Đầu xuân mới 2017, trên địa bàn tỉnh diễn ra rất nhiều lễ hội. Hầu hết, các lễ hội đều mang đậm tính vùng miền với những nét văn hóa phong phú, độc đáo và đặc sắc. Để duy trì và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời chấn chỉnh các hành vi biến tướng trong lễ hội, Sở VH-TT&DL chỉ đạo các phòng, ban trực thuộc tăng cường công tác quản lý và tổ chức trước mùa lễ hội.
Tiệc làng đầu xuân Vĩnh Lại, xã Chấn Hưng (Vĩnh Tường) được dân làng lưu giữ qua nhiều
thế hệ, có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống tinh thần của nhân dân trong vùng. Ảnh Chu Kiều
Theo báo cáo của Sở VH-TT&DL, hiện nay, toàn tỉnh có 65 di tích cấp Quốc gia và 366 di tích cấp tỉnh, trong đó mỗi di tích đều gắn với một vài lễ hội. Trung bình mỗi năm, toàn tỉnh có khoảng 400 lễ hội tiêu biểu, trong đó có một số lễ hội lớn, đặc sắc như: Lễ hội Đền Thính (Yên Lạc); Chọi trâu Hải Lựu (Sông Lô); Cướp phết Bàn Giản (Lập Thạch); Đúc Bụt (Tam Dương); Tây Thiên (Tam Đảo)... Hầu hết, các lễ hội đều thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài tỉnh tới tham dự. Đây là điều kiện thuận lợi góp phần quảng bá hình ảnh, đẩy mạnh phát triển du lịch của tỉnh.
Về tham dự các lễ hội, mỗi du khách đều cảm thấy phấn chấn, hồ hởi khi được khám phá các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, phong phú ở mỗi vùng, miền. Tuy nhiên, ngoài việc được thưởng lãm các trò chơi dân gian, diễn tích đặc sắc, không ít du khách đã trở thành "nạn nhân" của lễ hội.
Chị Phạm Thị Hương, phường Ngô Quyền (thành phố Vĩnh Yên) cho biết: "Cách đây khá lâu em và cô bạn thân có đi xem lễ hội Chọi Trâu ở Hải Lựu. Lần đầu tiên đi lễ hội, bạn em đã bị kẻ gian theo dõi, rạch túi lấy toàn bộ ví tiền, điện thoại và giấy tờ tùy thân. Sau lần đi đó, chúng em thấy sợ và không dám khoác túi vào xem hội như trước nữa. Còn ở lễ hội Tây Thiên, chúng em đã phải trả 100 nghìn đồng cho một bát mỳ tôm trứng khi sơ ý quên hỏi giá chủ quán trước khi ăn. Việc luôn phải cảnh giác, đề phòng cũng có những ảnh hưởng tâm lý nhất định mỗi khi đi xem hội".
Có thể nói, những năm về trước, không riêng lễ hội Chọi Trâu (Hải Lựu), Tây Thiên (Tam Đảo)... mà nhiều lễ hội lớn khác vẫn tồn tại tình trạng mất an ninh trật tự. Lợi dụng sự chen lấn, nhốn nháo và đông người, kẻ gian đã trà trộn giả làm du khách để móc túi, rạch túi du khách. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng bắt chẹt khách, tranh giành, tăng giá, ép giá dịch vụ, cờ bạc trá hình. Một số số di tích còn đặt nhiều ban thờ, hòm công đức và tiền giọt dầu chưa đúng quy định; vẫn còn đối tượng hành nghề xem bói, xóc thẻ nhằm trục lợi cá nhân...
Trước thực trạng trên, những năm gần đây, Sở VH-TT&DL tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội nhằm từng bước chấn chỉnh các hành vi biến tướng, từ đó góp phần duy trì và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong các lễ hội. Theo đó, trước mùa lễ hội, Sở VH-TT&DL chỉ đạo các Phòng VH&TT của các huyện, thành, thị tham mưu ra các văn bản chỉ đạo về công tác quản lý và tổ chức lễ hội; chỉ đạo các địa phương tổ chức lễ hội theo truyền thống văn hóa với phương châm đảm bảo, an toàn, tiết kiệm và bài trừ các hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình; yêu cầu Ban tổ chức các lễ hội bố trí lực lượng để hướng dẫn nhân dân đặt tiền lễ, tiền giọt dầu đúng nơi quy định, bố trí sắp xếp hàng quán, dịch vụ, nơi trông giữ phương tiện thuận tiện và bán các loại thực phẩm đảm bảo VSATTP.
Trong mùa lễ hội, Sở VH-TT&DL chỉ đạo lực lượng thanh tra chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp với lực lượng thanh tra chuyên ngành của Công an tỉnh , Sở Y tế, Sở TN&MT, Chi cục QLTT... tăng cường công tác thanh kiểm tra hoạt động trong các lễ hội. Trong đó, chú trọng đến các lễ hội lớn, có mật độ du khách đông và kiên quyết làm rõ, xử lý các hành vi ăn xin, móc túi, trộm đồ lễ, tranh giành, đeo bám khách, đốt pháo nổ, lưu hành văn hóa phẩm trái phép, trang trí đèn lồng chữ nước ngoài, cờ bạc bầu cua tôm cá, không công khai, niêm yết giá các loại dịch vụ, ép giá, bắt chẹt người dân...
Ông Diệp Minh Tư, Trưởng Ban quản lý khu danh thắng Tây Thiên (Tam Đảo) cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của Sở VH-TT&DL, trước mùa lễ hội, BQL đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân và các hộ kinh doanh những quy định về hoạt động lễ hội và tín ngưỡng. Đồng thời, tiến hành rà soát, ngăn chặn các dịch vụ đổi tiền lẻ, đặt thêm ban thờ và mâm đĩa để tiền lẻ, cài giắt, xoa tiền lên tượng, rải tiền trong di tích... Đặc biệt, nhiều năm gần đây, BQL và huyện Tam Đảo còn phối hợp thực hiện bố trí cán bộ trông coi và thu gom tiền dầu nhang, công đức để kiểm đếm và nộp vào Ngân sách Nhà nước...
Bên cạnh việc chấn chỉnh các hành vi biến tướng trong lễ hội, Sở VH-TT&DL đã chỉ đạo BTC lễ hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về các giá trị di tích, lễ hội nhằm nâng cao nhận thức và giáo dục nếp sống văn minh trong lễ hội cho du khách. Đồng thời, tập trung giới thiệu các nghi thức, nghi lễ để nhân dân hiểu hơn về các giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội...
Với việc tăng cường công tác quản lý nên những năm gần đây việc tổ chức lễ hội đã và đang từng bước đi vào nền nếp. Các vụ việc nổi cộm như móc túi, rạch túi, đánh nhau, “chặt chém” du khách được lực lượng chức năng làm rõ và xử lý; chất lượng dịch vụ, vệ sinh môi trường được nâng cao hơn một bước; việc thu gom tiền dầu nhang được quản lý chặt chẽ, từ đó có điều kiện tái đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, thuận tiện cho du khách đến tham quan và hành hương...
ST