Cập nhật: 27/02/2017 14:35:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Cờ Tổ quốc tung bay trên đảo.

Khi một gia đình trẻ tìm đến đảo Trần (xã Thanh Lân, huyện Cô Tô, Quảng Ninh), họ phân vân bởi ở đây thiếu đủ bề. Nhưng nay họ đã có hàng xóm, đứa con trai đã có bạn. Họ tự hào là những người đầu tiên dám sống ở đây.

Hơn 10 năm trước

Câu “thuận vợ thuận chồng, bể Đông tát cạn” rất hợp với vợ chồng anh Hiển, chị Cảnh. Chồng quê Hải Phòng, vợ quê Quảng Yên, Quảng Ninh, để ra đảo Trần, họ phải vượt gần 200 cây số đường bộ, và tiếp tục trên thuyền lênh đênh. Nếu theo đường biển, họ phải qua vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, các đảo Quan Lạn, Cô Tô, Thanh Lân và một chặng dài nữa. Để trụ lại, họ phải đương đầu với mọi thiếu thốn, nhiều khi thèm ăn cốc chè, cái bánh gói lá, nắm xôi, củ khoai luộc hay mua viên thuốc lúc ốm đau… cũng khó. Chuyện đơn giản trong bờ nhưng ở đảo mơ cũng không được.

“Nhưng cũng có những thứ bù lại đấy!”, chị Cảnh nói, “Khi bình minh, mặt trời như quả cầu lửa đỏ rực từ biển. Chiều ráng nắng đi cào vạng, bắt cua không có bất cứ ai cạnh tranh với mình”. Có lẽ chị đã tìm cách an ủi mình trong những ngày ngoài khơi người vắng, sóng thì quá nhiều, những an ủi tự mình tìm ra trong những ngày vắng một người bạn để chuyện trò. Lúc thảnh thơi, chị ra bãi, ngồi nhìn mông lung về phía tây. Đơn giản là phía ấy có bờ, có quê hương. Ngày bình yên rồi nối ngày biển động, lúc ấy, “đảo như con tàu” mất lái. Ngoài khơi bốn bề sóng đánh, ngó chung quanh trống trơ, trống hoác. Bầu trời xám xịt, sóng biển gầm gào. Vạn vật đổi sắc trước cơn thịnh nộ của biển.

Khi bé Việt Anh ra đời, biết nói cũng là lúc cháu thể hiện những thắc mắc. Nhiều lúc bế con ra bờ biển chỉ tay về hướng đất liền, chị nói quê nội, quê ngoại trong đó. Hằng ngày, cha đánh bắt hải sản, mẹ chèo mủng bán buôn quanh vụng, Việt Anh cứ thơ thẩn làm bạn với con gà, con chó trên đảo. Không có đồ chơi, cậu ra bờ biển nhặt vỏ sò, vỏ ốc kết thành vòng cổ, vòng tay, rồi lân la vào chơi với các chú bộ đội đóng quân trên đảo. Lớn lên cùng với những thao tác của quân nhân, một phần chất lính dường như đã thấm dần vào cậu bé… Mấy năm nay, đảo có thêm người ra sinh sống, Việt Anh có thêm bạn cùng chơi đùa. Niềm vui bạn mới, trường mới phần nào xóa đi những nỗi niềm vu vơ khó gọi thành tên.

Gần lại đất liền

Đảo Trần như một dấu chấm nhỏ trên tấm hải đồ. Phóng xa tầm mắt có thể thấy lằn tàu ngang qua trước mặt, song lại chưa có tuyến tàu vận tải ra, vào. Đảo gần đấy nhưng muốn tới cũng phải qua mấy chặng đường dài cùng vài thử thách gian nan.

Anh chủ xuồng tên Dinh là “người vận chuyển” duy nhất. Sóng táp mạnh bên mạn sườn, chiếc cano tung lên hạ xuống nhiều lần khiến người đi hú vía. Với người ra đảo lần đầu, hẳn không khỏi ngỡ ngàng trước sự dữ dội của biển. Nhưng “phần thưởng” cũng khá bất ngờ! Bởi ở giữa lưng chừng chơi vơi ấy, đảo nhô như lưng con cá voi gù trên mặt nước, đẹp miên man… Hít một hơi thật sâu, thở một cái thật mạnh. Đảo hiện ra hiền hòa, êm đềm, tĩnh lặng, khác hẳn sự ồn ào của đất liền. Đứng trên đỉnh cột cờ phóng tầm mắt về phía xa, biển thẫm, trời vồng cao, xanh thẳm. Xa hơn nữa, trời thấp xuống, biển nhô lên rồi nhập với nhau thành một lằn ngang duy nhất. Trên cái lằn ngang mỏng manh ấy, thi thoảng hiện ra một vài chấm đen nhỏ xíu. Có lúc, chấm đen ấy phình to lên thành hình con tàu đang chếch mũi hướng về phía đảo, cũng có khi chỉ chạy qua mà chẳng bao giờ cập bến.

Mùa hè, những cơn gió nam thổi lại mang theo sức tàn phá lớn, tàu bè qua lại phải ghé vào vụng tây trên đảo để trú. Mùa đông, đây là nơi đầu tiên hứng chịu những đợt gió mùa đông bắc về, thuyền bè ngư dân không thể cập bến vì sóng to gió lớn, lại chạy từ vụng tây sang vụng nam để tránh. Hai mùa gió bão cứ vậy thay nhau đổi phiên, ngư dân cũng cứ thế mà chạy bão từ vụng này sang vụng kia. Trên đảo có Đồn Biên phòng Đảo Trần, ngoài chức năng nghiệp vụ chuyên môn còn thực hiện luôn công tác hành chính, tuyên truyền, hướng dẫn, giúp đỡ bà con ngư dân. Trạm thu phát viễn thông đặt trên đỉnh đồi bảo đảm kết nối thông tin với đất liền được thông suốt. Cano biên phòng vừa thực hiện tuần tra, giám sát trên biển, vừa chở nhu yếu phẩm từ đất liền ra, như con thoi nối đảo và bờ.

Trong tương lai, cuộc sống nơi xóm đảo sẽ có nhiều đổi khác.

Yên lành trong giấc ngủ

Ngày hôm nay, đảo không còn trống trải, hoang vu như những ngày đầu vợ chồng anh Hiển mới đến. Giờ nơi đây đã hiện hữu 17 ngôi nhà khang trang được hoàn thiện và có thêm 15 hộ dân ra đảo sinh sống. Làng mới dần hình thành, cuộc sống trên đảo đã đổi khác.

Các hộ dân đều là gia đình trẻ, thuộc các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh tự nguyện ra đảo lập nghiệp. Những lúc ngư nhàn, phơi lưới, họ ngồi kể nhau nghe chuyện ngày trước ở trong đất liền. Phần lớn khi sinh ra đã gắn với nghiệp chài lưới ven sông, với cái nghèo đeo bám đời này đời khác, mấy ai dám mơ một ngày có nhà cửa, công việc như hôm nay? Với họ, ra với biển, gắn bó với đảo Trần không chỉ là khát vọng làm giàu nơi miền đất mới mà còn là góp chút sức lực củng cố chủ quyền.

Tết này là cái Tết thứ ba trên xóm đảo. Ngày giáp Tết, bộ đội gói bánh chưng, nhân dân muối hành, gói giò mỡ biếu nhau. Nơi đảo xa, vật chất còn thiếu thốn nhưng đầy tình cảm con người. Đêm Giao thừa, mọi người quây quần, nâng chén, đảo rộn ràng tiếng cười đùa con trẻ, người lớn cùng ca hát đón thời khắc chuyển giao.

Cuối năm, gió mùa nổi lên trong đêm, biển lại ầm ào sóng. Gió thổi mạnh mang theo vị mặn mòi của biển phả vào giấc ngủ mơ màng. 5 năm hay 10 năm nữa, khi những mái ngói ngả mầu nâu trầm, cùng với thời gian, xóm đảo sẽ thêm nhiều đổi khác… Một đảo Trần đang gần lại trong tâm thức đất liền.

 

Tùng Lương

Theo Báo Nhân dân điện tử

Tệp đính kèm