Cái Chiên là xã đảo duy nhất của huyện Hải Hà, (Quảng Ninh) nằm cách xa đất liền khoảng 5 hải lý, được bao bọc bởi 14km bờ biển, với nhiều vụng cát nhỏ và nhiều ghềnh đá. Tuy nhiên gần đây nước biển xâm thực đã làm xói lở dọc bờ biển gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân trên đảo.
Hàng loạt cây phi lao chắn sóng trên đảo đã bị đổ do triều cường xâm thực.
Hàng loạt cây phi lao trên đảo bị sóng biển quật ngã nằm trơ cả gốc; bờ cát bị sạt lở tạo thành những vách dựng đứng, nước biển ăn sâu vào đất liền…, gây xói lở tại khu vực rừng phi lao ở thôn Đầu Rồng, xã đảo Cái Chiên, huyện Hải Hà.
Tình trạng triều cường xâm thực bắt đầu xảy ra trên xã đảo Cái Chiên từ năm 2009, đến nay tình trạng xâm thực đã xảy ra ở bảy vị trí là rừng phi lao chắn sóng, các bãi bồi ven biển, với chiều dài điểm nhỏ nhất là 120m, điểm lớn nhất là 1.500m và chiều sâu từ 3 đến 6m, có chỗ đến 8m. Ông Lê Văn Chuyền người dân thôn Đầu Rồng, xã Cái Chiên, huyện Hải Hà cho biết: “Từ năm 2009 nước biển bắt đầu xâm thực khoảng 4 đến 5m, những năm tiếp theo tình trạng xâm thực của nước biển càng trở nên nghiêm trọng hơn, tính đến thời điểm hiện nay nước biển đã xâm thực vào đất liền khoảng 40m, làm gãy đổ khoảng 1/3 diện tích rừng phi lao chắn sóng. Nếu không có các giải pháp ngăn chặn kịp thời thì mùa mưa bão năm nay, triều cường sẽ làm đất đai bị nhiễm mặn, người dân không sản xuất được”.
Ông Trần Văn Hài ở thôn Đầu Rồng, xã Cái Chiên, huyện Hải Hà lo lắng chia sẻ: “Trước kia bãi cát ở đây rất bằng phẳng, nhưng do triều cường dâng cao tàn phá rừng phi lao, ảnh hưởng đến việc đi lại và đời sống của nhân dân, mỗi năm xâm thực từ 2 đến 3m; đặc biệt vào mùa mưa bão, chỉ cần ảnh hưởng của bão thôi cũng đã làm xói lở cả hàng phi lao dài. Mong cấc cấp chính quyền từ tỉnh đến địa phương đầu tư xây thêm tuyến kè chắn sóng bảo vệ cho đời sống và sản xuất của nhân dân”.
Xã đảo Cái Chiên có 157 hộ dân với hơn 500 nhân khẩu sinh sống, với nghề chủ yếu là làm nông nghiệp kết hợp với khai thác và nuôi trồng thủy sản nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Việc triều cường xâm thực đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và sản xuất của nhân dân, đồng thời phá hủy môi trường sinh thái, cảnh quan tự nhiên, ảnh hưởng tới tiềm năng phát triển du lịch trên xã đảo.
Năm 2016, xã đảo Cái Chiên được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt định hướng phát triển trở thành khu du lịch biển đảo phía nam thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, với tính chất hoạt động du lịch sinh thái, biển đảo, nghỉ dưỡng, ẩm thực; du lịch tàu biển, phát triển du lịch sinh thái và trải nghiệm, vui chơi giải trí.
Đến xã đảo Cái Chiên bây giờ không còn khó khăn như vài năm trước bởi từ năm 2015, được sự quan tâm của tỉnh và huyện, tuyến phà từ đất liền ra xã đảo đi vào hoạt động đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại của nhân dân và góp phần thúc đẩy giao thương giữa đảo với đất liền.
Đặc biệt từ đầu năm 2016, khi điện lưới quốc gia được kéo về xã đảo, cuộc sống nơi đây đã dần đổi thay từng ngày. Người dân trên đảo đã phát huy được những tiềm năng lợi thế của địa phương trong phát triển kinh tế từ du lịch sinh thái; cùng với đó, với ý chí vươn lên, người dân trên đảo vẫn cần cù, chịu khó, hăng say lao động, nhiều cây, con giống mới được đưa vào sản xuất, đẩy mạnh khai thác và nuôi trồng thủy sản nên đời sống của nhân dân trên đảo đã không ngừng được nâng lên.
Được sự quan tâm hỗ trợ của nhà nước, cùng với những nỗ lực của người dân, nhiều tuyến đường giao thông, trường học, trạm xá… đã được đầu tư xây dựng khang trang sạch đẹp. Đến nay, 100% các hộ dân đã được sử dụng nước hợp vệ sinh, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,3%, thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng/người/năm.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cái Chiên Nguyễn Văn Pẩu cho biết: “Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, triều cường nên hiện tượng xâm thực trên địa bàn xã đảo ngày cảng trở nên nghiêm trọng hơn. Qua kiến nghị của người dân tại các buổi tiếp xúc, chúng tôi cũng đã tổng hợp, đồng thời phối hợp với các ngành chức năng của huyện kiểm tra thực địa, lập biên bản gửi đến các cơ quan chức năng và UBND tỉnh Quảng Ninh xem xét giải quyết. Việc đưa ra các giải pháp để giải quyết tình trạng xâm thực của triều cường là rất cần thiết, vì nếu không có biện pháp ngăn chặn ngay sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, đời sống của bà con nhân dân và hệ thực vật, rừng phi lao phục vụ cho du lịch sinh thái trên đảo”.
QUANG THỌ
Theo nhandan.com.vn