Chiếu là vật dụng luôn gắn liền với đời sống nhân dân Việt Nam từ xa xưa, và cũng vì vậy mà vai trò cũng như nhu cầu của nó luôn không đổi cho dù trong thời buổi hiện đại có nhiều thứ thay thế.
Chính vì có lịch sử lâu đời, nên việc hình thành những làng nghề chuyên dệt chiếu là chuyện tất nhiên. Trong số đó, tại Cà Mau và Tiền Giang dường như là nơi có hai làng nghề dệt chiếu nổi tiếng nhất miền Tây…
Làng chiếu Cà Mau - Âm thầm tồn tại với thời gian
Ở miền Tây có rất nhiều làng nghề dệt chiếu nổi tiếng, mà Cà Mau là một trong những tỉnh có nhiều làng nghề chiếu tiêu biểu. Không chỉ là quê hương của đồng lúa, vườn cây, làng quê trù phú, Cà Mau còn nổi tiếng với những địa danh một thời làm nghề chiếu như: Tân Duyệt Đầm Dơi, Tân Lộc Thới Bình… nhưng nổi tiếng nhất vẫn là chiếu bông hoa Tân Thành. Bằng những nguyên liệu như: sợi lác, dây bố và khung dệt… những phụ nữ ở đây đã dệt nên những đôi chiếu bền, đẹp và tạo nên thương hiệu chiếu Cà Mau.
Những chiếc chiếu hoa tại Cà Mau được dệt
thủ công cứ không in màu như những nơi khác
Từ những bụi lát mọc hoang trên những bãi đầm, người dân Cà Mau dệt nên những chiếc chiếu bền đẹp với họa tiết được dệt trực tiếp bằng những sợi lát nhuộm màu chứ không in như một số loại chiếu vùng khác, từ đó làng nghề chiếu Cà Mau được hình thành.
Dệt, đan chiếu thảm từ cây lát là nghề sản xuất thủ công có tiềm năng to lớn ở Cà Mau với lực lượng lao động sẵn có, cùng với nguồn nguyên liệu tại chỗ rất dồi dào là cây lát. Người dân ở đây hộ nào cũng có từ 1 - 2 khung dệt trở lên.
Nghề dệt chiếu tuy thăng trầm vất vả nhưng người dân Tân Thành với nghề cha truyền con nối vẫn một lòng cần mẫn để tiếp tục duy trì và phát triển làng nghề truyền thống. Hàng năm các hộ ở đây sản xuất ra hàng triệu sản phẩm tiêu thụ khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam bộ.
Đến Tân Thành bạn sẽ thích thú khi nơi này lúc nào cũng đầy màu sắc từ trong nhà ra ngoài ngõ bởi những sợi lát xanh, đỏ, vàng, trắng, tím... Thật thú vị nếu được tận mắt chứng kiến cảnh tất bật của những người thợ lành nghề từ già, trẻ, gái, trai bên khung dệt, cọng lát, sợi trân... để sản xuất ra những manh chiếu xinh xắn, đẹp mắt; cùng với đôi tay khéo léo của những người thợ nhuộm màu lát, in hoa văn, vành, viền... Nghề dệt chiếu đòi hỏi sự điêu luyện, tinh xảo và những bí quyết riêng để tạo ra những sản phẩm chiếu bền, đẹp... Những sợi lác đầy màu sắc tạo nên thương hiệu chiếu nổi tiếng Cà Mau.
Làng chiếu Long Định - Tiền Giang
Khi nhắc đến chiếu, người dân Nam bộ thường hay nghĩ đến chiếu Cà Mau đã từng nổi tiếng một thời. Tuy nhiên, có một làng nghề tạo ra 1 thương hiệu chiếu không thua kém chiếu Cà Mau, đó là làng nghề truyền thống dệt chiếu ở xã Long Định (huyện Châu Thành- Tiền Giang). Từ đầu làng đã thấy cảnh chiếu, cói phơi đầy hai bên đường. Từng đám cói trắng ngà hoặc đã được nhuộm màu xanh, đỏ, tím, vàng… được phơi khô cong dưới cái nắng vàng mùa hạ.
Đi sâu vào làng, chỗ nào cũng nghe rộn ràng lách cách tiếng thoi đưa dệt chiếu. Nghề làm chiếu ở Long Định mới có chừng khoảng hơn 50 năm nay. Nghề do các cư dân vùng chiếu nổi tiếng ở Kim Sơn - Ninh Bình ngoài Bắc di cư vào Nam hồi năm 1954 đem vào. Vì thế, kĩ thuật làm chiếu ở đây cũng có nhiều nét khác biệt so với kĩ thuật làm chiếu thường thấy trong Nam.
Chiếu Long Định bao giờ cũng dày dặn hơn, màu sắc, hoa văn cũng tươi tắn và đẹp hơn. Tìm về làng nghề truyền thống dệt chiếu Long Định chúng ta dễ dàng bắt gặp cảnh chiếu phơi ven tỉnh lộ 867 của gần 300 hộ dân thuộc xã Long Định, đã giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động ở vùng nông thôn, giúp họ có mức thu nhập ổn định.
Trong mỗi ngôi nhà ven Tỉnh lộ 867 đều có các khung dệt dập dềnh theo nhịp thoi đưa. Nhà này là 2 cô gái, nhà kia là đôi vợ chồng, kẻ đan lác, người dập khung cửi. Làm chiếu cũng giống như trồng lúa, tức phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, thời tiết. Hàng năm, cứ vào thời điểm mùa khô, tức khoảng từ tháng 1 tới tháng 4 dương lịch, làng chiếu Long Định lại vào vụ sản xuất chính.
Chiếu Long Định với những hoa văn được phối màu công phu sao cho không bị phai.
Cực nhất là tháng 5, tháng 6, khi mùa mưa đến, nghề làm chiếu lại phải tạm dừng chờ đến mùa khô năm sau. Khó khăn là thế nhưng người làm chiếu ở Long Định vẫn chịu thương chịu khó bám trụ với nghề, bởi mức thu nhập của nghề làm chiếu vẫn khá hơn so với nghề trồng lúa.
Sau khi chuẩn bị xong phần nguyên liệu cần phải có 2 người cùng làm. Thông thường, khi căng đai xong thì người thợ chính sẽ ngồi lên khung, người thứ 2 luồn từng sợi lác vào khuôn và người thợ chính sẽ dùng lực mạnh dập vào lác để kết chặt lác vào nhau. Động tác dập phải dứt khoát, đủ độ mạnh để lác thẳng hàng, không xếp chồng lên nhau. Chiếu Long Định nổi tiếng dày, bền, nằm vừa êm lại thoáng mát, giá phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng nên hàng ngày thương lái các nơi đến mua rất đông.
Có những thời điểm, làng dệt chiếu “ăn nên làm ra”, mỗi ngày giao cho thương lái hơn 5.000 chiếc chiếu. Không những thế, chiếu Long Định còn được xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật, Mỹ… Để làm ra 1 chiếc chiếu đẹp, lác phải thật khô, trắng, cọng bóng tròn, không quá to. Kỹ thuật dệt là yếu tố quyết định chiếu đẹp hay xấu. Khi dệt, người cho ăn lác cần phải có kỹ thuật, phải làm đều tay tránh bị rớt nhịp.
Công đoạn tạo màu cũng lắm công phu. Muốn màu không phai, không dính lên quần áo khi nằm, lác phải được nhúng vào chảo màu đang sôi, chờ cho nước sôi lại lần nữa để màu thấm vào từng sợi lác. Đặc biệt, khi may chiếu, đường may phải sắc nét, không quá dày cũng không quá thưa.
Hiện nay, ngoài sản phẩm chiếu lác truyền thống, người dệt chiếu ở xã Long Định còn nghiên cứu làm thêm sản phẩm chiếu bằng thân cây lục bình phơi khô, một loại nguyên liệu khá phổ biến ở vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, giá thành một chiếc chiếu lục bình cao hơn rất nhiều so với chiếu lác, nên chiếu lục bình ít được sử dụng trong nước mà chủ yếu xuất khẩu ra nước ngoài.
Các chi tiết hoa văn phải thay đổi thường xuyên theo thị hiếu người tiêu dùng. Sau khi trang trí hoa văn xong phải đem chiếu vào hấp cách thủy, hấp phải đúng giờ, nếu già lửa chiếu sẽ tối màu, còn nếu chưa đủ thời gian thì dễ bị phai màu khi nằm. Dù qua bao thăng trầm của thời đại, chiếu Cà Mau và chiếu Long Định vẫn tồn tại trường kỳ với thời gian.
Cho dù có nhiều thương hiệu ngoại nhập trên thị trường, nhưng chiếu của làng nghề vẫn luôn giữ một vị trí không có thương hiệu nào thay thế được trong lòng người tiêu dùng. Mong rằng trong tương lai, làng nghề dệt chiếu có thể ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn, đem thương hiệu cùng chất lượng ngày một nâng cao.
ST