Thiên nhiên ưu đãi cho xã Hải Lựu (huyện Sông Lô) một địa thế sông núi đan xen tuyệt đẹp, cùng với đó là tài nguyên đá đa dạng, phong phú. Trong đó, phải kể đến dãy núi Thét với trữ lượng đá Pô xít (đá giáp xanh) hàng triệu khối dùng làm nguyên liệu chế tác các vật dụng trong gia đình như: Cối đá, máng lợn, chân cột nhà, xây bờ tường rào, lát sân chống rêu…Những năm gần đây, người dân xã Hải Lựu luôn coi trọng giá trị sản phẩm đá quê mình, nhiều người đã “Tầm sư học đạo” nghề chế tác đá. Vì vậy, từ vài loại sản phẩm đơn giản phục vụ chủ yếu nhà nông, đến nay, đã có hàng trăm loại sản phẩm đá mỹ nghệ có giá trị kinh tế cao như: Tượng phật, linh vật, bình trồng cây cảnh, bia đá, cuốn thư…trạm trổ tinh xảo, không chỉ thu hút khách hàng mua sử dụng là người trong nước, mà còn xuất khẩu sang một số nước như: Singapore, Đài Loan, Lào, Campuchia, Thái Lan, thậm chí cả một số nước châu Âu, mỗi năm thu về hàng chục tỷ đồng.
Ông Hán Văn Toại cùng con trai đang chế tác Sư tử từ đá xanh Hải Lựu
Theo con đường bê tông trải rộng từ trung tâm xã qua thôn Giếng Treo đến khu Khu Len 2 (mới được tách ra từ thôn Gò Dài), xưởng chế tác đá mỹ nghệ của ông Hán Văn Toại, 62 tuổi (người cao tuổi nhất xã còn gắn bó với nghề chế tác đá) nằm sát ngay bên đường ngổn ngang đá khối, hàng trăm sản phẩm đã và đang hoàn thiện được ông xếp dày đặc từ trong ra ngoài cổng. Sau mấy chục năm gắn bó với nghề đá, dành dụm được ít tiền cùng vay vốn Ngân hàng NN-PTNT huyện, ông Toại đầu tư gần 600 triệu đồng để mua sắm thiết bị máy móc hiện đại như: Máy cắt, máy đục, máy mài, cưa... Hiện nay, xưởng sản xuất nhà ông Toại thu hút 10 lao động, (thời kỳ cao điểm trước năm 2010 xưởng đá nhà ông Toại có từ 30 - 40 lao động thường xuyên) chủ yếu là con cháu trong gia đình. Chia sẻ với chúng tôi, ông Toại cho biết: Sau hơn 30 năm qua gắn bó với nghề chế tác đá nên ông yêu quý nghề, vì thế mà 6 người con đều nối nghiệp cha mình, trong đó, anh Hán Văn Hoàn, 38 tuổi là con trai cả ông Toại, người đã được Viện Bảo tàng Việt Nam đặt phục chế 2 đầu sư tử thời Lý theo mẫu lấy từ Chùa bà Tấm ở tỉnh Hưng Yên, 1,5 m3 từ mấy năm trước hiện đang lưu giữ tại Viện bảo tàng Việt Nam.
Với sự khéo léo và nghệ thuật chế tác đá đá Pô xít tinh xảo, anh Hoàn được Nhà nước cấp Bằng chứng nhận thợ giỏi từ năm 2006. Theo anh Hoàn, để trở thành thợ giỏi, đòi hỏi người thợ chế tác đá ngoài điều kiện phải có sức khỏe tốt thì phải có đức tính bền bỉ, chăm chỉ cộng với bàn tay khéo léo, đặc biệt là con mắt ước lệ khi chọn khối đá để xử lý mẫu theo hình dọc hay ngang, từ đó, đẽo mô phỏng thô, rồi mài giũa dần thành mẫu vật theo ý mình mong muốn. Cái khó nhất đối với người thợ đá là phục chế lại tượng cổ, đòi hỏi phải chính xác tuyệt đối từng họa tiết, hoa văn theo mẫu. Khi chế tác tượng xong nhìn vào phải sống động, cân xứng về tỷ lệ, kích thước. Với thu nhập khoảng 300 nghìn/ngày, anh Hoàn tâm sự: “Thu nhập của em hiện nay thấp so với trước đây, do hai năm nay hàng rất khó bán. Em làm chỉ để duy trì nghề, nếu để mai một nghề thì tiếc và nhớ nghề lắm”. Anh Hoàn tâm sự tiếp: "Chế tác đá là nghề nặng nhọc, rất dễ bị đau mắt, đặc biệt là bệnh đường hô hấp do hít phải bụi đá, thậm chí còn bị tai nạn nhỏ do khi chế tác thô, mảnh đá văng bắn vào người mà chưa có bảo hiểm nghề nghiệp cũng là sự thiệt thòi".
Được biết, thu nhập từ chế tác đá của người dân Hải Lựu chiếm khoảng 10% thu nhập toàn xã; chỉ tính riêng 10 tháng năm 2015, doanh thu từ chế tác đá toàn xã ước đạt khoảng gần 10 tỷ đồng. Nhờ có tài nguyên đá "trời cho" mà số hộ khá và giàu tăng nhanh, trong gần 7.000 nhân khẩu thì có 30% hộ khá giàu, chỉ còn 8,4% hộ nghèo. Toàn xã không còn cảnh “Nhà tranh vách đất”. Hiện nay, xã có 13 cơ sở chế tác đá mỹ nghệ, trong đó, có 4 công ty TNHH thu hút gần 300 lao động (từ 18 - 45 tuổi) làm việc thường xuyên, với mức thu nhập bình quân từ 150 - 200 nghìn đồng/người/ngày.
Tuy nhiên, do suy thoái kinh kế mấy năm gần đây, nghề chế tác đá giảm rõ rệt do không xuất khẩu được hàng; nhiều sản phẩm chế tác ra muốn bán mà không có người mua. Vì thế, tiềm năng thì có nhưng để biến thành giá trị thực tế thì còn gian nan vất vả. Mặc dù, từ năm 1998, tỉnh có chủ trương khối phục các làng nghề truyền thống, trong đó có nghề làm đá ở Hải Lựu, tuy nhiên, hình thức mới chỉ là đào tạo, còn việc tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ độc hại, bảo hiểm rủi ro thì chưa được thực hiện. Do vậy, nghề đá ở Hải Lựu vẫn là sự trăn trở đối với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nơi đây.
Sưu tầm