Cập nhật: 20/02/2017 08:30:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Vi khuẩn Helicobacter pylori (H.P) là một loại vi khuẩn phổ biến trong niêm mạc dạ dày, nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh về dạ dày như: viêm dạ dày - tá tràng.

Vi khuẩn H.P có nhiều trong nước bọt, trong mảng cao răng, trong niêm mạc dạ dày của người bệnh nên rất dễ lây từ người bệnh sang người lành thông qua đường ăn uống. Do thói quen ăn uống của người Việt Nam như: ăn chung chén nước chấm, dùng đũa của mình gắp thức ăn cho người khác để  bày tỏ sự hiếu khách, dùng chung một chén rượu và do chúng lây nhiễm qua nhiều đường khác nhau nên tỉ lệ người nhiễm vi khuẩn H.P ở Việt Nam là hơn 80% dân số.

Đường lây nhiễm

Để tránh lây nhiễm cho những người thân trong gia đình, chúng ta cần hiểu rõ những đường lây của vi khuẩn H.P. Dưới đây là những con đường dễ lây nhiễm vi khuẩn H.P:

Lây qua đường miệng - miệng: vi khuẩn H.P được tìm thấy trong nước bọt, cao răng, khoang miệng của người bệnh, do đó chúng được lây truyền từ người này qua người khác khi dùng chung bàn chải đánh răng, dùng chung chén đũa, muỗng, hôn trực tiếp, mẹ nhai mớm cơm cho con.

Lây qua đường phân - miệng: vi khuẩn H.P được đào thải qua đường phân của người bệnh nên được lây nhiễm khi vệ sinh tay không sạch sẽ khi đi tiêu và trước khi ăn, hoặc có thể nhiễm qua trung gian của côn trùng như ruồi, gián, chuột...

Lây qua đường dạ dày - miệng: ở người có vi khuẩn H.P trong dạ dày thì khi bị trào ngược hoặc ợ chua có thể đẩy vi khuẩn lên trên miệng cùng với dịch dạ dày.

Lây qua đường dạ dày - dạ dày: đây là đường lây nhiễm rất quan trọng bởi nó lây nhiễm trong quá trình người bệnh làm nội soi tại các cơ sở y tế. Khi nội soi dạ dày cho người bệnh có vi khuẩn H.P, nếu vệ sinh đầu dò không đủ sạch, vi khuẩn H.P sẽ lây nhiễm sang người lành.

 

Những triệu chứng

Người bị nhiễm vi khuẩn H.P thường không có triệu chứng đặc trưng, chỉ tới khi người bệnh bị đau dạ dày với những biểu hiện khác nhau thì vi khuẩn H.P mới được phát hiện. Tuy nhiên, nếu nhận thấy các dấu hiệu và biểu hiện bệnh của dạ dày - tá tràng thì phải kiểm tra vi khuẩn H.P qua nội soi dạ dày vì loại vi khuẩn này là nguyên nhân gây chính gây bệnh.

Hầu hết những người nhiễm vi khuẩn H.P đều không có triệu chứng gì. Thế nhưng cũng không phải tất cả những người nhiễm H.P đều phát bệnh dạ dày vì  cơ thể của một số người có khả năng kháng lại tác hại của vi khuẩn H.P. Theo thống kê, có khoảng 50% dân số thế giới nhiễm H.P nhưng chỉ có khoảng 10% trong số đó có bệnh lý về dạ dày - tá tràng và 1 - 3% bị ung thư dạ dày.

Tuy nhiên, có một số dấu hiệu báo hiệu tình trạng nhiễm vi khuẩn H.P như đau hoặc bỏng rát vùng bụng trên, đau bụng tăng lên khi đói, buồn nôn, ngay cả khi không có thức ăn trong bụng, nôn khan, nôn buổi sáng sớm, chán ăn, ợ chua, đầy bụng, sụt cân không rõ nguyên nhân, thiếu máu thiếu sắt không rõ nguyên nhân.

Mặt khác, còn có một số yếu tố làm gia tăng nguy cơ nhiễm vi khuẩn như: sống trong điều kiện đông đúc như gia đình hoặc cộng đồng đông người thì nguy cơ nhiễm H.P cao hơn; sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh cũng là yếu tố làm gia tăng nguy cơ nhiễm H.P; người dân ở các nước đang phát triển, sống trong môi trường đông đúc, điều kiện vệ sinh kém thì nguy cơ bị nhiễm H.P cao hơn; sống chung với người bị nhiễm vi khuẩn H.P cũng có nguy cơ bị lây nhiễm H.P từ người đó.

Những bệnh lý dạ dày

Nhiễm vi khuẩn H.P sẽ gây ra những bệnh lý ở dạ dày như:

Loét dạ dày tá tràng: vi khuẩn H.P làm tổn thương lớp chất nhầy bảo vệ dạ dày, tá tràng do đó tạo điều kiện cho axít tấn công niêm mạc dạ dày tạo ra vết loét và có khoảng 10% người bệnh có H.P dương tính bị loét dạ dày.

Thủng dạ dày: vi khuẩn H.P tồn tại trong ổ loét lâu ngày có thể ăn thủng lớp niêm mạc, thanh mạc dạ dày và xuyên qua lớp cơ gây thủng dạ dày.

Viêm dạ dày - tá tràng: vi khuẩn H.P kích thích lớp niêm mạc tế bào gây xung huyết, viêm niêm mạc gây ra tình trạng viêm ở dạ dày - tá tràng.

Điều trị

Để điều trị vi khuẩn H.P, hiện nay các bác sĩ chuyên khoa sử dụng phác đồ điều trị mà trong đó có ít nhất 2 loại kháng sinh cùng với 1 thuốc giảm tiết axít dạ dày, có thể kèm theo muối Bismuth. Tuy nhiên, hiện nay tỉ lệ H.P kháng thuốc đang gia tăng nhanh chóng, chính vì thế các nhà khoa học luôn phải tìm ra các loại kháng sinh mới đặc hiệu hơn trên vi khuẩn H.P.

Ngoài ra, các biện pháp kết hợp mới nhằm làm gia tăng hiệu quả vừa diệt H.P vừa phòng ngừa lây nhiễm, tái nhiễm H.P là hướng quan tâm hàng đầu hiện nay của y học.

Để điều trị vi khuẩn H.P (+) hiệu quả, ngoài việc dùng thuốc thường xuyên liên tục còn cần thực hiện 5 điều sau:

Ăn chín với đồ dùng cá nhân riêng như chén, đũa, muỗng, ly. Ăn thức ăn dễ tiêu, giảm mỡ béo, không ăn chua, cay, không ăn thức ăn nguội hoặc thức ăn quá nóng và khô, khi ăn phải nhai chậm, nhai kỹ.

Ăn đúng giờ, tránh để đói hoặc no quá.

Kiêng rượu, bia, cà phê, thuốc lá, giảm stress… Tránh thuốc uống có ảnh hưởng đến dạ dày như thuốc vitamin C, axít folic điều trị thiếu máu, các thuốc dạng sủi bọt, thuốc giảm đau kháng viêm và corticoide.

Chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc quá sức, căng thẳng lo âu kéo dài, phiền muộn quá đáng, không thức khuya.

Phải dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ vì có thuốc phải uống trước bữa ăn, có thuốc uống sau ăn mới phát huy tác dụng, uống thuốc phải đủ liều lượng, đủ thời gian, không được thấy hết đau tự ý ngưng thuốc.

Thời gian điều trị trung bình khoảng 6 tuần. Tuyệt đối người bệnh không được tự điều trị, lý do hiện nay vi trùng này kháng thuốc rất nhiều vì hiện nay việc tùy tiện mua thuốc để trị, do đó dễ gây kháng thuốc gây nên sự thất bại trong điều trị.

Sau thời gian dùng đủ thuốc, bắt buộc phải ngưng thuốc hai tuần kiểm tra lại để xác định xem vi khuẩn H.P đã hết chưa có như thế mới đánh giá kết quả chính xác, nếu vi trùng âm tính, tức không còn trong dạ dày thì mới chắc chắn khỏi bệnh.

Nếu khi điều trị viêm dạ dày chưa ngưng thuốc thì không được thử ngay vì như thế sẽ không chính xác. Và sau khi lành bệnh, để tránh tái phát nên thực hiện nghiêm túc các chỉ định điều trị ở trên, hạn chế dùng các chất, các thuốc gây ảnh hưởng dạ dày. Đặc biệt cần kiểm tra xem trong gia đình có ai nhiễm H.P không vì họ có thể là nguồn lây làm bệnh tái phát.

Phòng bệnh như thế nào?

Để phòng ngừa nhiễm vi khuẩn H.P chúng ta cần hiểu được những con đường lây nhiễm chính của chúng, có như thế mới chủ động phòng ngừa cho bản thân và gia đình, gồm các biện pháp sau:

Không dùng chung dụng cụ ăn uống trong gia đình như chung chén nước chấm, gắp thức ăn cho nhau

Cẩn thận khi ăn uống tại các hàng quán ven đường vì vệ sinh dụng cụ ăn uống rất kém không loại bỏ hết được vi khuẩn H.P.

 

Thói quen ăn chung chén nước chấm, dùng đũa của

 mình gắp thức ăn cho người khác... góp phần lây lan H.P

Diệt trừ ruồi muỗi, giữ gìn vệ sinh chén đũa sạch sẽ, ngâm các dụng cụ ăn uống dùng chung trong gia đình trong nước sôi.

Không hôn trẻ, không cho trẻ ăn bằng cách nhai đút mớm.

Tránh thói quen trộn thức ăn của trẻ nhỏ bằng đũa của mình trong bữa cơm gia đình.

Các vật nuôi như chó mèo cũng được xác định là nguồn lây nhiễm vi khuẩn H.P vì vậy cần có những biện pháp vệ sinh sạch sẽ cho vật nuôi.

Hạn chế ăn các loại đồ ăn sống như rau sống, gỏi và các loại thức ăn lên men như mắm tôm, mắm ruốc cũng nên hạn chế ăn vì đa số loại thực phẩm này không được vệ sinh sạch sẽ dễ gây các bệnh đường tiêu hóa trong đó có nhiễm vi khuẩn Helicobacter pilori.

BS. HỒ VĂN CƯNG

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm