Cập nhật: 22/01/2017 15:29:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tối 24-11, tại Nhà trưng bày văn hóa Khmer đã diễn ra Lễ cúng trăng với sự tham dự của đồng chí Lâm Vĩnh Phương - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cùng đông đảo bà con nhân dân.

Lễ cúng trăng là một trong ba lễ lớn trong năm của đồng bào Khmer, diễn ra vào 15-10 (âm lịch) hàng năm. Phần lễ chủ yếu là những họat động xung quanh nghi thức cúng trăng. Cúng trăng có thể tại chùa, tại nhà hoặc một nơi có thể nhìn thấy mặt trăng rõ ràng. Trong nghi thức cúng trăng, ngoài cốm dẹp là vật lễ bắt buộc, còn có các loại vật phẩm cúng khác từ nông nghiệp như: Chuối, các loại khoai, trái cây, bánh kẹo… Mọi người ngồi chắp tay quay mặt về phía mặt trăng làm lễ chờ trăng lên. Khi trăng lên cao, mặt trăng tỏa sáng, người ta đốt nhang, đèn và rót trà làm lễ tạ ơn trăng. Sau lời khấn vái tạ ơn và đọc kinh cầu phúc là nghi thức đút cốm dẹp. Trong miệng ngậm đầy cốm dẹp lẫn các loại củ, trái cây… mỗi thứ một ít được vắt thành nắm, trẻ em vừa nuốt cốm dẹp, vừa nói lên ước muốn của mình gửi tới mặt trăng. Sau cùng là mọi người cùng nhau thưởng thức các vật lễ đã cúng và trình diễn nhạc ngũ âm, múa hát, chơi các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa Khmer.

Nghi thức đút cốm dẹp trong Lễ cúng trăng

Có nhiều cách lý giải khác nhau, nhưng theo quan niệm từ xưa đến nay của đồng bào Khmer, coi mặt trăng là một vị thần điều tiết mưa nắng, đem lại sự phát triển thuận lợi cho mùa màng và công việc đồng áng của họ. Khi mùa màng đã thu hoạch xong, họ làm lễ cúng trăng để thể hiện lòng biết ơn của đồng bào đối với mặt trăng, xin mặt trăng tiếp nhận những lễ vật do đồng bào dâng và chúc phúc cho mọi người có sức khỏe dồi dào, mưa thuận, gió hòa để mùa màng tốt tươi, bà con được hưởng ấm no, hạnh phúc trong năm tới.

 

Sưu tầm

Tệp đính kèm