Những ngày cuối năm này, trên đất liền, không khí mùa xuân đang tràn ngập khắp nơi, ai nấy bồi hồi chờ đón khoảnh khắc giao thừa đón năm mới. Tại quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa), nơi đầu sóng ngọn gió, cách xa đất liền hàng trăm cây số đường biển, những chiến sĩ và nhân dân cũng đang hối hả công tác chuẩn bị để đón Tết thật tươi vui, ấm áp.

Chiến sĩ đảo Trường Sa cùng người dân gói
bánh chưng chuẩn bị đón Tết Nguyên đán.
Bánh chưng gói bằng lá bàng vuông
Điểm dừng chân đầu tiên trên hành trình mang không khí mùa xuân từ đất liền ra quần đảo Trường Sa là đảo Đá Lát, đảo chìm nhỏ nhất, nơi cuộc sống của các chiến sĩ gặp nhiều khó khăn. Vừa đặt chân lên đảo, những chiến sĩ nơi đây đón đoàn công tác bằng nụ cười rạng rỡ. Khi xuồng chở hàng Tết vừa đến đảo Đá Lát, các cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân cùng các tổ chức đoàn thể nhanh chóng chuyển những thùng quà Tết được gói ghém cẩn thận, những cây quất cảnh mang lên đảo, tô điểm sắc xuân nơi đây.
Vừa hướng dẫn các chiến sĩ chuyển hàng hóa, đồng chí Phan Văn Bình, Chỉ huy trưởng đảo Đá Lát vừa nói: Do đặc thù công việc cho nên nhiều chiến sĩ làm nhiệm vụ ở đây phải đón Tết trên đảo. Chính vì vậy, các món quà từ đất liền, vượt hàng trăm cây số đường biển, chuyển đến tận tay các chiến sĩ mang những giá trị tinh thần to lớn, giúp anh em đón Tết ấm áp, ý nghĩa. Như các Tết trước, nhờ có quà đất liền gửi ra, năm nay Tết ở đảo Đá Lát có lá dong, gạo nếp, thịt lợn để cùng nhau gói bánh chưng. "Chắc chắn, Tết Nguyên đán năm nay, anh em chiến sĩ đảo Đá Lát sẽ đón Tết vui vẻ, an toàn, tiết kiệm và sẵn sàng chiến đấu cao, không bất ngờ trong mọi tình huống, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, vùng trời của Tổ quốc", Chỉ huy trưởng đảo Đá Lát Phan Văn Bình khẳng định.
Tại đảo Trường Sa, không khí Tết ở đây rộn ràng hơn cả so với những đảo khác. Băng-rôn đỏ kèm khẩu hiệu mừng năm mới được giăng trên những con đường nhỏ quanh đảo. Những cây mai vàng được tạo từ cành phong ba chăng đèn nhấp nháy cắm tại các cụm chiến đấu. Ở các nhà dân, phía đầu nhà đã xuất hiện những chậu hoa cảnh, quất cảnh từ đất liền mang tới. Tại cụm chiến đấu số 1 ở đảo Trường Sa, các chiến sĩ hải quân trẻ tuổi cùng nhau trang trí căn phòng họp trở nên lung linh với các dây treo mầu sắc. Một tốp chiến sĩ cặm cụi ngồi chép tay những vần thơ, những dòng nhật ký để trang trí lên tờ lịch Tết treo tường. Trong đó, có tâm sự của chiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu (19 tuổi, ở TP Hà Nội), Hiếu viết: "Năm cũ sắp qua rồi, năm mới lại đến, vậy là con xa nhà đã được 10 tháng. Vừa hôm nào, ăn Tết xong, con lên đường nhập ngũ, vậy mà con lại sắp đón Tết ở nơi hải đảo xa xôi của Tổ quốc. Dịp cuối năm nay, ở Trường Sa biển động gió to, sóng lớn nhưng con vẫn cố gắng vượt qua mọi khó khăn để không phụ lòng tin tưởng của gia đình. Con chúc gia đình năm mới dồi dào sức khỏe, an khang thịnh vượng, may mắn và thành công trong cuộc sống".
Chúng tôi may mắn được tham gia chương trình gói bánh chưng cùng các chiến sĩ nơi đây. Từ 5 giờ sáng, lính hải quân cùng người dân trên đảo cùng nhau làm thịt heo, chuẩn bị gạo nếp, đậu xanh, rửa lá dong. Tất cả nguyên liệu sau khi chuẩn bị xong được bày ra một khoảng sân nhỏ dưới những tán lá cây bàng vuông. Những mái đầu chụm lại cùng nhau gói những chiếc bánh chưng Tết mang đậm bản sắc dân tộc. Lần đầu tham gia gói bánh chưng, chiến sĩ hải quân Nguyễn Đức Mỹ không biết cách để gói chiếc bánh chưng được chặt. Tới khi được người dân trên đảo truyền kinh nghiệm, Mỹ đã gói được những chiếc bánh chưng vuông vức, chắc nịch. Dù cho những năm gần đây, đã có đủ lá dong thì chiếc bánh chưng gói bằng lá bàng vuông vẫn không thể thiếu. Bởi với những người lính và dân trên đảo Trường Sa, bánh chưng gói bằng lá bàng vuông có vị chua chát của lá bàng pha lẫn vị mặn nồng của muối biển mà những bánh chưng gói bằng lá dong không thể có được.
Mãi khắc ghi Tết đầu tiên trên đảo
Đón Tết Nguyên đán ở Trường Sa là một điều thú vị và ý nghĩa. Ở nơi đầu sóng ngọn gió, Tết không chỉ để chào đón năm mới, còn là dịp để quân, dân tổng kết một năm đã qua sống và làm việc giữa trùng khơi. Đồng thời, hướng đến một năm mới trong tư thế sẵn sàng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tết năm nay còn đặc biệt hơn đối với những tân binh vừa mới nhận nhiệm vụ và lần đầu đón năm mới ngoài đảo Trường Sa. Chiến sĩ Nguyễn Như Huy (20 tuổi, ở tỉnh Hải Dương, cụm chiến đấu số 1 đảo Trường Sa) vừa lên đảo vào tháng 7-2016 tâm sự: "Lúc mới lên đảo Trường Sa, tôi còn bỡ ngỡ và lạ lẫm. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, được sự giúp đỡ tận tình của chỉ huy và đồng đội, tình cảm của nhân dân, tôi đã coi đảo Trường Sa chính là nhà của mình. Tết ở đảo không có mai vàng như trong đất liền, tôi tự tay đi chặt cành phong ba rồi về lấy dây thép quấn hoa mai vàng bằng vải lên các cành cây để trang trí, trông như cây mai thật vậy". Huy nhắn nhủ tới gia đình của mình ở đất liền rằng, mọi người ở nhà cứ yên tâm, ở ngoài đảo, Huy và đồng đội được đón Tết ấm cúng và luôn sẵn sàng bảo vệ chủ quyền biển đảo. Cũng là tân binh lên đảo, Châu Minh Phong (19 tuổi, ở TP Hồ Chí Minh, cụm chiến đấu số 3 đảo Trường Sa) chia sẻ: Khi đặt chân tới Trường Sa, thấy chiến sĩ đoàn kết, yêu thương nhau cho nên em rất vui mừng và phấn khởi. Em cảm thấy vinh dự và tự hào khi sắp được đón Tết ở đảo Trường Sa. Hứng khởi khi được đón Tết ở đảo, binh nhất Nguyễn Hoàng Tây nói: "Dịp Tết này, chiến sĩ sẽ được cùng nhau tổ chức văn nghệ trong đêm giao thừa, hái hoa dân chủ rồi cùng nhau nghe Thư chúc Tết của Chủ tịch nước. Ngày mồng một cùng nhau đi thắp hương tại chùa Trường Sa, rồi vào các nhà dân chúc Tết, tặng quà, mừng tuổi cho đám trẻ nhỏ". Nguyễn Văn Cương (21 tuổi, ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội) ra đảo Trường Sa công tác được sáu tháng, năm nay lần đầu đón Tết ở đây, kể rằng: "Mấy hôm nay, tôi và các chiến sĩ khác đã đi chuẩn bị đồ Tết như mâm ngũ quả, giò, thịt đông... Tết ở đảo cũng đầy đủ, không thua gì đất liền. Ở đảo ngày Tết, các anh em chiến sĩ đều sum vầy đón Tết cùng nhau. Cuộc đời người lính không dễ để có những cảm xúc như ở Trường Sa".
Trung tá Đỗ Thế Tuyến, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa chia sẻ, Tết đến Xuân về, mỗi người con của quê hương Việt Nam ai cũng hướng về gia đình, người thân, nhưng do điều kiện, yêu cầu thực hiện nhiệm vụ cho nên chiến sĩ và người dân tổ chức đón Tết tại đảo. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng cùng đồng bào cả nước, cứ mỗi dịp Tết lại có đoàn công tác mang hơi ấm từ đất liền, mang quà tặng, những lời chúc mừng, động viên dành cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo cho nên mọi người ở đảo Trường Sa đều có thêm động lực, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Bài và ảnh: Lê Tú
Theo nhandan.com.vn