Cập nhật: 02/03/2017 09:53:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mùa đông ở các tỉnh miền Bắc thường có các đợt rét đậm rét hại kèm theo mưa gió. Tuy nhiên trong những ngày mưa rét, chúng ta vẫn phải đi lại, làm việc, tuần tra biên giới…Vậy làm sao giữ sức khỏe khi nhiễm mưa rét?

Bạn nên dùng nước ấm lau rửa phần cơ thể bị ướt lạnh rồi lau khô ngay

Mỗi khi bị nhiễm mưa rét, bạn cần làm một số biện pháp để bảo vệ sức khỏe đơn giản nhưng rất hiệu quả như sau:

Lau khô người ngay khi vào nhà

Trên đường đi làm hay về nhà, bạn có thể bị nước mưa làm ướt, thậm chí bị ngấm nước mưa lạnh trong thời gian khá dài làm cho bạn vừa bị lạnh, vừa bị ướt ( thường ướt ở mặt và bàn tay, chân). Nước mưa  vừa làm bạn tê buốt, tiếp tục mất nhiệt vừa kèm theo bụi, vi khuẩn dễ làm bạn bị dị ứng ngứa và  nhiễm khuẩn, gây cảm lạnh, viêm mũi họng, viêm phế quản…Bởi vậy khi đến nhà, việc đầu tiên bạn cần làm là loại bỏ quần áo ướt và lau khô người. Việc này giúp bạn không tiếp tục bị mất nhiệt và loại bỏ tác nhân gây dị ứng, gây bệnh. Nếu có điều kiện bạn nên dùng nước ấm lau rửa phần cơ thể bị ướt rồi lau khô ngay.

Làm ấm người

Việc tiếp theo, bạn cần làm ấm người bằng cách: uống một cốc nước ấm ( khoảng 40 – 50oC ) là nước trắng, nước gừng hay nước  chè khô hoặc chè tươi, cà phê. Bạn không nên uống rượu hay bia vì làm giãn mạch tiếp tục mất nhiệt.  Bạn có thể ăn thức ăn nóng như cháo, phở, sup, canh…để làm ấm bụng và ấm người. Bạn không nên ăn thức ăn nguội vì làm cơ thể mất nhiệt vì phải tiêu hóa thức ăn lạnh này.

Làm gì chống cảm lạnh?

Nếu nhiễm mưa rét nhiều ngày hoặc nhiễm lần đầu nhưng kéo dài bạn có thể bị cảm lạnh. Triệu chứng của cảm lạnh là: chảy nước mũi, hắt hơi, nhức đầu, mệt mỏi, nghẹt mũi, đau họng…Bạn có thể giải cảm bằng các cách: uống nước gừng, xông hơi bằng các loại lá có tinh dầu như sả, hương nhu, bạc hà, ..ăn cháo nóng thịt nạc với nhiều hành…Bạn cần uống nhiều nước, nghỉ ngơi, súc họng nhiều lần trong ngày bằng nước muối ấm hoặc uống nước chanh ấm pha với mật ong để làm dịu chỗ họng bị viêm và giảm ho; nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý để làm giảm xung huyết mũi…Nếu bạn bị cảm nặng với các triệu chứng:  da lạnh tái, mất phối hợp vận động, mệt mỏi, rét run…Khi đó, bạn cần đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Cách phòng bệnh

Bạn cần chú ý ăn uống đầy đủ các chất để tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Ngày mưa rét, bạn nên ăn một chút gừng, một chút hạt tiêu trong cháo, phở  để giúp cơ thể chống rét tốt hơn. Đặc biệt bạn không nên bỏ bữa sáng vì bị đói cơ thể sẽ kém chịu đựng rét và ướt. Tập thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe và sức chịu đựng lạnh. Mặc đủ ấm, quàng khăn, đội mũ khi ra ngoài để tránh bị lạnh. Dù trời mưa nhỏ, bạn cũng nên mặc áo mưa để tránh bị ướt và nhiễm lạnh. Tránh tiếp xúc lâu với thời tiết mưa lạnh.

BS. Ninh Hồng

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm