“Bệnh ngủ châu Phi ở người” là một loại bệnh truyền nhiễm do ký sinh trùng Trypanosoma, chủ yếu lây lan thông qua vết cắn của vật trung gian là ruồi xê xê (có tên khoa học là Glossina genus).
Ruồi xê xê có thể truyền mầm bệnh KST Trypanosome gây bệnh ngủ châu Phi ở người. (Ảnh: Scott Camazine/Alamy)
Khi ruồi xê xê hút máu người hoặc động vật bị nhiễm ký sinh trùng Trypanosoma gây bệnh cho người, nó sẽ truyền ký sinh trùng này sang những người khác mà nó hút máu sau đó trong suốt vòng đời của nó.
“Bệnh ngủ châu Phi”
Khác với muỗi là loài dùng vòi xuyên trực tiếp vào da và hút máu mà thường không bị phát hiện, ruồi xê xê dùng các răng cưa nhỏ xíu trong miệng cắn rách da để hút máu. Tương tự như vai trò trung gian truyền bệnh của muỗi Anophen trong bệnh sốt rét ở người, khi hút máu người hoặc động vật nhiễm ký sinh trùng (KST) Trypanosome, ruồi xê xê có thể mang theo loài KST này rồi truyền sang những người mà nó hút máu sau đó, làm lây lan căn bệnh chết người được WHO đặt tên đầy đủ là “bệnh ngủ châu Phi ở người do KST Trypanosome”. Có hai dòng ký sinh trùng Trypanosome gây bệnh ở người gồm Trypanosoma brucei rhodesiense và Trypanosoma brucei gambiense.
Sau khi bị cắn, nạn nhân thường có các triệu chứng như sốt, đau đầu và đau cơ. Khi bệnh tiếp tục tiến triển, bệnh nhân ngày càng mệt mỏi, thay đổi tính tình, mất tỉnh táo, rối loạn nhận thức và phối hợp cơ thể kém, rối loạn nhịp ngủ và ngủ mê man. Nếu không được điều trị, bệnh nhân sẽ bị suy kiệt và tử vong. Căn bệnh này có tỷ lệ tử vong rất cao, trước đây là do ở giai đoạn cuối, KST tấn công vào não người bệnh và khi đó sẽ rất khó điều trị hay chữa khỏi và thường để lại di chứng nặng nề.Ruồi xê xê có thể truyền mầm bệnh KST
Căn bệnh bị lãng quên
Đầu thế kỷ 20, bệnh ngủ châu Phi bùng phát với hàng trăm nghìn ca mắc bệnh mỗi năm, với tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt là khi không được phát hiện và điều trị. Việc lựa chọn thuốc điều trị phụ thuộc vào dòng KST Trypanosome mà bệnh nhân bị nhiễm và giai đoạn nhiễm bệnh. Trong những năm 1960, căn bệnh coi là “được kiểm soát”, tuy nhiên, một đợt dịch lớn lại bùng nổ vào thập kỷ 70 và phải mất đến 20 năm để kiểm soát trở lại.
Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là dường như căn bệnh này đã bị lãng quên trong một thời gian dài. Lý do là bệnh chỉ xảy ra ở châu Phi - châu lục nghèo, lạc hậu và có khả năng tiếp cận y tế thấp, trình độ dân trí và điều kiện sinh hoạt thấp và còn tồn tại nhiều phong tục, tập quán thiếu vệ sinh, trong khi rất tốn kém để phát triển thuốc điều trị mới.
Một loạt nghiên cứu mới được công bố cho thấy quá trình KST Trypanosome gây bệnh cho người phức tạp hơn rất nhiều so với hiểu biết trước đây.
Thứ nhất, trước đây bệnh này được chẩn đoán là bệnh máu, đặc biệt khi mà KST có thể được phát hiện dễ dàng trong máu bệnh nhân. Tuy nhiên, theo GS. Annette MacLeod - đồng sáng lập Đại học Glasgow tại Anh, mật độ của KST tồn tại ở da có thể cao hơn trong máu và chúng còn có thể tồn tại ở lớp mỡ. Điều đó có nghĩa là nếu chỉ dựa vào xét nghiệm máu để chẩn đoán bệnh thì người chỉ bị nhiễm KST ở da hoặc lớp mỡ sẽ không được điều trị và được kê thuốc như những người ở mức độ phát hiện bị nhiễm KST trong máu. Điều này giúp giải thích việc bùng phát trở lại đầy bí hiểm ở thập kỷ 1970, khi mà bệnh ngủ châu Phi tái xuất hiện ở nơi mà trước đó đã được coi là đã được loại bỏ bệnh này. GS. MacLeod cho biết đã từng chứng kiến một bệnh nhân đến từ Sierra Leone, mặc dù người đó không quay lại châu Phi trong vòng 29 năm sau đó, nhưng cuối cùng lại được phát hiện bị nhiễm căn bệnh này ở giai đoạn cuối.
Thứ hai, GS. Michael Duszenko (Đại học Tübingen, Đức) và đồng nghiệp đã phát hiện rằng ngoài hai giai đoạn mà chúng ta đã biết, căn bệnh này thực tế có thêm một giai đoạn “bước đệm” giữa hai giai đoạn trên. Nghĩa là căn bệnh này có tổng cộng 3 giai đoạn gồm: 1 - KST xâm nhập vào máu của người bệnh thông qua vết cắn của ruồi xê xê mang mầm bệnh; 2 - KST xuất hiện trong dịch não tủy và 3 lớp màng bao bọc xung quanh não hay còn gọi là màng não; 3 - KST xuyên qua hàng rào máu-não và tấn công vào não bệnh nhân.
Một phát hiện vô cùng thú vị là ở giai đoạn thứ hai này, chính KST tự kiềm chế sự phát triển của chúng, do đó làm chậm đáng kể diễn tiến của căn bệnh. Chúng sản sinh ra hợp chất có tên Prostaglandin D2 có hai tác dụng là: Gây ngủ đối với bệnh nhân và kích hoạt một quá trình được biết đến là tự hủy tế bào, theo đó, KST tự tiêu diệt một số tế bào của chính nó. Theo GS. Duszenko, mục đích có thể là để giữ cho vật chủ sống lâu hơn, nhờ đó, KST có
KST Trypanosoma giữa các tế bào hồng cầu. (Ảnh: The Science Picture Company/Alamy)
Thách thức và hy vọng trong điều trị
Được mô tả như “cuộc chạy đua vũ trang” trong sinh tồn giữa loài người và KST Trypanosome, con người bảo vệ cơ thể bằng cách sản sinh ra một loại protein có tên Apolipoprotein L1 để kháng cự lại KST, trong khi KST sẽ tìm cách biến đổi để phá vỡ cơ chế bảo vệ của protein này. Theo GS. Etienne Pays (Đại học Brussels, Bỉ), Apolipoprotein L1 trước đây đã có thể tiêu diệt một trong hai dòng KST trên, nhưng theo thời gian, KST đã tìm ra cách phá vỡ vòng bảo vệ này. Mặc dù Apolipoprotein L1 hiện vẫn có thể giết chết biến thể KST gây bệnh cho gia súc nhưng không thể tiêu diệt 2 dòng KST gây bệnh ở người.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng hai dòng KST này rất giỏi biến đổi vì chúng có hơn 1.000 loại protein vỏ bọc, nhưng vào mỗi thời điểm, chúng chỉ sử dụng từng loại một, do vậy sẽ rất khó cho hệ miễn dịch của người để bắt kịp với sự thay đổi này của KST. Trên thực tế, một số người châu Phi cũng đã tự hình thành kháng thể tự nhiên thông qua việc hệ miễn dịch của cơ thể tự thay đổi protein trên. GS. Pays cho rằng có thể một số người đã tự hình thành được kháng thể đối với cả hai loại KST này. Tuy nhiên, dường như hoạt động miễn dịch tự nhiên này có lẽ đi kèm với một số tác hại khi mà khó có thể giải thích tại sao những người từng bị căn bệnh này thường mắc bệnh liên quan đến thận khi họ nhiều tuổi.
Bệnh ngủ châu Phi rõ ràng vẫn tồn tại quanh chúng ta và có thể quay lại trong nhiều năm tới. Tuy nhiên, việc con người có thêm những hiểu biết mới về KST Trypanosome và sự quan tâm của nhiều tổ chức và các bên quan tâm khác ở trên là một bước tiến để một ngày nào đó chúng ta hoàn toàn có thể loại bỏ được căn bệnh nguy hiểm này.
Đàm Mỹ Linh
Theo suckhoedoisong.vn