Cập nhật: 01/03/2017 10:35:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy với các chiến sĩ Hải quân trên đảo Trường Sa Lớn.

Hình ảnh người chiến sĩ cùng những ngư dân kiên cường bảo vệ chủ quyền trên các vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc từ lâu nay đã tạo nguồn cảm hứng cho giới văn nghệ sĩ cả nước sáng tác nên hàng trăm tác phẩm nghệ thuật đầy ấn tượng, chứa đựng trong đó nhiều cảm xúc và niềm tự hào.

Những ca khúc dạt dào tiếng sóng

Mới đây, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã ra mắt tuyển tập tác phẩm Dậy sóng biển Ðông, tập hợp những tác phẩm vừa được sáng tác của các nhạc sĩ hội viên về chủ đề biển, đảo. Tuyển tập đã giới thiệu đến công chúng hơn 60 bài hát trong tổng số hơn 100 tác phẩm viết về biển, đảo quê hương được các tác giả hội viên gửi đến Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Trong đó, có cả sáng tác của nhiều nhạc sĩ lão thành như: GS, NSND Trọng Bằng, Doãn Nho, Nguyễn Cường, Trọng Ðài và các nhạc sĩ trẻ tuổi hơn như: Ngọc Anh, Hoài An, Trần Ngọc Lâm, Vũ Thiết... Nhiều ca khúc được thành hình ngay từ chuyến đi thực địa biển, đảo của các nhạc sĩ vừa qua như: Sóng dội Trường Sa (Nguyễn Cường), Khúc hát ra khơi của Ðỗ Hồng Quân, v.v. Sức nóng từ Biển Ðông không chỉ mang đến sự đa dạng trong phong cách, bút pháp, ngôn ngữ sáng tác của các nhạc sĩ, mà còn mang đến cả những tuyến đề tài thường ít xuất hiện trong đời sống âm nhạc từ trước đến nay như về lực lượng tàu ngầm Việt Nam (ca khúc Những chiến sĩ đi trong lòng biển của Vũ Trọng Tường), về lực lượng không quân, hải quân (Bay lên!Không quân hải quân của Trần Ngọc Lâm), hay lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam (Biển Ðông đầu sóng ngọn gió của Vũ Hoàng)...

Nhạc sĩ Cát Vận, Chủ tịch Câu lạc bộ Âm nhạc và Báo chí, tác giả của ca khúc Hãy lắng nghe triệu trái tim Việt trong tuyển tập chia sẻ "Việc lựa chọn và in thành tuyển tập Dậy sóng biển Ðông đã đáp ứng được đòi hỏi nóng bỏng của đời sống âm nhạc đương đại. Các sáng tác về biển, đảo quê hương thời gian này hầu như đều được thai nghén trong một thời gian ngắn, được sáng tác nhanh và không dài nhưng đã thể hiện được nhiệt huyết dạt dào, trách nhiệm công dân, cũng như thái độ của các nhạc sĩ đối với chủ quyền biển, đảo của đất nước". Theo lãnh đạo Hội Nhạc sĩ Việt Nam, thời gian tới, Hội sẽ vẫn tiếp tục nhận các sáng tác về biển, đảo của các nhạc sĩ và chọn in trong tập hai của tuyển tập.

Từng thước phim thấm đẫm cảm xúc

Còn nhớ, trong những năm 60 của thế kỷ trước, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt nhất, NSND Nguyễn Ngọc Quỳnh đã xách máy ra tận ngoài khơi xa Vịnh Bắc Bộ để ghi lại cuộc chiến đấu, đánh trả máy bay Mỹ bảo vệ biển, đảo Tổ quốc. Từ đó, đã ra đời bộ phim Ðầu sóng ngọn gió của người nghệ sĩ tài hoa. Phim được nhận Huy chương vàng tại Liên hoan phim quốc tế Mát-xcơ-va năm 1967, trước khi đoạt giải Bông sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ nhất năm 1970. Bộ phim là sự khái quát sinh động và thành công hình tượng kiên cường của những ngư dân Việt Nam không chịu lùi bước trước khó khăn giông bão cũng như trước mọi kẻ thù xâm lược.

Một đạo diễn tài năng khác của điện ảnh cách mạng - NSND Lê Mạnh Thích từng đoạt nhiều giải cao trong nước và quốc tế, đã cùng đoàn phóng viên cấp tốc ra Trường Sa vào những ngày tháng tư nóng bỏng năm 1988, kịp thời ghi lại hình ảnh chân thực và xúc động về cuộc sống của những người lính chiến đấu trên con tàu HQ505 lịch sử. Ngay sau khi trở về đất liền, ông đã hoàn thành bộ phim Trường Sa tháng 4-1988, như một bằng chứng sống về cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Ông đã có được những thước phim đặc tả ấn tượng gương mặt chiến sĩ sạm đen thuốc súng và các ngôi mộ người lính biển hy sinh, giản dị mầu san hô trắng xóa.

Thế hệ đạo diễn phim tài liệu đương đại cũng có nhiều tác phẩm thành công, thấm đẫm tình cảm với biển, đảo và phản ánh chân thực cuộc sống và chiến đấu của quân và dân ta trên các vùng quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Phim Ðảo Lý Sơn của đạo diễn Công Thành Ðức, sản xuất năm 2009, là bộ phim về những ngư dân chất phác mà giàu tình cảm, bám biển đánh bắt hải sản cùng sức chịu đựng, hy sinh trong công cuộc lao động, giữ biển của ông cha để lại. Bộ phim Biển của người Việt của đạo diễn Ðào Thanh Tùng sản xuất năm 2012, lại đi tìm các bằng chứng, căn cứ tư liệu chân xác từ lịch sử, từ quá khứ cho đến hiện tại với những con người thật, việc thật để chứng minh và khẳng định chủ quyền Tổ quốc trên hai vùng quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Ðược biết, Hãng phim Tài liệu - Khoa học Trung ương sẽ tiếp tục thực hiện bộ phim tài liệu Biển xanh màu lá do Ðào Thanh Tùng đạo diễn dựa theo tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Thủy. Hãng cũng đã gửi ba kịch bản đề tài biển, đảo lên Cục Ðiện ảnh, chờ thẩm định, trong đó có phim Ðất nước giữa biển khơi nói về hành trình lịch sử của các thế hệ người Việt Nam trong công cuộc khai phá, đặt dấu ấn khẳng định chủ quyền trên các hòn đảo được ghi chép lại từ xa xưa. Bên cạnh đó là kịch bản phim Vòng tròn bất tử xây dựng hình tượng những người lính kiên cường chiến đấu và hy sinh quên mình để bảo vệ đảo.

Dựng bản đồ Tổ quốc tại Trường Sa

Ngay sau khi hoàn thành công trình Cờ Tổ quốc và tranh gốm cổ động hoành tráng "Trường Sa - sức mạnh Việt Nam" tại đảo Trường Sa Lớn, nữ họa sĩ Nguyễn Thu Thủy cùng họa sĩ Phan Thanh Sơn và nhóm sinh viên Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp lại tiếp tục hoàn thành bức bản đồ Việt Nam bằng gốm có kích thước 2,3 m x 1,9 m gắn tại hòn đảo thủ phủ của huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa). Tác phẩm gồm 88 miếng gốm ghép lại, nung ở nhiệt độ 1.200 độ C, in rõ nét từng địa danh, từng tên đảo, đá, cồn san hô, từng bãi cạn, bãi ngầm... thuộc hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, cùng những hòn đảo khác dọc chiều dài lãnh thổ Việt Nam.

Bản đồ Việt Nam bằng gốm dựa trên mẫu Bản đồ biển, đảo Việt Nam của Bộ Tư lệnh Hải quân và được nhóm họa sĩ, nghệ nhân và sinh viên thực hiện tại xưởng gốm Bát Tràng (Hà Nội). Bản đồ thể hiện đầy đủ những điểm đảo có vị trí quan trọng được sử dụng làm các điểm mốc để thiết lập đường cơ sở, từ đó xác định vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, là cơ sở pháp lý để bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các vùng biển. Sau khi tấm bản đồ Việt Nam bằng gốm được phê duyệt, nhóm họa sĩ và các nghệ nhân Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội đã ra Trường Sa để ghép tấm bản đồ Việt Nam bằng gốm đầu tiên tại đảo Trường Sa Lớn trước sự chứng kiến của Chuẩn đô đốc Ðặng Minh Hải, Ðảo trưởng Phạm Văn Hòa và các thành viên của đoàn công tác Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, đơn vị tài trợ công trình.

Theo kế hoạch, công trình bản đồ Việt Nam bằng gốm dự kiến sẽ được gắn tại 21 đảo với 33 điểm đảo của quần đảo Trường Sa. Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy cho biết: "Ðây không những là công trình độc đáo mà còn mang nhiều ý nghĩa, thể hiện tình cảm của các nghệ sĩ với các chiến sĩ hải quân đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Ðồng thời cũng là lời tâm nguyện của các nghệ sĩ mong muốn được góp sức mình trong công cuộc giữ gìn biển, đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho các thế hệ hôm nay và mai sau".

 

TRANG VIỆT YÊN

Theo Báo Nhân dân điện tử

Tệp đính kèm