Lễ hội đền Ngô Tướng CôngAi có kinh nghiệm đi Vĩnh Phúc, có lẽ ít nhiều đều nghe đến kể đến Lễ hội đền Ngô Tướng Công, khi nhắc về văn hóa lễ hội ở tỉnh này. Lễ hội đền Ngô Tướng Công là một lễ hội truyền thống của nhân dân phường Phúc Thắng, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Lễ hội ra đời với ý nghĩa nhằm tôn vinh và tưởng nhớ những đóng góp to lớn của Ngô Tướng Công đối với mảnh đất này.
Hiện nay, các website du lịch cũng thường xuyên cập nhật thông tin lễ hội ở các địa danh lịch phổ biến, trong đó hẳn có thông tin về Lễ hội đền Ngô Tường Công của Vĩnh Phúc. Lễ hội đền Ngô Tướng Công thường được tổ chức vào dịp đầu xuân, có năm tổ chức vào các ngày 8/2 đến 10/2 (dương lịch), cũng có năm bắt đầu từ ngày 11/2 đến 13/2 (dương lịch).
Lễ hội đền Ngô Tướng Công
Đặc điểm của lễ hội đền Ngô Tướng Công là không cầu kỳ về hình thức lễ nghi mà thông qua lễ hội nhằm tạo không gian sinh hoạt chung vào ngày đầu năm mới cho nhân dân, và trên hết là để ôn lại đạo lý ghi nhớ công ơn của dân tộc đối với các bậc tiền nhân. Trong khuôn khổ ngày lễ hội đền Ngô Tướng Công, người tham gia sẽ được chứng kiến các nghi thức truyền thống như rước kiệu, dâng hương, đọc sớ. Sau đó sẽ cùng nhau tham gia các hoạt động cộng đồng, trò chơi dân gian.
Khi tham gia vào lễ hội, điều mà người dân Vĩnh Phúc cảm thấy tự hào hơn hẳn không phải là niềm vui từ các hoạt động chọi gà, đánh cờ, kéo co… cũng không phải là niềm tự hào từ sự trang trọng trong nghi lễ rước kiệu về đền thờ, mà niềm tự hào đó chính là lòng tưởng nhớ xuyên suốt đến vị hiền nhân Ngô Tướng Công.
Ngô Tướng Công tên thật là Ngô Miễn, ông sinh năm 1371 trong một dòng dõi trí thức và giàu có. Năm 22 tuổi Ngô Miễn đã đỗ Tiến sĩ, nhưng thay vì chọn cách làm quan, ông lại quay về quê hương mở trường dạy học cho người nghèo và dành thời gian để đi đến những miền đất khác nhằm tìm hiểu và giúp đỡ những người khó khăn. Bấy giờ, danh tiếng về tài đức của ông lại càng vang xa. Ngô Miễn còn đem cả ruộng đất của mình chia cho dân nghèo để họ cày cấy sinh nhai. Theo lịch sử ghi lại, ông còn là người có công khai hoang lập ấp mảnh đất thuộc huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định ngày nay.
Mến mộ tài đức của ông, năm 1400, Hồ Qúy Ly giao cho Ngô Miễn giữ chức chỉ huy quân đội triều đình. Đến năm 1407, khi nhà Hồ thất thủ trước giặc Minh, Ngô Miễn đã tuẫn tiết xuống cửa biển Kỳ La (tỉnh Hà Tĩnh). Ông mất vào năm 36 tuổi.
Tuy thân xác đã mất đi nhưng danh tiếng của ông luôn còn đó, người dân Vĩnh Phúc đã lập đền thờ ông và gọi là đền Ngô Tướng Công. Đến năm 1991, đền Ngô Tướng Công được công nhận là di tích lịch sử văn hóa từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Ngày nay, khi đi tour du lịch Vĩnh Phúc, nhiều du khách không bỏ qua một lần dừng chân ở điểm đến là đền thờ Ngô Tướng Công. Và hơn hết, để hiểu hơn về tấm lòng của người Vĩnh Phúc với Ngô Tướng Công, nếu du lịch vào các dịp đầu xuân, du khách nên dành thời gian để tham gia lễ hội đền Ngô Tướng Công đầy ý nghĩa này.
ST