Ngư dân đời nào cũng vậy, ở đâu cũng vậy, họ được coi là những người mưu sinh trên ngọn sóng…
Tàu cá tấp nập ra vào cảng Thổ Chu mỗi sáng. Ảnh: VGP/Việt Hòa
Buổi sáng trên bến cảng Thổ Chu (huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang) trong veo, từ màu nước biển chỉ có ở khơi xa đến bầu không khí mát lành, mằn mặn mùi gió biển. Những chiếc ghe, chiếc tàu sơn xanh viền đỏ tấp nập ra vào, điểm xuyến cho buổi sáng thêm sắc màu tươi vui, nhộn nhịp.
Cuộc sống mỗi ngày của biết bao gia đình, bao con người bắt đầu trên những con tàu, chiếc ghe đó.
Ngư dân Nguyễn Thanh Mai có nước da nâu bóng, màu của nắng, của gió, của nước biển mặn mòi được nhuộm qua nhiều năm tháng, giọng nói vang vang, hào sảng. “Hơn 10 tuổi tôi đã theo cha lên thuyền ra khơi, tính đến giờ là hơn 30 năm sống trên sóng biển. Quê tôi ở tận La Gi (Bình Thuận) nhưng vào đánh bắt ở vùng biển Tây Nam này lâu lắm rồi. Ghe có 6 người, làm nghề câu khơi, tức là chạy ghe ra khơi xa, câu cá mú tròn, cá mú dẹp, câu mực… gặp gì câu nấy chứ không chuyên một loại nào”, người đàn ông 49 tuổi tóm tắt về cuộc đời mình đơn giản như thế.
Công việc của ông cùng các ngư dân nghe qua có vẻ giản đơn và có phần nhàn tản nhưng có hỏi chuyện sâu mới biết, cùng là nghề đi biển mà có nhiều kiểu đánh bắt khác nhau và để có được con cá, con mực đem vào đến đất liền là cả một sự gian nan.
Khi mới vào nghề, ông Mai có tới 10 năm bắt cá bằng cách thả chà. Đó là cách đánh bắt cá truyền thống đã có hàng trăm năm nay. Ngư dân dùng cây, lá… kết thành mảng thả xuống biển, tạo thành một nơi cư trú nhân tạo, giống như một cái ổ, một mái nhà để cá tới làm tổ để rồi sau đó dùng mành, lưới đánh bắt. Ngư dân có thể di chuyển những chà cá này trên biển để có thể "đón lõng" những bầy, đàn cá khi di chuyển theo mùa vụ. Làm và thả xong một cây chà xuống biển là cả một kỳ công và cần đông người thạo việc, không phải ai cũng có thể làm ngay. Bởi vậy, những năm gần đây số người làm chà không còn đông như trước. Ông Mai cũng đã bỏ nghề chà, chuyển sang câu khơi.
Cuộc sống trên ghe không chút an nhàn, ăn ngủ thất thường, không có giờ giấc cố định. Mỗi chiếc ghe như của ông có 1 thuyền trưởng, còn lại chia ca để làm việc, từ 7 giờ tối tới 12 giờ đêm một ca, nửa số người trên ghe thức câu mực làm mồi câu cá. 12 giờ đêm, những người này được ngủ, những người đã ngủ lại dậy làm tiếp công việc. Tới 5-6 giờ sáng thì họ chạy ghe tới bãi câu. Trời yên bể lặng đã vất vả, mệt nhọc, còn khi còn gặp sóng lớn, giông tố, nhất là vào mùa cá nam, ngư dân có khi trở tay không kịp, không chỉ mất cá mà sự sống con người khi ấy chỉ trông chờ vào… số phận.
Cũng đi ghe ra khơi đánh bắt, nhưng chiếc ghe của ông Phan Thanh Trọng chỉ có hai vợ chồng. Vợ chồng ông chuyên đánh bắt, câu cá thu. Nghề này làm được quanh năm nhưng trúng nhất là vào tháng Giêng, tháng Hai, đặc biệt là từ ngày 10 tới 17 âm lịch, là khi cá thu đi ăn trăng hằng đêm.
Những đêm ấy, nếu gặp luồng cá đi, vợ chồng ông bắt được khoảng 3 tạ. Với giá cá thu hiện tại 110.000 đồng/kg, trừ chi phí tiền dầu, mỗi một đêm như thế vợ chồng ông thu lãi ít thì được 4-5 triệu đồng, nhiều thì khoảng 30 triệu đồng. “Vùng biển bao la, cá thu ở quanh năm suốt tháng, mùa nào cũng làm được hết. Tối trời làm được ít, sáng trăng làm được hoài. Mấy trăm ghe cá thu ghe làm trúng hoài. Cứ ra khoảng 10 lý đến 30 lý là tha hồ đánh bắt”, ông Trọng kể về vùng biển của mình với sự biết ơn đầy trìu mến.
Biển cả quê hương giang rộng vòng tay, nuôi sống bao người bằng nguồn lợi sẵn có trong mình, nên dù có những khi thời tiết thất thường, hiểm nguy rình rập quanh chiếc ghe nhỏ bé, dù việc đánh bắt lúc trúng lúc không, các ngư dân vẫn kiên trì bám biển, gắn bó cả cuộc đời với sóng nước trùng khơi.
Cho dù đa số ngư dân có nhà ở đất liền nhưng mưu sinh trên biển, cuộc sống chủ yếu trên những chiếc ghe nên họ coi biển cả là quê hương thứ hai gắn bó với mình.
Bữa cơm của gia đình ngư dân. Ảnh: VGP/Việt Hòa
Ngư dân Nguyễn Thanh Mai cười vang khi miêu tả cuộc đời của những ngư dân bằng câu: “Biển cả là quê hương, phố phường là nơi tạm trú”. Với ông, cũng như tất cả những người làm nghề bám biển khác, chiếc ghe, con tàu là mái nhà thứ hai vô cùng thân thiết.
Mái nhà trên mặt đất chỉ che chở khi ta ở yên một chỗ, còn mái nhà này rong ruổi chở che các ngư dân trong suốt cuộc mưu sinh. Chiếc ghe của ông Mai và 5 ngư phủ khác có khá nhiều máy móc: máy bộ đàm nhỏ, máy đường dài có radio báo gió, máy định vị, máy dò cá, dò đá, tivi, đầu đĩa. Cứ thế họ lênh đênh trên biển dài ngày, chỉ ghé lại các bến cảng khi cần tiếp nguyên liệu, thức ăn, nước uống và bán hải sản đánh bắt được.
Cuộc sống thu hẹp trên ghe, bạn của họ là trời, là biển nên mỗi khi nhắc về biển cả, trong mắt họ ánh lên sự hàm ơn và đong đầy nỗi yêu thương.
Việt Hòa
Theo baochinhphu.vn