Phần lớn tiêu chảy do kháng sinh ở mức độ nhẹ và có thể tự khỏi sau khi dừng dùng kháng sinh. Tuy nhiên, một số trường hợp biểu hiện nặng với các thương tổn viêm nhiễm phù nề ở đại tràng hay còn được gọi là viêm đại tràng giả mạc. Có rất nhiều chủng VK có thể gây hội chứng tiêu chảy do dùng kháng sinh nhưng loại VK kỵ khí clostridium difficile là thủ phạm chính gây nên phần lớn các trường hợp viêm đại tràng giả mạc rất nặng nề trên lâm sàng. Viêm đại tràng giả mạc do C. difficile đặc biệt hay gặp ở những bệnh nhân trong các khoa hồi sức tích cực, nơi có nhiều chủng VK kháng kháng sinh và lượng kháng sinh được dùng với liều cao và kéo dài.

Loại kháng sinh có thể gây tiêu chảy và các biểu hiện

Các nhóm kháng sinh có thể gây tiêu chảy đơn thuần hoặc hội chứng viêm đại tràng giả mạc là nhóm cepalosporin (điển hình là cefuroxim, cefixim, cefpodoxime), clindamycin, erythromycin, penicillin, ampicillin, amoxicillin, nhóm quinolones (ciprofloxacin, levofloxacin), tetracycline (doxycycline, minocycline)... Các rối loạn có thể xuất hiện dù dùng kháng sinh đường uống hay đường tiêm.

Trẻ bị tiêu chảy do kháng sinh thường có những biểu hiện khá giống với tiêu chảy do nhiễm khuẩn. Bé bị đau bụng, tiêu chảy nhiều lần trong ngày, thậm chí còn nhiều hơn cả lúc chưa uống kháng sinh (có bé đi ngoài 15 - 20 lần một ngày). Tiêu chảy do kháng sinh gây phân lỏng lẫn nhầy mũi hoặc phân xanh, vàng lổn nhổn, có bọt, không thối hoặc phân sống, có lẫn thức ăn chưa tiêu, đôi khi lẫn máu, mũi. Mỗi lần đại tiện trẻ phải rặn và do tính chất axit của phân, vùng hậu môn của trẻ bị hăm đỏ. Tình trạng tiêu chảy do loạn khuẩn kéo dài sẽ dẫn đến rối loạn hấp thu và rối loạn chuyển hóa. Trẻ bị mất nước kèm theo rối loạn điện giải, sụt cân rất nhanh nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời dễ dẫn đến suy dinh dưỡng.

Điều trị chứng tiêu chảy do kháng sinh ở trẻ

Không nhất thiết phải dừng kháng sinh khi chưa hết liệu trình. Nếu tiêu chảy nhẹ và sức khỏe bé vẫn ổn định, hãy tiếp tục sử dụng kháng sinh điều trị bệnh theo chỉ dẫn của bác sĩ và chăm sóc bé tại nhà. Với trường hợp tiêu chảy nặng, cần phải dừng ngay loại kháng sinh có liên quan đến tiêu chảy. Bù đủ nước, điện giải, thăng bằng kiềm toan là việc phải được tiến hành ngay.

Việc chăm sóc bé bị tiêu chảy do kháng sinh cần lưu ý. Thường xuyên cho bé uống nước. Có thể thay thế nước lọc bằng dung dịch oresol pha đúng theo tỷ lệ. Không cho bé uống các đồ uống có gas vì những thứ này có thể làm tiêu chảy trầm trọng hơn. Cho bé ăn theo chế độ ăn bình thường, nhưng trong thực đơn của bé cần tránh một số loại thức ăn như: không cho bé ăn các loại đậu hạt vì thực phẩm này có thể sinh nhiều hơi ở ruột. Cũng không nên cho trẻ dùng thực phẩm nhiều gia vị. Cho trẻ bú hoặc uống sữa như bình thường, không nên cắt bớt lượng sữa cho trẻ ăn, rất dễ bị thiếu dinh dưỡng. Khi đã hết liệu trình kháng sinh, có thể cho trẻ dùng hỗ trợ thêm các men vi sinh chứa các loại vi khuẩn có lợi (có tác dụng cân bằng lại các chủng vi khuẩn đường ruột).

Lời khuyên của thầy thuốc

Chỉ dùng kháng sinh khi thật cần thiết và có chỉ định của thầy thuốc. Nên nhớ rằng kháng sinh không có tác dụng trong nhiễm virut như cảm lạnh và cúm. Dùng kháng sinh chính xác theo đơn, không tăng liều, chập cả liều bỏ lỡ hoặc dùng thuốc lâu hơn đơn bác sĩ kê. Không tự ý dùng thuốc chống tiêu chảy. Các thuốc này có thể cản trở khả năng loại bỏ độc tố của cơ thể và gây biến chứng. Nên báo cho bác sĩ biết loại kháng sinh gây tác hại cho cơ thể để bác sĩ có hướng thay thế loại thuốc khác khi kê đơn.

DS. Nguyễn Thanh Hoài

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm