(Chinhphu.vn) – Phát triển nông nghiệp theo phương pháp canh tác hữu cơ không chỉ góp phần tạo ra những sản phẩm hữu cơ có lợi cho sức khỏe con người mà về lâu dài còn góp phần cải tạo thỗ nhưỡng, bảo vệ môi trường sinh thái.
Cánh đồng mẫu của mô hình lúa hữu cơ tại ấp 9, xã Mỹ Lộc, Vĩnh Long.
Mô hình lúa hữu cơ tại xã Mỹ lộc, Huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long là một trong những mô hình tiêu biểu đã phát triển được hơn 3 mùa vụ và là sự liên kết chặt chẽ giữa tỉnh Vĩnh Long và Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op).
Mô hình được thực hiện đầu tiên ở vụ Hè Thu năm 2016. Với diện tích 44,3 ha, 74 hộ tham gia đã cung cấp cho hệ thống phân phối của Saigon Co.op hơn 100 tấn gạo hữu cơ các loại.
Lợi ích lâu dài
Theo ông Lê Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, mặc dù năng suất trồng lúa hữu cơ chưa cao (4,5 tấn/ha, trong khi lúa thường là 7 tấn/ha) nhưng giá lúa hữu cơ được Saigon Co.op bao tiêu toàn bộ đầu ra với giá thu mua cao hơn giá lúa thường từ 20-30% tùy theo từng loại, nên bà con nông dân rất yên tâm sản xuất.
Bên cạnh đó, trước đây, khi canh tác, bà con thường dùng và lạm dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật nên không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người nông dân. Nay, khi canh tác lúa hữu cơ, không còn tình trạng vỏ chai thuốc tràn lan bừa bãi tại các bờ ruộng mà thay vào đó là bà con đã ý thức chấp hành quy trình chăm sóc bằng phân hữu cơ để giúp tăng trưởng cho cây lúa và cải tạo đất.
Ông Nguyễn Hữu Phước (Ấp 9, xã Mỹ Lộc) cho biết, hiện nay ông đang canh tác 0,7 ha lúa hữu cơ ở vụ thứ 3. Bên cạnh việc không lo về việc rớt giá hay được giá mỗi khi thu hoạch mà tại các thửa ruộng nhà ông Phước, thổ nhưỡng đã được cải thiện rất nhiều do thực hiện quy trình bón phân hữu cơ cải tạo đất.
Ông Nguyễn Văn Sinh, ấp 11 cho rằng, sử dụng phân hữu cơ không chỉ tăng năng suất cho cây trồng mà về lâu dài sẽ góp phần cải tạo đất, thổ nhưỡng. Hiện tại mặc dù chi phí cho phân hữu cơ đang còn khá cao so với chi phí đầu vào của lúa hữu cơ (do phân hữu cơ đang nhập từ Mỹ theo quy chuẩn của Thế giới nên giá thành đang còn cao), tuy nhiên, theo nguyên lý của sử dụng phân hữu cơ từ vụ mùa thứ 4 trở đi, lượng phân hữu cơ, cũng như chủng loại phân sẽ sử dụng ít đi từ đó sẽ giảm chi phí cho bà con nhưng vẫn đảm bảo tiêu chí cải tạo môi trường, đảm bảo chất lượng của sản phẩm hữu cơ. Khi đó thu nhập của người nông dân nhất định sẽ tăng cao hơn nhiều so với sản xuất lúa thường.
Khẳng định về lợi ích của phương thức canh tác lúa hữu cơ nói riêng và canh tác nông nghiệp nói chung, PGS.TS Phạm Văn Kim, Đại học Cần Thơ cho rằng, Từ chỗ trước đây không có loại thủy sản nào sống được, nhưng sau 2-3 vụ, tại ruộng đồng đã có thủy sản sống, sinh trưởng chính là những giá trị lâu dài và bền vững cho môi trường sinh thái nói chung và cho phát triển nền nông nghiệp bền vững nói riêng.
Để người nông dân tham gia tích cực vào mô hình này, chúng ta cần phải khắc phục tình trạng trước mắt về năng suất cho sản xuất lúa hữu cơ bằng việc áp dụng rất nhiều giải pháp như mô hình “2 vụ lúa-1 vụ cá” ; “2 vụ lúa-1 vụ màu”; “2 vụ lúa chính”; xả lũ lấy phù sa sẽ đem lại thêm thu nhập cho bà con, đồng thời trong quá trình sinh trưởng của cá hay các loại hoa màu khác sẽ giúp tăng sự màu mỡ của đất, khi đó sẽ góp phần tăng dinh dưỡng cho cây lúa ở mùa vụ sau.
Cần sự phối hợp chặt chẽ của 4 bên
Để phát triển các sản phẩm nông nghiệp sạch đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu, phù hợp với xu hướng tiêu dùng của thế giới là ngày càng sử dụng nhiều các sản phẩm hữu cơ thì đầu tư, đẩy mạnh cho sản xuất các sản phẩm hữu cơ là việc làm cấp thiết để phát triển nền nông nghiệp bền vững. Trong khi đó, lúa là một trong những loại cây nông nghiệp then chốt của nền nông nghiệp Việt Nam nên việc đầu tư đúng tầm, từ đó nhân rộng mô hình này là rất quan trọng.
Tuy nhiên, làm thế nào để giải quyết bài toán giảm chi phí và tăng thu nhập ngày càng cao cho người nông dân khi canh tác lúa hữu cơ, ông Trần Văn Rón, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Long cho biết, tỉnh Vĩnh Long sẽ tập trung các nguồn lực của tỉnh cũng như liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp để đẩy mạnh hơn nữa mô hình canh tác lúa hữu cơ ra phạm vi diện rộng trên toàn tỉnh.
Trước mắt, tỉnh Vĩnh Long sẽ chỉ đạo cho UBND xã Mỹ lộc (mô hình thí điểm) cùng với HTX Nông nghiệp Tân Tiến vận động xã viên tham gia mô hình này nhiều hơn nữa để phát triển diện tích lúa hữu cơ trong mùa vụ tới, đồng thời tuyên truyền cho bà con thực hiện đúng quy trình sản xuất.
Đặc biệt, để phát triển mô hình này, theo ông Trần Văn Rón, cần có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ của 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông). Cụ thể trong trường hợp ở Mỹ Lộc, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của tỉnh như ưu tiên về vốn, kỹ thuật, đầu tư hệ thống kênh mương tưới tiêu của tỉnh thì các doanh nghiệp như Saigon Co.op không chỉ bao tiêu sản phẩm chính là lúa hữu cơ mà sẽ bao tiêu các sản phẩm hoa màu, cá, thủy sản của mùa thứ 3 (vụ xen canh giữa 2 vụ lúa) cho hệ thống siêu thị của Co.op Mart sẽ tạo thêm một kênh thu nhập cho bà con nông dân.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phân bón như Cổ phần Nông nghiệp GAP có các chính sách ưu tiên, khuyến mãi nhằm giảm bớt chi phí về phân bón hoặc cử đội ngũ kỹ thuật hướng dẫn bà con cách bón phân, chủng loại, số lượng cho phù hợp với từng giống lúa, từng thửa ruộng để tiết kiệm lượng phân bón nhưng đem lại hiệu quả cao trong quá trình canh tác từ đó tăng thu nhập cho người nông dân.
Đánh giá về vai trò của thị trường, ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, nhu cầu về sản phẩm hữu cơ đang ngày càng cao, là nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam nên Saigon Co.op nhận thấy cần xây dựng mô hình gắn kết chuỗi giá trị nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời cùng với xã hội tham gia vào quá trình thay đổi nhận thức của người nông dân là sản xuất theo định hướng của thị trường theo đó, những sản phẩm phải đáp ứng theo nhu cầu của thị trường.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Trung Kiên cho rằng, phía Nhà nước cần tham gia sâu hơn nữa về các chính sách pháp lý để xây dựng mô hình phân phối, tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ như chợ đầu mối và định hướng cho nông dân những sản phẩm đặc trưng của địa phương; Hỗ trợ về đầu tư hệ thống nông nghiệp như cải tạo đất, thủy lợi; hỗ trợ xây dựng HTX nông nghiệp về mọi mặt như trình độ của cán bộ, năng lực điều hành, vốn hoạt dộng,
Phía các nhà khoa học cần đẩy mạnh nghiên cứu các cải tiến kỹ thuật để nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí đầu vào; hỗ trợ nâng cao trình độ sản xuất cho người nông dân bằng các hội thảo, hướng dẫn; các doanh nghiệp cần cam kết đầu tư, hỗ trợ dự án một cách lâu dài; theo đó, có nhiều chính sách linh hoạt, hỗ trợ người nông dân về việc bao tiêu đầu ra, đầu vào.
Bên cạnh đó, người nông dân, người trực tiếp sản xuất phải không ngừng nâng cao trình độ canh tác, kỹ thuật, mạnh dạn ứng dụng các cải tiến, áp dụng kỹ thuật; tuân thủ các quy trình sản xuất sản phẩm hữu cơ...
Thanh Thủy/Chinhphu.vn