Cập nhật: 24/02/2017 10:45:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Kể từ ngày cụ Dương Ngọc Chúc vào xứ Quảng làm nghề đúc đồng rồi truyền nghề lại cho con cháu, làng đúc đồng Phước Kiều đến nay đã hình thành trên 400 năm.

Chiếc đại hồng chung 300 năm tuổi tại nhà thờ tổ nghề đúc đồng Phước Kiều  /// Ảnh: T.Đ.T

Làng nghề nổi tiếng này tọa lạc trên khu vực dinh trấn Thanh Chiêm xưa, (nay là xã Điện Phương, H.Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), từng tham gia đúc các loại súng thần công từ thời các chúa Nguyễn vào mở cõi phương nam.

Năm Minh Mạng thứ 6, nghệ nhân làng Phước Kiều từng tham gia đúc tiền, ấn tín, đỉnh, vạc... cho triều đình Huế.

Từ khi tỉnh Quảng Nam có chính sách khuyến công, khôi phục các làng nghề vào những năm 1990 trở đi, các nghệ nhân đời thứ 21 của làng nghề như cụ Dương Ngọc Sang, Dương Nhi của làng Phước Kiều cũng đã chủ trì đúc đại hồng chung nặng 400 kg cho các chùa tại Đà Nẵng, Tam Kỳ (Quảng Nam); nghệ nhân trẻ Dương Tiễn vào Vũng Tàu đúc đại hồng chung nặng 600 kg.

Năm 2006, công trình đúc đại hồng chung nặng 1,8 tấn của nhóm Dương Ngọc Truyền - Dương Ngọc Dũng lại một lần nữa làm rạng danh làng đúc. Ngoài ra, những người thợ tài hoa của làng nghề Phước Kiều còn đúc hơn 4.000 bộ cồng chiêng cho các buôn làng đồng bào các dân tộc vùng cao trong cả nước.

Những người thợ Phước Kiều không chỉ giỏi nghề mà còn có khả năng thẩm âm tốt, làm cho tiếng ngân những sản phẩm của họ ngày càng vang xa. Danh tiếng ấy đã góp phần đưa làng nghề trở thành điểm dừng chân của du khách trên hành trình thăm các di sản văn hóa thế giới Hội An và Mỹ Sơn tại Quảng Nam.

Năm 2017, nhân dịp TP.Đà Nẵng được chọn làm nơi tổ chức Hội nghị cấp cao APEC, trên địa bàn Quảng Nam cũng sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa - nghệ thuật của cả miền Trung - Tây nguyên và quốc tế. Dịp này, nhiều đoàn du khách sẽ không bỏ qua dinh trấn Thanh Chiêm với làng nghề truyền thống Phước Kiều nổi tiếng.

ST

Tệp đính kèm