Cập nhật: 20/02/2017 10:29:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

"Dù ai đi đâu về đâu/Nhớ ngày hội phết rủ nhau cùng về". Đã từ lâu, lễ hội “Đả cầu cướp phết" trở thành lễ hội độc đáo, mang bản sắc văn hóa truyền thống của người dân xã Bàn Giản (Lập Thạch). Lễ hội diễn ra từ ngày mùng 6 đến ngày 7 tháng Giêng âm lịch hàng năm, nhằm “tri ân”,“cảm tạ” các vị thần thánh, những người đã có công dẹp giặc, giữ nước; cầu cho Quốc thái dân an, già thêm khỏe, trẻ được bình an, làm ăn thịnh vượng.

Xã Bàn Giản (Lập Thạch) xưa là một làng Việt cổ, một vùng quê đắc địa, sơn thủy hữu tình, có núi sông bao bọc xung quanh; là nơi 4 vị Đại Vương - con của Vua Lạc Long Quân và Mẫu Âu Cơ đời Vua Hùng thứ 18 được phân về chấn ải phía Đông Bắc kinh thành Văn Lang. Tại đây, 4 vị Đại Vương (Đệ nhất Xá Sơn, Đệ nhị Lê Sơn, Đệ tam Tròn Sơn và Đệ tứ Xui Sơn) đã có công đánh thắng giặc bảo vệ kinh đô Văn Lang và dạy nhân dân cày ruộng, cấy lúa nước, hun trồng cây đức. Nhằm mua vui cho quân lính, các vị Đại Vương đã nghĩ ra một trò chơi, đẽo một quả cầu gỗ tròn, nhẵn như một quả bưởi lớn, phết dầu mỡ bôi trơn rồi lăn ra giữa bãi đất trống cho quân lính cướp nhau, ai cướp được quả phết đặt vào nơi quy định sẽ được trọng thưởng. Để tưởng nhớ công lao to lớn đó, người dân Bàn Giản đã lập 5 ngôi đình thờ các vị Đại Vương, riêng đình Cả, làng Đông Lai là nơi trụ sở công đồng hội đồng của 4 vị, còn 4 ngôi đình khác ở 4 khu dân cư, mỗi đình thờ một vị Đại Vương và mỗi đình đều khắc ghi một quả cầu.

Cụ Nguyễn Văn Cận, thôn Đông Lai, năm nay đã 98 tuổi kể lại: "Tôi không nhớ lễ hội “Đả cầu cướp phết” có từ bao giờ, nhưng chỉ biết, cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, từ ngày mùng 6 đến ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch hàng năm, người dân xã Bàn Giản lại nô nức tổ chức lễ hội cướp phết, thu hút hàng nghìn lượt khách thập phương tham dự. Lễ hội “Đả cầu cướp phết” nhằm khơi dậy nét đẹp văn hóa tinh thần trong nhân dân; thông qua hội phết để rèn đức, luyện tài, biểu dương lực lượng, tăng cường sức khỏe, ý trí dũng cảm, sẵn sàng chiến đấu dẹp giặc khi Tổ quốc cần".

Hàng năm, trước ngày lễ hội, các trưởng thôn, các cụ cao tuổi trong làng và các ban, ngành, đoàn thể của xã họp triển khai công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Riêng tiệc công đồng được tổ chức tại đình Cả, thôn Đông Lai và có sự tham gia của cả 4 làng (2 đến 3 năm tổ chức một lần). Để chuẩn bị các lễ vật cúng tế, các thôn trong xã đã giao 2 sào ruộng cho một gia đình có “Thê vinh tứ hạnh” để cấy loại lúa Ác vàng chuẩn bị gạo thật ngon để làng thổi xôi, giã bánh dầy dâng tế Thánh; riêng gà tế, mỗi giáp thôn cử một người sang tận thị xã Sơn Tây mua giống gà to, đẹp chăm sóc cho đến ngày lễ hội để thịt dâng lễ. Ngày mùng 6 tháng Giêng, người dân địa phương thi giã bánh dày ở tại đình làng và tiến hành các nghi lễ. Sau các nghi lễ, trò chơi cướp phết được diễn ra khoảng từ 16 giờ chiều đến 20 giờ tối ngày mùng 7 tháng Giêng. Người thắng cuộc sẽ ôm quả phết về đình để giao cho các cụ hương lão và nhận thưởng. Ai cũng tin rằng, người cướp được phết sẽ gặp nhiều may mắn, hạnh phúc, thành đạt và cầu con được như ý muốn. Khi phết được đưa về đình, các cụ hương lão dâng hương và dùng nước sôi để nguội tắm rửa quả phết sạch sẽ, sau đó rửa lại bằng nước thơm hoặc rượu trước khi cất lên thượng cung.

Đồng chí Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Bàn Giản cho biết: Trải qua những thăng trầm của lịch sử nhưng đến nay, lễ hội cướp phết vẫn được người dân xã Bàn Giản gìn giữ, phát huy. Tuy nhiên, so với mọi năm, lễ hội cướp phết Xuân Đinh Dậu 2017 sẽ tổ chức quy mô nhỏ hơn và ở 3 nơi: Đình Cả, thôn Đông Lai; đình Dâng, thôn Xuân Me và đình Trụ Thạch, thôn Trụ Thạch. Nhờ làm tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, nhiều năm nay, lễ hội cướp phết xã Bàn Giản không xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự.

Sưu tầm

Tệp đính kèm