(ĐCSVN) - Chiều 19/1, UBND huyện Hoàng Sa (TP.Đà Nẵng) tổ chức buổi gặp mặt các nhân chứng đã từng sinh sống, công tác tại quần đảo Hoàng Sa trước ngày 19/1/1974.
![](/upload/2017/PHOTO/THANG1/22/GAP-MAT.jpg)
Quang cảnh buổi gặp mặt
Tại buổi gặp mặt, lãnh đạo UBND huyện Hoàng Sa đã thăm hỏi tình hình sức khoẻ, đời sống của các nhân chứng; đồng thời thông tin sơ lược tình hình hoạt động năm 2016 và chương trình công tác năm 2017 của UBND huyện Hoàng Sa.
Theo Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa - ông Võ Ngọc Đồng, năm 2016 huyện Hoàng Sa nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài nước, đặc biệt là nhiều tờ báo lớn trên thế giới như báo Le monde của Pháp, báo Sueddeutsche Zeitung của Đức, đài NHK Nhật Bản, đài truyền hình Thái Lan… cũng đã tìm hiểu thông tin huyện Hoàng Sa, qua đó góp phần đưa thông tin hoạt động liên quan của huyện đến với đông đảo bạn đọc khắp nơi trên thế giới.
Cũng tại buổi gặp mặt, ông Võ Ngọc Đồng đã trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên các cơ quan báo chí về hoạt động của UBND huyện Hoàng Sa; quan điểm, thái độ của Việt Nam về tình hình căng thẳng trên Biển Đông cũng như nhận định của Việt Nam sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) bác bỏ các yêu sách chủ quyền “lịch sử” của Trung Quốc ở Biển Đông được gói trong tấm bản đồ 9 đường gián đoạn.
Ông Đồng cho biết: Ngoài các hoạt động trên, thời gian qua UBND huyện Hoàng Sa cũng thường xuyên liên hệ, tham gia các diễn đàn và hỗ trợ cung cấp thông tin về lịch sử, pháp lý, thực tế quản lý liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa gửi đến các nhà nghiên cứu, cơ quan thông tấn, báo chí và các các quan, tổ chức liên quan phục vụ công tác nghiên cứu, tuyên truyền, đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Tổ chức nhiều cuộc triển lãm ảnh về Hoàng Sa.
Đặc biệt, UBND huyện Hoàng Sa đã tổ chức tiếp nhận nhiều hiện vật có giá trị lịch sử và pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa như: Phim tài liệu Nhớ đảo của NSƯT Huỳnh Hùng và Trí Trung nói về các nhân chứng từng làm việc, chiến đấu bảo vệ quần đảo Hoàng Sa trước ngày 19/1/1974; phụ bản atlas Von China do nhà xuấn bản Verlag von Dietrich Riemer xuất bản tại Berlin (Đức) năm 1885, hiện lưu trữ tại kho sách hiếm của Thư viện Harvard-Yenching (Mỹ), vừa được TS Trần Đức Anh Sơn sưu tầm; bản đồ xã Hòa Long, quận Hòa Vang thể hiện quần đảo Hoàng Sa thuộc quận Hòa Vang (Việt Nam) trước đây do Ban Tuyên giáo Thành ủy tặng; bản đồ “Partie de la Cochinchine” do anh Trần Thắng - Việt kiều Mỹ tặng…
Về dự án xây dựng Nhà trưng bày Hoàng Sa (tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà), Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa cho biết: Nhà trưng bày Hoàng Sa hiện đang hoàn thiện, dự kiến đưa vào hoạt động năm 2017. Sau khi hoàn thành, đi vào hoạt động, đây sẽ là nơi trưng bày, giới thiệu, tuyên truyền cho cộng đồng những thông tin, tư liệu, hình ảnh sinh động, giá trị về quá trình khai phá, xác lập và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Hiện nay, ngoài việc xây dựng Nhà trưng bày Hoàng Sa, UBND huyện Hoàng Sa và UBND TP. Đà Nẵng cũng đang tiếp tục đẩy mạnh việc tiếp cận các tư liệu, hiện vật liên quan đến Hoàng Sa, qua đó sưu tầm, cập nhật thêm nhiều nguồn tư liệu quý để tuyên truyền về cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đồng thời khơi dậy lòng yêu nước và ý thức về chủ quyền biển đảo trong nhân dân cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng.
Dịp này, UBND huyện Hoàng Sa đã trao các phần quà có ý nghĩa cho các nhân chứng Hoàng Sa; đồng thời tổ chức cho các nhân chứng này đến thăm công trình Nhà trưng bày Hoàng Sa./.
Tin, ảnh: Đình Tăng
Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam