Vĩnh Long hiện có khoảng 75 làng có nghề và làng nghề truyền thống đang hoạt động. Khoảng 25 làng nghề có quy mô lớn đã được công nhận.
Những năm gần đây chính quyền địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ làng nghề tiếp tục phát triển cũng như vực dậy những làng nghề đang dần bị mai một lãng quên.
Người dân Vĩnh Long nặng tình với đất
Vĩnh Long nằm ở trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long, có trữ lượng đất sét phèn dồi dào. Nhờ đất có chất lượng tốt, màu mỡ vào bậc nhất nên Vĩnh Long có điều kiện để hình thành và phát triển nghề gạch - gốm. Đặc biệt, Vĩnh Long còn được biết đến là nơi sản xuất gốm đỏ nổi tiếng trong cả nước vì thế người ta còn gọi Vĩnh Long bằng một tên khác là “Vương Quốc Đỏ”.
Những sơ phẩm đang chờ được đôi tay của nghệ nhân chỉnh sửa.
Làng nghề truyền thống ở Vĩnh Long không phân bố rãi rác mà tập trung ở từng huyện. Chính điều này đã tạo nên điểm nhấn riêng cho từng khu vực, khi nhắc đến huyện Vũng Liêm thì có làng nghề trồng và se lõi lát; huyện Tam Bình thì đan thảm lục bình; Măng Thít thì sản xuất gốm – gạch... Nghề sản xuất gốm ở Vĩnh Long không lẫn với những nghề truyền thống khác. Mỗi gia đình cũng có thể là một xưởng sản xuất riêng biệt. Ban đầu người Vĩnh Long sống và tạo ra làng nghề làm gạch ngói, gạch thẻ...Trong nhiều năm sau đó, làng gạch đã có sự chuyển đổi người dân áp dụng những máy móc và bắt đầu cơ giới hóa. Đến 1980 một công ty của người Đức đã cho sản xuất gốm lúc này các chủ lò ở địa phương mới bắt đầu đến Bình Dương học làm nghề gốm.
Để tạo ra sản phẩm gốm chất lượng thì đất giữ vài thiết yếu, nhiệt độ giữ vai trò thứ yếu. Nguyên liệu đất được nhào trộn nhiều lần qua máy và được thêm chất phụ gia sẽ cho ra đời những “cây đất” tùy theo kích thước sản phẩm mà sử dụng nhiều hay ít số lượng “cây đất”.
Khi sản phẩm chưa qua nhiệt độ đã định hình nghệ nhân sẽ cho lên bàn xoay để chỉnh sửa lại những chi tiết nhỏ nhất. Sau đó sẽ được đưa vào lò nung, nghệ nhân đóng cửa lò và đốt trấu với nhiệt độ nhỏ để sản phẩm ở bên trong khô dần rồi mới tăng nhiệt độ lò nung đến 950 hoặc 1000C.
Khoảng 3 đến 4 ngày thì nghệ nhân sẽ mở cửa lò và thu sản phẩm... Hiện tại nhiều cơ sở làm gốm vẫn dùng nhiên liệu nung là trấu một đặc trưng chỉ có ở vùng lúa nước. Dùng trấu để nung nên việc sản xuất gốm tiết kiệm hơn rất nhiều. Tỷ lệ hao hụt khi nung từ chỗ trên 50%, giảm chỉ còn 10–20%. Từ đây mở ra một cơ hội mới cho ngành gốm đỏ Vĩnh Long phát triển mạnh về chất và về lượng.
Nghề làm gốm góp phần giải quyết vấn đề an sinh xã hội
Nghề sản xuất gốm đã giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động mang lại thu nhập ổn định và là nơi đào tạo nên những người thợ lành nghề. Không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, sản phẩm của làng nghề đã được xuất khẩu và hiện đang có mặt tại các nước châu Âu, châu Mỹ, châu Úc...
Bà con làng nghề truyền thống vẫn tâm huyết với nghề
Gốm đất đỏ Vĩnh Long mang tính đặc thù một phần ở những kiểu dán kết hợp với sự tài hoa của nghệ nhân. Mỗi một sản phẩm làm ra được nghệ nhân gọi tên rất đặc biệt như: “cà na”, “chỉ”, “tròn lá”, “bình túi”, “cup”, “ly chỉ bụng...”
Những năm gần đây nghề gốm đỏ ở Vĩnh Long đang vấp phải những khó khăn nhất định. Khi được hỏi về những vấn đề khó khăn còn tồn đọng, cô Tám chia sẻ: “Nghề này phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu đầu ra và nguồn lao động những người trẻ không thích nghề họ lên các thành phố lớn để làm nên nguồn nhân lực không đủ để đáp ứng. Ngoài ra thị trường cũng chịu sự cạnh tranh dữ dội...”.
Mặc dù vậy nhưng bà con nơi đây đã sống và lao động miệt mài luôn có ý thức giữ gìn làng nghề bảo tồn tinh hoa dân tộc. Thêm vào đó là sự quan tâm đúng mức của cơ quan ban ngành. Cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại để quảng bá thương hiệu và tìm đầu ra ổn định, một đầu ra ổn định sẽ đảm bảo cuộc sống của bà con làm nghề. Qua đó góp phần cùng địa phương thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo hiệu quả và giữ gìn được những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc.
Sưu tầm