Lễ hội là một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng phổ biến của mỗi dân tộc, địa phương, vùng, miền; nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần của con người; nó giữ một vai trò, vị trí quan trọng trong đời sống xã hội, cộng đồng và làng xã.
Hàng năm cứ vào dịp tháng giêng âm lịch, trong không khí ấm áp của những ngày đầu xuân, ở hầu khắp các nơi trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn các lễ hội của đồng bào Tày, Nùng mang tên "Lễ hội Lồng Tồng" (xuống đồng) hay lễ hội mừng năm mới tưng bừng diễn ra thu hút đông đảo nam thanh, nữ tú, bà con các bản xa, gần và du khách trảy hội, du xuân.
Ở một bản vùng sâu thuộc thôn Nà Thác, xã Đồng Xá, huyện Na Rỳ: vào ngày mồng 6 tháng giêng âm lịch hàng năm, bà con trong bản tổ chức “lễ hội cầu mùa” để mừng năm mới; đây là phong tục tập quán mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Dao, với mong ước cầu thần linh, thành hoàng phù hộ cho một năm mới bình an, mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu, nhân dân ấm no, hạnh phúc. Đó là dịp để người dân được gặp gỡ, vui chơi, gắn bó, kết hợp hài hoà giữa đời sống tâm linh và tinh thần đoàn kết dân tộc.
Lễ hội cầu mùa nơi đây gồm hai phần: Phần lễ có nghi lễ cầu mùa, đón xuân; phần hội diễn ra trong không khí náo nhiệt của bà con dân bản, trong tiếng hò, reo, vỗ tay không ngớt; các cô gái người Dao, mắt phượng, mày ngài với làn da trắng như ngà trong trang phục sặc sỡ, đẹp nhất của mình khoác tay nhau cổ vũ cho các tiết mục, trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, đánh cù, đánh yến…, bên cạnh đó tiếng kèn lá réo rắt, hòa cùng tiếng then, hát sli, hát lượn, xúc xắc theo nhịp điệu; khiến cho du khách từ phương xa tới cũng phải ngẩn ngơ, như lạc lối về; xung quanh đó những món ăn, ẩm thực truyền thống của địa phương dưới bàn tay khéo léo của các bà, các chị được trưng bày đẹp mắt và mời mọi người cùng thưởng thức; hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa diễn ra tấp nập; tiếng người già thăm hỏi nhau, trẻ nhỏ chạy quanh nô đùa đã tạo nên một không gian sinh hoạt văn hóa hết sức độc đáo mà không phải nơi đâu cũng có được; đây chính là điều kiện để các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian được bảo tồn và phát triển.
Trong nhịp sống đương đại, có thể nói Lễ hội cầu mùa đầu năm mới là những giá trị văn hóa, những chuẩn mực đạo đức được lưu truyền từ đời này sang đời khác; là nếp sống được hình thành trên những giá trị nhân văn của con người phù hợp với các điều kiện tự nhiên và xã hội; ở những nơi đồng bào dân tộc Dao cư trú, họ sống chân thành, mộc mạc, giàu lòng nhân ái, yêu thương; biết sẻ chia, kính trên nhường dưới, tôn kính bậc hiền nhân, thánh thần; sống hài hòa với thiên nhiên, luôn làm điều thiện, tránh xa cái ác. Những đức tính quý báu này đã tạo nên bản chất tốt đẹp của người Dao, giúp cho họ có một sức sống mãnh liệt, vươn lên trong mọi hoàn cảnh mà không bị hòa tan vào những dòng văn hóa khác.
Ngày nay, thông tin khoa học và công nghệ phát triển, sinh hoạt văn hóa, lễ hội cộng đồng luôn nhận được sự quan tâm của toàn xã hội; ngành Văn hóa,Thể thao và Du lịch từ Trung ương đến địa phương đã và đang tiếp tục khôi phục, phát huy những vốn văn hóa truyền thống của dân tộc ta, trên cơ sở tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại, tạo thành nguồn lực và sức mạnh bên trong để xây dựng và bảo vệ tổ quốc; góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Trung ương 5, khóa 8, năm 1998 của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam về “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Sưu tầm