Cập nhật: 20/02/2017 10:25:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hàng trăm năm nay, người dân xã Hải Lựu ngoài nghề làm nông thuần túy còn có một nghề gắn liền với lịch sử địa phương và giúp cho họ một cuộc sống ấm no, đó là nghề đá truyền thống. Nghề đá nơi đây đã được bao thế hệ gìn giữ và phát triển ngày càng lớn mạnh. Nghề này hiện tập trung chủ yếu ở các thôn: Dừa Cả, Dừa Lẽ, Đồng Chăm, Làng Len, Gò Dài với hàng trăm lao động.

Hiện không còn ai trong xã nhớ nghề đá này có từ khi nào, chỉ biết sinh ra đã biết có nghề đá. Lúc đầu, do mưu cầu cuộc sống, người dân chỉ lấy đá đục đẽo thành những vật dụng quen thuộc như cối giã, cối xay, hòn đá mài dao, máng lợn… để phục vụ cho cuộc sống hàng ngày. Dần dần, từ nhu cầu cuộc sống, họ đã mang những sản phẩm của mình theo dọc dòng sông Lô và đi các nơi để bày bán. Và cứ thế, nhu cầu sử dụng đá ngày càng cao, sản phẩm ở làng đá Hải Lựu không chỉ có đá xây dựng, ốp lát, xây tường, móng kè và những vật dụng đơn giản mà còn có đá mỹ nghệ với những sản phẩm tinh xảo như: voi đá, ngựa đá, tòa sen, tượng phật, chân cột đình, bia văn tự, đỉnh lư hương, tháp nhang sân chùa, nhịp cầu đá… Từ chỗ chỉ cung cấp cho nhu cầu của dân địa phương, đến nay sản phẩm đá mỹ nghệ Hải Lựu còn được xuất khẩu sang một số quốc gia và vùng lãnh thổ. Đá ở Hải Lựu có một đặc điểm rất đặc biệt, đó là đá mềm, có thể chẻ ra thành mảng như người ta xẻ gỗ. Đá có màu xanh và rất bền, có thể phơi mưa, phơi nắng mà không lo bị mòn.

Năm 2006, nghề chạm khảm đá ở Hải Lựu được công nhận là nghề truyền thống đã mở ra một thời kỳ phát triển mới cho sản phẩm đá Hải Lựu. Các doanh nghiệp, các xưởng sản xuất sản phẩm từ đá có nhiều cơ hội phát triển và mở rộng thị trường hơn. Các sản phẩm đá được mang đi triển lãm ở nhiều hội chợ trong và ngoài nước và được đánh giá rất cao không chỉ ở chất của đá, mà còn cả những nét tinh xảo trên từng sản phẩm. Những sản phẩm được làm từ đá ở Hải Lựu từ đó cũng có giá trị ngày càng cao và không ngừng tăng lên. Hiện trên địa bàn xã Hải Lựu có 6 doanh nghiệp sản xuất đá xây dựng và đá mỹ nghệ với 70 lao động thường xuyên thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng; có 300 hộ với  450 người tham gia làm nghề khai thác và chạm khắc mỹ nghệ. Hằng năm, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong toàn xã sản xuất được khoảng 5 triệu viên đá xây dựng, đá xuất khẩu, đá mỹ nghệ; chế tác được khoảng 200 pho tượng. Thu nhập bình quân người lao động đạt 3 - 4 triệu/người/tháng, riêng lao động chế tác đá mỹ nghệ ở mức 6 - 7 triệu đồng/tháng, còn lao động có tay nghề cao được tôn làm nghệ nhân có “bàn tay vàng” thì thu nhập bình quân khoảng trên 10 triệu đồng/tháng.

Nếu như trước đây, nghề đá truyền thống ở Hải Lựu còn sử dụng thiết bị, máy móc thô sơ, chủ yếu là làm thủ công thì ngày nay, nhiều hộ gia đình đã đầu tư máy móc hiện đại, sản phẩm được làm ra rất tinh xảo, có tính mỹ thuật cao. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư hàng chục tỷ đồng để nhập khẩu máy móc hiện đại như công ty TNHH Pland Stone do chị Nguyễn Thị Cẩm Vân làm giám đốc. Sản phẩm chủ yếu được sản xuất tại xưởng là đá xây dựng và đá thủ công mỹ nghệ. Một ngày, trung bình xưởng đá xẻ và chế tác khoảng 5 mét khối đá phôi. Trước mắt, các sản phẩm này sẽ phục vụ nhu cầu trong nước, theo kế hoạch lâu dài, công ty sẽ đưa các sản phẩm này ra nhập thị trường thế giới.

Bắt kịp với xu thế của thị trường, sản phẩm từ đá ở Hải Lựu ngày càng được ưa chuộng và có chỗ đứng ổn định trên thị trường. Giờ đây các xưởng đá  mỹ nghệ ngày càng phát triển đem lại thu nhập cho các hộ gia đình. Tuy nhiên, làng nghề đang thời thịnh vượng này cũng không phải không có những trăn trở, mà trăn trở lớn nhất là vấn đề sức khỏe cho người lao động, rồi không gian kinh doanh, khi mà cơ sở kinh doanh không được ở vị thế trung tâm, thì vấn đề quảng bá và giao thương lại càng khó khăn hơn. Riêng cấp ủy, chính quyền xã xác định sẵn sàng ưu tiên, tạo điều kiện cho nghề đá, động viên các hộ gia đình làm nghề đá truyền thống quyết giữ và phát triển nghề, ngày càng khẳng định thương hiệu làng nghề đá Hải Lựu.

 

Sưu tầm

Tệp đính kèm