Cập nhật: 04/02/2017 09:08:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Lễ rước nước là một nghi thức tâm linh đặc sắc, thể hiện tín ngưỡng cầu nước của những cư dân ven sông Hồng, huyện Vĩnh Tường. Trải qua hàng trăm năm lịch sử, đến nay, lễ rước nước vẫn được người dân duy trì, phát huy với ước muốn một năm may mắn mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

 

Nghi thức lấy nước trên Sông Hồng của dân làng

Kim Đê, xã An Tường (Vĩnh Tường). Ảnh Trường Khanh

Nằm ở phía Tây Nam của tỉnh, huyện Vĩnh Tường, được biết đến là cái nôi của nền văn hóa lúa nước vùng châu thổ Sông Hồng, có bề dày truyền thống lịch sử, với nhiều nét đẹp văn hóa dân gian, cổ truyền được hình thành qua hàng nghìn năm. Nơi đây, còn hội tụ nhiều lễ hội văn hóa, trò chơi dân gian độc đáo được người dân lưu truyền qua các thế hệ, trong đó, đặc sắc nhất phải kể đến là Lễ rước nước. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, đến nay huyện Vĩnh Tường vẫn còn 16 làng/xã ven sông Hồng duy trì tục lệ lấy nước trên sông rước về đình để thực hiện nghi thức tín ngưỡng tâm linh, tập trung ở các xã: Vĩnh Ninh (3 làng: Duy Bình, Hậu Lộc, Xuân Chiểu); Vĩnh Thịnh (5 làng: Khách Nhi, An Lão, Môn Trì, Hoàng Xá, Hệ); An Tường (4 làng: Bích Chu, Cam Giá, Thủ Độ, Kim Đê); Phú Thịnh (3 làng: Đan Thượng, Bàn Giang, Yên Xuyên); Lý Nhân có làng Vân Giang. Nghi thức rước nước của người dân diễn ra trước ngày hội làng, tập trung chủ yếu từ tháng Giêng đến tháng 3 Âm lịch hàng năm. Cụ Kiều Quốc Bảo, thôn Khách Nhi, xã Vĩnh Thịnh, một cao niên trong làng cho biết: Mỗi thôn, làng có một nghi thức rước nước, ngày tổ chức khác nhau tùy vào văn hóa, tục lệ từng làng, riêng đối với thôn Khách Nhi, việc rước kiệu lấy nước ngoài sông Hồng tổ chức từ ngày 16 -18/1 Âm lịch. Trước đây chỉ nam giới trên 18 tuổi mới được tham dự vào Lễ rước nước, những gia đình có tang không được tham dự và trong 3 ngày Tết các họ thay nhau dâng tiệc chay vào đình làng. Tuy nhiên, đến nay theo hương ước mới của làng ngoài nam giới, nữ giới cũng được tham gia.

Đã hơn nửa thế kỷ tham gia Lễ rước nước của người dân làng Bích Chu, xã An Tường, cụ Nguyễn Văn Khen tâm sự: “Tôi cũng không nhớ lễ rước nước có từ bao giờ, nhưng chỉ biết cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, người dân khu vực ven sông Hồng nói chung và người dân làng Bích Chu nói riêng lại nô nức tiến hành nghi thức rước nước với ước muốn cầu cho năm mới mưa thuận gió hòa, gặp nhiều may mắn. Vào dịp lễ, người dân sẽ rước nước ngoài sông Hồng mang vào đình tắm Thánh, gột rửa bụi trần và tỏ lòng thành kính đến các vị thần, người đã có công với dân làng trong đánh giặc giữ nước. Trước đây, Lễ rước nước của người dân Bích Chu diễn ra vào ngày 30/1 - 4/2 Âm lịch, tổ chức quy mô rộng lớn, trong phần hội có nhiều trò chơi dân gian như: Đua thuyền, đánh vật, bơi chải, cướp cờ…, song, việc tổ chức lễ hội, nghi thức rước nước hiện nay được người dân tổ chức đơn giản hơn, diễn ra sớm hơn (từ ngày 4 đến 7 tháng Giêng Âm lịch). Sau nghi thức khai mạc sáng mùng 6 Tết tại đình, đại diện các cụ cao niên trong làng cùng 50 thanh niên nam, nữ và người dân rước 4 kiệu (kiệu đô, kiệu văn, kiệu bác, kiệu nước) sang bên sông Hồng (sông Cái) lấy nước mang về nhà thờ tổ làng nghề và rước về đình Bích Chu để tiến hành các nghi thức: “mục dục” tắm Thánh, “bao sái” lau rửa các chân đô, hương án, bát hương, đèn nến. Phần nước còn lại được chủ đền đưa vào hậu cung dùng thờ cúng những ngày tuần, tiết trong năm; sau nghi thức mục dục sẽ tiếp tục phần hội, cáo tế.

Cũng như ở Bích Chu, việc lấy nước của người dân ven sông hầu hết được bắt đầu bằng hành trình rước một chiếc chóe lớn từ đình, đền ra sông và những chiếc thuyền đã được trang trí cờ hội. Sau đó thực hiện nghi lễ “độ hà” xin phép thần sông, hà bá được lấy nước, chiếc thuyền chính trong đoàn sẽ chọn dòng nước hai nơi trong sạch, tinh khiết nhất giữa sông Hồng để lấy. Trong khi người chủ lễ, đại diện cho dân làng dùng chiếc gáo có cán dài múc từng gáo nước dưới sông đổ vào chóe cho đầy, các thanh niên và nhân dân trên thuyền, trên bờ reo hò, cầu nguyện cho một năm may mắn thuận hòa. Anh Hoàng Văn Thái, thôn An Lão Ngược, xã Vĩnh Thịnh cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ ngày 4/3 Âm lịch, gia đình tôi lại về quê tham dự Lễ rước nước. Trở về đây, không chỉ được tận tay tham gia nghi thức lấy nước trên sông mà còn gặp gỡ, giao lưu và nhận được nhiều tình cảm ấm áp, sẻ chia chút lộc may mắn đầu năm của tất cả mọi người…”. Là du khách thập phương về dự lễ hội tại Đền An Lão, chị Nguyễn Thị Yến (Hà Nội) cho biết: "Về đây không chỉ được hòa mình trong không khí đặc sắc của Lễ rước nước của cư dân ven sông Hồng, mà tôi còn nhận được những tình cảm chân thành, mến khách của người dân địa phương".

Đồng chí Vũ Đức Kim, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Vĩnh Tường cho biết: Lễ rước nước của người dân ven sông Hồng là nghi lễ dân gian truyền thống gắn liền với tín ngưỡng thờ các vị thần là những người có công với dân làng. Nghi lễ được người dân nơi đây kế thừa, duy trì, giữ gìn. Lễ hội rước nước hàng năm không chỉ thu hút đông đảo người dân tham gia, mà cả du khách thập phương về tụ hội. Vào những năm Tý - Ngọ - Mão - Dậu, Lễ rước nước trên sông Hồng sẽ được người dân các địa phương tổ chức quy mô lớn hơn. Xuân Đinh Dậu này, ai có về với vùng đất bãi ven sông Hồng sẽ được hòa mình vào không khí náo nhiệt của Lễ rước nước và cảm nhận được niềm vui, sự kỳ vọng về một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu hiện diện rõ trên khuôn mặt của những người dân nơi đây.

ST

Tệp đính kèm