Cập nhật: 17/02/2017 16:20:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tháp Bình Sơn thuộc địa phận thị trấn Tam Sơn - huyện Sông Lô - tỉnh Vĩnh Phúc, là một công trình kiến trúc độc đáo được xây dựng từ thời Lý - Trần còn được bảo tồn đến ngày nay. Tháp Bình Sơn nằm trong khuôn viên chùa Vĩnh Khánh (chùa Then) được xây bằng gạch nung mà không cần vôi vữa, xung quanh tòa Tháp và ngôi chùa được bảo vệ bằng hệ thống tường rào bao xung quanh, diện tích khoanh vùng bảo vệ khoảng 17.200m2­.

Theo tương truyền, Tháp Bình Sơn có 15 tầng, trên nóc Tháp còn có một hình khối búp hoa sen chưa nở bằng gạch nung tạo cho Tháp một dáng vẻ thanh thoát vươn cao. Nhưng  do biến động của thời gian, đến nay Tháp chỉ còn 11 tầng và một tầng bệ vì phần chóp đã bị vỡ. Tháp được cấu tạo với bình đồ hình vuông nhỏ dần về phía ngọn, chiều cao đo được là 16,5m, với cạnh của tầng dưới cùng là 4,45m, cạnh của tầng thứ 11 là 1,55m,  mỗi tầng có mái nhô ra. Tháp được xây dựng bằng 13.200 viên gạch nung, màu đỏ sậm, rắn chắc như sành gồm hai loại trong đó có một loại hình vuông kích cỡ 0,22m x 0,22m; một loại hình chữ nhật kích thước 0,45m x 0,22m,đến nay vẫn còn tươi màu gạch non, trải qua hàng trăm năm trên bề mặt Tháp vẫn không hề bị rêu phủ. Trong lòng Tháp là một khoảng rỗng nhỏ chạy suốt từ chân Tháp lên đến ngọn. Thân của Tháp được cấu trúc bằng hai lớp gạch: Gạch khẩu chịu lực có nhiều kích cỡ được sử dụng để xây bệ, xây bên trong Tháp và giật cấp làm mái phân tầng. Phần lớn các viên gạch khẩu được cấu trúc có mộng chốt, tạo dáng khớp nhau theo từng lớp, từng tầng bảo đảm liên kết chặt và khả năng chịu lực lớn. Mặt ngoài ở các tầng Tháp được ốp gạch mịn mặt, màu vàng sậm, hoa văn trang trí và đường nét rất tinh xảo, hài hoà tạo thành khối kiến trúc hoàn hảo ở mọi góc độ. Đặc biệt từ bệ Tháp đến hết tầng 2 có chiều cao gần 6m, đây là chiều cao mắt thường có thể cảm nhận dễ dàng. Ở hai tầng này được trang trí kỹ lưỡng, phức tạp mà nổi bật nhất là những hàng hoa cúc, cánh sen, lá đề, hoa mặt nhẵn, rồng chạm nổi, cùng mô tuýp “sư tử hí cầu”, những tầng trên trang trí thưa dần và hình dáng cũng đơn giản hơn như: hoa chanh, lá sòi (hoa dấu phẩy). Các viên gạch trang trí đều có mấu và có gờ, sau khi xếp vào vị trí cố định thì liên kết thành một khối vững chắc. Có thể nói, bằng bàn tay khối óc và sự sáng tạo, những người thợ Việt Nam đã xây dựng nên một công trình nghệ thuật với hình khối thanh thoát, đường nét mềm mại, trang trí tinh xảo hài hòa, xứng đáng là di tích lịch sử và nghệ thuật bậc nhất trên lãnh thổ Việt Nam. Trải qua nhiều thế kỷ, tòa Tháp đã bị nghiêng lệch, sụt lở một số chỗ và đã được trùng tu năm 1972, tuy nhiên kiến trúc vẫn được bảo tồn như nó vốn có.

Nằm sau tòa Tháp cổ là chùa Vĩnh Khánh (chùa Then). Chùa Vĩnh Khánh được xây dựng từ thời vua Tự Đức (1883), là ngôi chùa nhỏ trong không gian khoáng đạt. Theo tư liệu để lại, trước đây chùa Vĩnh Khánh được xây dựng theo hướng Tây Nam, bố cục chính của chùa theo lối kiến trúc truyền thống. Toà Tam Bảo của chùa mới được xây dựng bằng bê tông cốt thép khá đồ sộ, cao tương đương với tòa Tháp cổ, hình thức kiến trúc hai tầng mái mang đặc trưng của phong cách kiến trúc Thiền viện miền Nam.

Gần tòa Tháp có một Giếng cổ, theo truyền thuyết xưa để lại thì trên nền đất Giếng cổ là một ngôi Tháp, được gọi là Tháp Xanh. Một hôm, ngôi Tháp biến mất, còn lại miệng giếng như hiện nay. Giếng có đường kính 6,5m, có độ sâu khoảng 2- 3m, trải qua biến cố thời gian, hiện nay giếng tròn này một phần đã bị biến dạng, do không có hệ thống kè nên phần đất đã sạt lở và dần lấp một phần giếng.

Là một di tích kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của Vĩnh Phúc cũng như cả nước, Tháp Bình Sơn và chùa Vĩnh Khánh thường xuyên được các cấp chính quyền và nhân dân quan tâm tu bổ, tôn tạo. Khu di tích Tháp Bình Sơn đã được đưa vào quy hoạch hệ thống các di tích trọng điểm của tỉnh gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt là du lịch tâm linh. Tháng 12 năm 2015 di tích Kiến trúc nghệ thuật Tháp Bình Sơn đã được Nhà nước công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Với công trình kiến trúc nghệ thuật này, Tháp Bình Sơn- Chùa Vĩnh Khánh sẽ không chỉ là một di tích tiêu biểu mà trở thành một thắng cảnh, một điểm du lịch tâm linh, văn hóa- lịch sử tuyệt đẹp bên bờ dòng Lô.

Để kết lại bài viết này, chúng tôi xin được mượn hai câu thơ ca ngợi vẻ đẹp nên thơ của toà Tháp này:

Hễ ai qua bến đò Then

Dừng chân mà ngắm Tháp tiên bên đường.

 

                                                                Sưu tầm

Tệp đính kèm