Nguyên nhân phổ biến nhất của cảm giác mau đầy bụng sau khi ăn một bữa ăn nhỏ là do tiêu thụ thực phẩm hoặc đồ uống có thể gây đầy hơi, chẳng hạn như đồ uống có ga và một số thực phẩm.
Tuy nhiên, nếu đầy hơi thường xuyên và với bất kể những loại thực phẩm nào mà bạn ăn - có thể là do một số bệnh tiềm ẩn.
Cảm thấy mau đầy bụng sau ăn một bữa ăn nhỏ - Tại sao?
Mau no
Cảm giác đầy bụng sau khi ăn chỉ có một lượng nhỏ thức ăn được gọi là cảm giác no sớm. Điều này đôi khi có thể kèm theo các triệu chứng khác như nôn, buồn nôn và đầy hơi hoặc giảm cân. Nếu bạn gặp những triệu chứng này thường xuyên, cần đến bác sĩ để được chẩn đoán đầy đủ và chính xác.
Có nhiều nguyên nhân tiềm tàng cho cảm giác no sớm, bao gồm viêm loét dạ dày - tá tràng hoặc bệnh trào ngược dạ dày - thực quản (GERD). Cảm giác no sớm cũng có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nghiêm trọng hơn như ung thư tuyến tụy.
Hội chứng ruột kích thích
Hiện nay ít được biết về những gì gây ra hội chứng ruột kích thích (IBS: irritable bowel syndrome). Rối loạn này có liên quan với cảm giác đầy bụng sau khi ăn dù chỉ với một bữa ăn nhỏ và các triệu chứng có thể tồi tệ hơn khi có stress đi kèm.
Đầy bụng
Nếu bạn có IBS, bạn cũng có thể bị đau bụng, táo bón hoặc tiêu chảy. Sau khi đại tiện, các triệu chứng thường được cải thiện tốt hơn. Một số người có thể có những triệu chứng nặng nhưng thường là nhẹ. Không có xét nghiệm đặc hiệu cho hội chứng triệu chứng điển hình.
Nhạy cảm với gluten
Gluten được tìm thấy trong một loạt các sản phẩm thực phẩm có chứa ngũ cốc như yến mạch và lúa mạch. Giống như IBS, các triệu chứng của dị ứng với gluten có thể khác nhau ở từng người. Cùng với đầy hơi và viêm mạn, bạn cũng có thể bị đau ở các khớp hoặc tê ở tứ chi và một số người còn bị đau đầu. Những triệu chứng này xuất hiện vài giờ hoặc thậm chí một vài ngày sau khi ăn gluten. Nguyên nhân chính xác của không dung nạp gluten hiện chưa rõ, nhưng người ta tin rằng việc tiêu thụ gluten gây ra một phản ứng tự miễn dịch làm thiệt hại cho ruột non. Tổn thương ruột non sẽ làm ức chế khả năng của cơ thể để hấp thụ vitamin và khoáng chất.
Không dung nạp lactose
Không dung nạp lactose là do một rối loạn trong đó ngăn chặn cơ thể tiêu hóa lactose. Lactose được tìm thấy trong hầu hết các sản phẩm có chứa sữa, đặc biệt trong sữa uống. Gần 30 triệu người Mỹ có một số dấu hiệu không dung nạp lactose vào lứa tuổi 20. Cùng với đầy hơi và viêm mạn, các triệu chứng không dung nạp lactose bao gồm đau quặn bụng, tiêu chảy và buồn nôn. Nếu nghi ngờ mình không dung nạp lactose, bạn nên đến bác sĩ để được khám.
Các nguyên nhân khác
Trong khi các rối loạn đã đề cập đều có thể dẫn đến cảm giác đầy bụng bất kể những gì bạn ăn, vẫn có nhiều nguyên nhân tiềm năng khác. Nuốt không khí trong quá trình ăn uống, hội chứng kém hấp thu và không dung nạp với một số thực phẩm hoặc do bệnh ung thư đường tiêu hóa cũng có thể gây ra những triệu chứng đầy bụng.
Cần làm gì khi cảm thấy mau đầy bụng?
Gặp bác sĩ để được chẩn đoán rõ ràng
Nếu bạn luôn cảm thấy đầy bụng sau khi ăn một bữa ăn nhỏ, bạn nên đến bác sĩ để khám. Sau khi hỏi các triệu chứng, bác sĩ có thể cho thêm các xét nghiệm tùy thuộc vào bệnh sử và triệu chứng: chụp Xquang hệ tiêu hóa; nội soi; siêu âm bụng; xét nghiệm phân để xem có máu không và loại trừ chảy máu đường ruột...
Điều trị theo nguyên nhân
Cảm giác no sớm: Có rất nhiều phương pháp điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân. Ví dụ như dùng thuốc erythromycin, metoclopramide giúp cải thiện triệu chứng; ăn chia làm nhiều bữa nhỏ, giảm lượng chất béo và chất xơ hoặc ăn thức ăn lỏng, thức ăn nấu chín kỹ cũng là phương pháp điều trị hiệu quả.
Hội chứng ruột kích thích: Tránh các thực phẩm gây ra các triệu chứng của IBS và học cách quản lý stress là hai trong số những phương pháp điều trị thành công nhất cho IBS. Điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống, đảm bảo uống nhiều nước và nghỉ ngơi đầy đủ cũng có thể giúp kiểm soát các triệu chứng.
Nhạy cảm gluten: Để đối phó với dị ứng gluten bằng cách tránh các thức ăn có chứa gluten như lúa mì, lúa mạch đen và lúa mạch thường được tìm thấy trong các sản phẩm có lúa mạch như kẹo mạch nha.
Không dung nạp lactose: có thể giúp giảm các triệu chứng không dung nạp lactose bằng cách dùng kèm một lượng nhỏ sữa trong bữa ăn hoặc dùng sữa và kem không có lactose.
Một số biện pháp khắc phục chứng đầy bụng
Cảm giác đầy bụng sau khi ăn chỉ với một bữa ăn nhỏ gây nhiều khó chịu. Sau khi tham khảo ý kiến bác sĩ, bạn có thể thử các biện pháp khắc phục để giảm các triệu chứng:
Dùng hạt cây thì là (Fennel): Bạn có thể nhai hạt cây thì là hoặc cho chúng vào nước nóng (ngâm 5-10 phút) rồi dùng. Đây là một cách rất hiệu quả để thư giãn làm giảm co thắt cơ trơn của đường tiêu hóa.
Bạc hà: Dầu menthol trong tinh dầu bạc hà giúp chống co thắt và làm giảm đầy hơi đường tiêu hóa. Tinh dầu này cũng có thể tăng tốc độ vận chuyển thức ăn trong dạ dày ruột. Bạn có thể ngâm một túi trà bạc hà trong nước nóng và dùng 2-3 cốc mỗi ngày.
Bí ngô: Dùng bí ngô hấp, nướng hoặc luộc là một cách hiệu quả để kiểm soát hơi và đầy hơi. Ngô chứa nhiều kali, vitamin A và chất xơ giúp sức khỏe dạ dày và tiêu hóa.
TS.BS. Lê Thanh Hải
Theo suckhoedoisong.vn