Để đón cô dâu về nhà, gia đình nhà trai phải mất cả năm trời tiến hành các nghi thức cưới hỏi; lễ vật thách cưới bao gồm: Trầu, cau, tiền, trâu, gà, lợn, tủ đựng quần áo... Phong tục của người Sán Dìu trong việc cưới hỏi nhằm hướng tới việc đề cao giá trị của người con gái khi xuất giá.
Ông Lam Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Đạo Trù (huyện Tam Đảo) cho biết, phong tục cưới hỏi của người Sán Dìu xưa rất độc đáo. Vào đầu mùa Xuân, gia đình nào có con trai trưởng thành thì bố mẹ nhờ ông mối đến nhà gái xin lá số ghi ngày, tháng, năm sinh của cô gái mang về cho nhà trai, sau đó, nhờ một ông thầy cao tay so tuổi giữa chàng trai, cô gái. Nếu chàng trai và cô gái hợp tuổi thì nhà trai sắm một lễ nhỏ sang báo cho nhà gái biết. Bước tiếp theo là xem mặt, việc này chỉ áp dụng đối với những trường hợp người con trai và người con gái ở xa nhau. Những cặp ở gần, dù hai người không quen biết nhau trước đó thì cũng không tổ chức xem mặt. Chỉ khi nào lấy nhau về thì cô dâu và chú rể mới biết mặt nhau.
Nghi thức dạm hỏi của người Sán Dìu kéo dài trong một năm, bắt đầu từ 15 tháng giêng. Đám cưới chỉ được tổ chức từ tháng 8 trở đi. Theo phong tục, mùa Thu và mùa Đông là mùa cưới của người Sán Dìu vì thời điểm này không còn nắng nóng. Người Sán Dìu không tổ chức cưới vào mùa Xuân và mùa Hạ. Từ tháng Giêng đến tháng 8, mỗi tháng nhà trai đến nhà gái một lần để thực hiện các thủ tục trong lễ ăn hỏi. Ví dụ như: Tháng Giêng đến để xin ngày tháng năm sinh của cô gái; tháng Hai đến hỏi gia đình nhà gái có đồng ý cho con gái chồng vào năm nay không; khoảng tháng Ba hoặc tháng Tư thì lễ ăn hỏi chính thức được diễn ra. Người Sán Dìu gọi lễ này là lễ Sang bạc. Ông mối sang nhà gái hỏi xem nhà gái lĩnh những thứ gì rồi về báo cho nhà trai biết để chuẩn bị. Thông thường, nhà gái phát lễ 15 – 20 đồng bạc trắng, 80 kg thịt lợn móc, 200 quả cau, 2 kg chè, 1 con trâu, 1 tủ đựng quần áo... Sau lễ Sang bạc, nhà trai ấn định ngày cưới và thông tin cho nhà gái biết bằng một tờ giấy đỏ ghi ngày, giờ.
Lễ cưới của cô dâu và chú rể được diễn ra trong sự chuẩn bị chu đáo của hai bên gia đình. Buổi sáng, nhà trai mời ông mối cùng với hai người khiêng lợn sang nhà gái để trao lễ lợn. Lợn nhà trai dẫn sang phải là lợn đen. Theo quan niệm của người Sán Dìu, lợn trắng là lợn tang, lợn khoang ngụ ý nói con gái mất giá. Lợn đem sang nhà gái sau khi làm thịt sẽ được cân lên, nếu không đủ số cân hai bên đã thống nhất từ lễ ăn hỏi thì nhà trai phải đi mua thêm thịt lợn để bù vào. Vào buổi chiều sẽ có thêm một phù dâu ăn mặc đẹp, tay cầm ô, cùng một thanh niên trẻ cầm tráp trầu cau mang đến nhà gái. Trong khâu đưa lễ, có một nghi thức là nhận trầu cau từ tráp mà chàng thanh niên bên nhà trai mang đến. Khi mời trầu, càng mất ít trầu thì càng chứng tỏ chàng trai khéo léo.
Nhà trai sẽ cử một người đại diện tuổi cao và có tài đối đáp thơ ca làm trưởng đoàn. Đến 10h đêm, trưởng đoàn nhà trai giao lưu đối đáp thơ ca với nhà gái. Cả dòng họ nhà gái ra câu đố cho trưởng đoàn nhà trai. Cuộc đố diễn ra đến khoảng 2 giờ sáng thì mọi người hát đối đáp Soọng cô. Hát đến khoảng 9h sáng hôm sau thì nhà trai và nhà gái tổ chức uống rượu. Trong đêm đó, cô dâu phải dậy từ lúc gà gáy và ngồi khóc cho đến sáng. Nội dung khóc nói về công ơn sinh thành, dưỡng dục của bố mẹ, bổn phận của người con gái đi phải đi lấy chồng... 5 giờ chiều ngày hôm sau sẽ diễn ra nghi lễ đón dâu. Cô dâu làm lễ bái tổ tiên và bố mẹ rồi xin phép về nhà chồng. Ra đến ngoài hè thì anh trai ruột hoặc anh trai họ cõng trên lưng đi ba bước ra khỏi giọt gianh thì đặt xuống. Phù dâu lấy ô che đầu cho cô dâu, trên chiếc ô có dán giấy đỏ nhằm xua đuổi ma quỷ và mang lại may mắn cho cô dâu. Ông Hoàng Văn Hai, một người có uy tín trong đồng bào dân tộc Sán Dìu ở xã Minh Quang, Tam Đảo lý giải, theo quan niệm của người Sán Dìu, các cô dâu khi về nhà chồng trang điểm xinh đẹp, đi trên đường thường gặp âm binh đi tuần bắt hay trêu ghẹo, do vậy, trước khi bước ra khỏi hè, cô phù dâu che ô dán bùa đỏ để bảo vệ cô dâu. Đoàn đón dâu ra khỏi nhà gái, gặp trẻ con chăng dây, nhà trai phải hát hoặc cho tiền mới được qua.
Sang đến nhà trai, nếu trời chưa tối hẳn thì đoàn đưa dâu phải chờ ngoài làng, đợi cho đến khi trời tối hẳn mới được vào nhà. Người Sán Dìu quan niệm, cô dâu vào nhà chồng khi mặt trời lặn sẽ tránh được rủi ro trong cuộc sống. Khi đoàn đưa dâu vào đến nhà trai, chú rể đưa cô dâu đến làm lễ tổ tiên trước bàn thờ. Sau đó, cô dâu được đưa vào buồng cưới. Lúc cô dâu bước tới cửa buồng, chú rể cùng sự hỗ trợ của một người bạn phải cướp lấy một chiếc khăn ở trên đầu cô dâu luồn nhanh qua háng rồi cất đi. Việc làm này ngụ ý từ đây vợ phải nghe lời chồng. Ngoài ra, bố mẹ chồng để tiền cho đôi vợ chồng mới ở dưới chiếu trải giường cưới. Cô dâu giữ số tiền này để xuống chậu rửa, hồ, ao, suối... trong ngày làm dâu đầu tiên. Cô dâu thực hiện nghi lễ này nhằm trình báo với thần làng, thổ công, thổ địa của nhà trai xin gia nhập cộng đồng mới.
Sau khi cô dâu vào buồng cưới thì bên ngoài diễn ra tiệc tùng nhộn nhịp. Nhà trai và nhà gái tiếp tục hát đối Soọng cô cho đến sáng. Buổi sáng, cô dâu dùng bộ ấm chén mới để đun nước, pha trà mời ông bà, cha mẹ, anh chị chồng và bưng chậu nước kèm theo chiếc khăn mới để bố mẹ chồng rửa mặt. Sau tiệc cưới, các chị em ruột hoặc chị em họ chú rể hướng dẫn cô dâu đến nhận mặt từng người thân trong gia đình và dòng họ. Cô dâu mới nhận được lời chúc phúc, khuyên răn của các bậc bề trên.
Buổi lại mặt sẽ được tổ chức vào ngày cuối cùng của lễ cưới. Sau lễ lại mặt, cô dâu chú rể mới được động phòng. Những tháng đầu tiên, cứ một tuần hoặc 10 ngày bố hoặc mẹ chồng đưa con dâu trở về nhà bố mẹ đẻ ngủ lại hai, ba đêm rồi bố hoặc mẹ đẻ lại đưa về nhà chồng, cho đến khi nào có con cô dâu mới tự đi về.
Ông Đặng Trọng Bắc, cán bộ văn hóa xã Minh Quang cho biết, ngày nay, nghi lễ cưới hỏi của người dân tộc Sán Dìu ở Minh Quang nói riêng và Tam Đảo nói chung đã có nhiều thay đổi. Trong ngày cưới, cô dâu và chú rể không mặc trang phục truyền thống như trước kia mà thay vào đó cô dâu sẽ mặc váy cưới còn chú rể mặc quần âu, áo vest, chân đi giày Tây. Lễ vật thách cưới không dùng trâu, lợn, gà, tủ ... nữa mà thay bằng tiền mặt. Nhà trai có thể đón dâu vào ban ngày thay vì đón dâu vào buổi tối như trước. Các thủ tục cưới hỏi được hai bên gia đình trực tiếp thỏa thuận mà không cần đến vai trò của ông mối. Ngày nay, đám cưới của người Sán Dìu chỉ được tổ chức trong 1 - 2 ngày chứ không kéo dài trong 5 ngày như trước kia. Trong đám cưới, người ta cũng ít hát đối đáp Soọng cô hơn. Nếu như trước kia người Sán Dìu dựng vợ gả chồng theo phong tục “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” thì bây giờ cô dâu và chú rể được tìm hiểu nhau trước khi kết hôn... Theo ông Bắc, trong số những nghi thức bị mai một, có những nghi thức là nét đẹp văn hóa cần giữ gìn nhưng cũng có những nghi thức là hủ tục cần loại bỏ. Vấn đề là cần phân tích rõ để đồng bào Sán Dìu ở địa phương biết đâu là hủ tục, đâu là phong tục để định hướng, khuyến khích bà con xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Sưu tầm