Cập nhật: 22/02/2017 14:50:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nhiều biển báo cấm tắm đã được dựng lên dọc đoạn bờ biển bị xâm thực tại Đà Nẵng. |

Xuất hiện từ cuối tháng 11-2016 đến nay, tình trạng sóng biển xâm thực mạnh vào bờ biển Đà Nẵng đang khiến cho nhiều hộ kinh doanh dọc các bãi biển đứng ngồi không yên.

Theo người dân ở đây, trước đây, sau một thời gian sau sóng sẽ trả lại các bãi bồi dọc biển nhưng hiện nay, càng ngày sóng lại lấn sâu vào đất liền khiến nhiều đoạn bờ biển Đà Nẵng bị “ngoặm sâu”. Hiện, Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đã kiểm tra thực trạng biển xâm thực và đang lên phương án hỗ trợ các hộ kinh doanh trong khu vực bị thiệt hại nặng.

Ngay sau khi nhận được phản ánh của người dân về tình trạng bãi biển Đà Nẵng bị xâm thực nghiêm trọng, phóng viên Báo Nhân Dân điện tử đã thực tế khảo sát và ghi nhận lại tình hình. Hiện, Đà Nẵng đang vào mùa du lịch biển, nhưng lượng khách đến các bãi biển đang ít dần và nhiều đoạn bãi biển đẹp kéo dài từ khu vực biển T20 - Mỹ Khê đến Ngũ Hành Sơn đã bị sóng lấy mất. Bờ biển nham nhở đất cát và có nhiều đoạn sóng đánh sập luôn cả quầy ki-ốt của người dân đang kinh doanh tại đây.

Biển xâm thực vào sâu trong kè chắn sóng, cuốn trôi ki-ốt của người dân.

Mấy ngày qua, biển đã dịu hơn và sóng đánh nhẹ hơn, nhưng theo bà Huỳnh Thị Muội, 65 tuổi, chủ hộ kinh doanh ki-ốt số 13, bãi biển Mỹ Khê cho biết, chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng sóng đánh cao cả mét và lấy sạch bãi biển như hôm nay. Theo bà Muội, vào khoảng giữa tháng 10 âm lịch năm 2016, bãi biển bắt đầu xuất hiện sóng lớn. Đây là tình trạng tự nhiên, năm nào cũng xảy ra và một thời gian sau, sóng lại bồi bãi biển như ban đầu. Nhưng đặc biệt năm nay, sóng càng đánh lớn và ngoặm sâu vào bờ biển. Trong đó, nặng nhất là đoạn bờ biển thuộc hộ kinh doanh ki-ốt số 12 bị sóng đánh sập cả ki-ốt xây bằng xi măng cùng bàn ghế, dù, nệm trị giá 50 triệu đồng. “Trước tình trạng này, chị em tôi đã kéo dù, bàn ghế vào sát đường nhưng chưa biết những ngày tới sẽ thế nào”, bà Muội nói.

Theo người dân, dọc bãi biển Đà Nẵng từ bãi biển Mỹ Khê đến sát địa phận bãi biển Ngũ Hành Sơn, tình trạng biển xâm thực nghiêm trọng. Theo ước tính của người dân thì sóng đánh mạnh, nước biển xâm thực đoạn bãi biển dài khoảng hàng chục mét tính theo đường dọc và khoảng 50m tính từ mép bãi biển cũ đến bãi cát nơi người dân đặt ghế, bàn kinh doanh nước giải khát. Nhiều hộ dịch dù, ghế vào hai lần sát đường mà nhiều đêm sóng vẫn đánh tới. Toàn bộ khu vực bãi biển này do sóng đánh đã tạo nên nhiều đoạn bãi biển lồi lõm, hàm ếch, ảnh hưởng trực tiếp đến việc người dân, du khách không thể tắm biển. Ngoài những hộ dân kinh doanh đơn lẻ dọc bãi biển, các khách sạn lớn như: Touran, Holyday Beach cũng bị ảnh hưởng khá lớn. Đặc biệt, ngay trước khách sạn Holyday Beach, toàn bộ khu vực bãi biển đã bị kéo sát gần đến khuôn viên, toàn bộ số phao tắm biển được khách sạn này trang bị miễn phí cho người dân, du khách đều phải thu gọn vào bên trong. Khu vực vui chơi, giải trí, tập thể dục được khách sạn này lắp đặt phục vụ người dân cũng nằm trong tình trạng tương tự.

Tại khu vực bãi biển trước khách sạn, sóng biển ăn gần sát vào khu vực công viên - bar của khách sạn, khiến hàng trăm mét phao tắm biển phải kéo sát vào bên trong. Để hạn chế tối đa tai nạn đuối nước xảy ra, BQL Bán đảo Sơn trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng ngoài việc tăng cường bố trí lực lượng cứu hộ, cứu nạn túc trực thì đã cắm hàng chục biển cấm tắm biển để lưu ý người dân, du khách. Một nhân viên cứu hộ đội cứu hộ số 12 cho biết, thời gian gần đây do biển xâm thực quá nhanh và khoét sâu nhiều đoạn bãi biển khiến cho công tác cứu hộ, cứu nạn luôn đặt trong tình huống khẩn. Anh em cứu hộ luôn phải di chuyển dọc bãi biển để nhắc nhở, lưu ý người dân, du khách. Bởi những đoạn sóng đánh vào sát bờ, tạo nên những hốc biển sâu và nếu sơ sẩy, tai nạn đuối nước không thể tránh khỏi.

Sóng đánh bồi lấp cả cống xả thải. 

ANH ĐÀO

Theo Báo Nhân dân điện tử

 

 

Tệp đính kèm