Cập nhật: 13/03/2017 10:42:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Viêm loét miệng là chứng bệnh dễ gặp ở trẻ em và người cao tuổi. Đặc biệt những người có sức đề kháng kém dễ bị các tác nhân gây bệnh tấn công.

Một vết loét áp - tơ ở mặt trong lợi.

Các vết loét trong miệng dễ gây cho người bệnh đau đớn và rất khó chịu. Dưới đây là 2 thể viêm loét miệng hay gặp

Loét aptơ niêm mạc miệng. Loét aptơ là một tổn thương loét, đau, trên nền niêm mạc di động, xảy ra ở cả trẻ em tuổi học đường và người lớn. Lứa tuổi hay gặp từ 10-19 tuổi. Có thể do các yếu tố tại chỗ hoặc toàn thân: gen, yếu tố miễn dịch, sự lây nhiễm vi sinh vật, stress, thiếu hụt các vi tố như: sắt, vitamin B12, axit folic... hoặc các yếu tố đặc hiệu (nhiễm vi khuẩn hoặc virut)... gây ra các tổn thương loét.

Khi mắc, biểu hiện thường nhận thấy là tổn thương loét hình tròn hoặc ô van, lõm xuống, trên phủ giả mạc trắng, bao quanh là bờ viền đỏ. Chỗ tổn thương rất đau, đặc biệt với thức ăn chua, mặn... Có thể xuất hiện từng tổn thương loét nhỏ, đơn lẻ hoặc tổn thương loét lớn hoặc xuất hiện rất nhiều tổn thương loét. Có thể kèm theo tổn thương loét ở vị trí khác trong cơ thể (kèm theo loét ở bộ phận sinh dục). Tổn thương loét kéo dài 4-14 ngày, sau đó liền không để lại sẹo, chỉ để lại sẹo trong trường hợp tổn thương loét rộng bất thường. Tổn thương thường rất hay bị tái đi tái lại ở cùng một vị trí.

Các xử trí: Hiện nay chưa có phác đồ điều trị đặc hiệu, các điều trị hiện thời tập trung vào việc thúc đẩy liền sẹo, giảm thời gian bị loét, giảm đau cho bệnh nhân, phòng hoặc giảm tần suất bị mắc lại bệnh. Các thuốc điều trị gồm: bôi thuốc giảm đau, chống viêm; tăng cường dinh dưỡng, chế độ ăn mềm,...

Viêm niêm mạc miệng cấp do nấm Candida (tưa lưỡi): Nấm Candida bình thường cư trú trong khoang miệng không gây bệnh, nhưng có thể sinh sôi nhanh chóng và gây bệnh khi sức đề kháng của mô mềm ở trong miệng giảm. Bệnh có thể gặp ở trẻ nhỏ sau khi dùng một liệu pháp kháng sinh tại chỗ hoặc gặp ở trẻ sơ sinh, do trong quá trình được sinh ra nhiễm nấm từ cơ quan sinh dục của mẹ.

Biểu hiện nhận biết là các thương tổn trong miệng là những mảng trắng dày, nổi lên trên bề mặt niêm mạc má, lợi, vòm miệng... còn gọi là tưa miệng. Tưa miệng có thể được lấy đi dễ dàng để lại bề mặt tổn thương rớm máu.

Về xử trí: Không được điều trị theo mách bảo sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Tùy theo mức độ nặng nhẹ, lứa tuổi mà các bác sĩ sẽ chỉ định thích hợp.

TS. Trần Thị Mỹ Hạnh

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm