Cập nhật: 07/03/2017 15:20:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Một mỏ đá tại Hòn Chà chưa được cấp phép, nhưng doanh nghiệp vẫn khai thác.

Xưa, Hòn Chà (TP Quy Nhơn, Bình Định) kỳ vĩ đá, đá chông chênh tầng tầng lớp lớp trên những viền sơn tản kéo dài, lang bang rừng rú rêu phong. Giờ, cảnh đó đã tàn hoang, núi khoét ra tựa đồi, đồi xẻ ra tựa mương, hầm nối hầm, lổn nhổn! Hòn Chà đương tận ngày khai tử.

Công trường phía sau thành phố

Gió đìu hiu, tinh lắm mới cảm nhận được, bằng nhãn quan, qua những rung động thi thoảng khe khẽ trên nóc các căn chòi phủ bạt nát bươm. Những phu đá cũng nát bươm, từ đầu đến chân phủ mầu ngà ngà, bàng bạc bụi đá, lưỡng quyền nhô cao, miệng mắt khô khỏng lộ ra đường chân chim nứt nẻ, khuôn mặt họ cũng thô ráp gồ ghề như đá. Từng mét không khí đặc quánh, ngột ngạt. Nắng cháy quện lấy khói bụi. Bốn bề chỉ còn tiếng nổ mìn chát chúa, tiếng rìu đục cưa xẻ lè rè, và những khổ sai vì kế mưu sinh.

Xế chiều, tà dương vương bóng chờn vờn xuống những cung đường lốc nhốc dốc dác của Hòn Chà, tôi đặt chân đến công trường phía đông non tản. Chẳng dám nghĩ, vùng mỏ hoang sơn này chỉ nằm sau thành phố biển Quy Nhơn vài cây số, nhưng hiếm lắm, mới nghe được đôi tiếng ba đào chập chờn xô sóng ôm vào ghềnh thác. Thợ đá ở mỏ đa số tứ chiếng, giang hồ phiêu bạt, có ít người bản địa, được chủ bưởng thuê theo thời vụ, hưởng lương công nhật, trung bình mỗi ngày ba lăm đến bốn mươi nghìn đồng một người. "Không biết việc khai thác đá phạm luật hay không, miễn có tiền là làm" - Trung, một thợ đá nói. Có khoảng bảy mươi người như Trung ở Hòn Chà này. Còn những ông chủ, họ biết các nhà chức trách đã ban lệnh cấm khai thác, nhưng lỗi không hoàn toàn ở họ. Trước, một vài chủ tự đứng ra tranh giành lấn chiếm bãi đáp, song, nay phần lớn họ làm cai cho các công ty.

"Đá tặc" ở Hòn Chà bùng phát nghiêm trọng cách đây một thập niên, đến năm 2002, UBND tỉnh ra chỉ thị cấm khai thác và năm 2006, thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống. Tạm lắng thời gian, năm 2009, việc khai thác đá trái phép manh nha trở lại, tái diễn đến nay, có doanh nghiệp khai thác kiểu "tiền trảm hậu tấu" trong lúc... chờ hoàn thiện thủ tục cấp phép. Được biết, gần bảy năm trước, tỉnh Bình Định quy hoạch 455 ha tại Hòn Chà, cấp phép cho tám doanh nghiệp vào khai thác. Nhưng giờ, hơn nửa số doanh nghiệp vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ; bên cạnh đó, một vài doanh nghiệp, giấy phép đã hết hạn. Đồng thời, một số diện tích đã được lãnh đạo tỉnh rà soát đưa vào quy hoạch thuộc Khu công nghiệp Phú Tài. Như vậy, hiện không nhiều doanh nghiệp được quyền khai thác, vì phần lớn diện tích mỏ đang thuộc quản lý của Nhà nước. Và thông tin, các chủ bưởng đứng cai thầu cho các công ty là điều lạ, tại sao những doanh nghiệp lại dám công khai móc ruột tài nguyên quy mô bài bản đến thế!?

Bữa đó, tôi đếm được sáu căn lều trú ngụ của cánh thợ, hơn 30 khối đá vàng rải rác từ dưới chân lên đỉnh núi. Hàng chục lượt xe ben thay phiên qua lại, đá hộc rơi vãi ngổn ngang. Cán bộ địa chính phường Trần Quang Diệu, Đặng Thành Nít, đưa chúng tôi đến khu vực núi nơi các Công ty Thành Phát, Thuận Đức, Đá Bình Định, Hoàn Cầu... đặt "bản doanh". Tại đây, lán trại lúp xúp như nấm, thợ đá bâu nhâu quanh những khối vĩ sơn tựa đàn kiến khiêng mồi, xao động. "Nơi này chỉ khai thác đá xây dựng nhỏ lẻ, đến vị trí giáp ranh giữa khu vực 5 và 6, đá nặng vài chục tấn. Họ cho khoan, nhét thuốc nổ vào, chờ đêm xuống châm ngòi, sáng hôm sau thuê thợ đục, xẻ thành khối, dùng xe cẩu kéo, chở bán cho các doanh nghiệp lân cận" - anh Nít cho biết.

Ngoài vòng kiêm tỏa

Hôm sau, tờ mờ sương, tiếng mìn nổ từ lưng núi vọng lại, phá tan tấm voan bình minh tĩnh mịch, Chủ tịch UBND phường Trần Quang Diệu Đoàn Văn Vỹ, dẫn tôi lòng vòng vùng quy hoạch Hòn Chà. Mùi gió biển ngai ngái, hơi nồm ngồm ngộp trong từng phiến lá, từng góc quán liêu xiêu và dường như hắt ra từ cả trong cổ họng. "Nạn khai thác đá trái phép diễn ra trước mắt, nhưng muốn tổ chức kiểm tra, chúng tôi phải phối hợp các cơ quan chức năng. Khi phối hợp được thì "thổ phỉ" đã tìm đường tẩu thoát. Đoàn kiểm tra rời hiện trường thì tình trạng khai thác lại tái diễn" - ông Vỹ giãi bày.

Núi Hòn Chà bị đào khoét thành những hàm ếch do nạn nổ mìn, khai thác đá trái phép.

Trước đó, tôi được các cán bộ của Tổ công tác Cảnh sát môi trường Bình Định cho xem nhật ký kiểm tra tình trạng khai thác đá ở Hòn Chà, mới thấy, có doanh nghiệp bị cơ quan chức năng bắt quả tang, nhưng sau khi xử lý, công ty này vẫn ngang nhiên thách thức pháp luật. Tại KCN Phú Tài, phát hiện 49 tảng đá được móc lên mặt đất và hơn 90 tảng đá khác đang nằm trong tường rào của Công ty cổ phần Đá Phú Minh Trọng, Tổ công tác lập biên bản, yêu cầu doanh nghiệp giữ nguyên hiện trường đến khi vụ việc được xử lý. Thế nhưng, những ngày sau đó, công ty này vẫn tiếp tục hoạt động trái phép tại khu vực nói trên. ... Trong ráng chiều ối đỏ, những chuyến xe vẫn mải miết đi trong miên man khói bụi, những thợ đá không khẩu trang vẫn bặm môi đục đẽo như quên bóng thời gian...

Trên cao độ 50

Mưa bụi lây phây giăng mù khắp hoang sơn, từng căn chòi cựa quậy bóc ra các tấm bạt xoáy tít lên không trung. Dưới thành vách, những tốp người vẫn quấn lấy đá nhả bóng ngoệch ngoạc vào lưng núi. Trong bức tranh nhợt nhạt ấy, tiếng đục đẽo đều đều, róc tận óc, từng đoàn xe ầm ì nối đuôi nhau vào mỏ thở khói phì phì. Dọc cung đường, muội đá và đất đỏ đóng thành cơ man xống trâu lổm ngổm. Chúng tôi đang đứng trên cao độ 50 của Hòn Chà - nơi thuộc lãnh địa quân sự. Ở góc độ pháp lý, nếu chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì ngay cả các cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương cũng không được cấp phép khai thác. Vậy mà, vài ba năm lại đây, "đá tặc" đã tấn công lên đến đây.

Giữa ban ngày, đá từ đỉnh núi lăn xuống tề chỉnh, hàng nối hàng. Hàng đá lăn xuống, hàng người đi lên. Các cai thầu cho quân phát đường quy định rõ ràng, lối nào dùng chạy đá, lối nào để người đi. Khách lạ, đi nhầm chỉ còn nước uổng mạng. Ở Hòn Chà, đừng nói đến luật lệ hay quy trình "cắt ngọn bạt tầng" bài bản, qua ngày qua tháng, núi được vát ra dần dần đủ hình thù, có ngọn như lưỡi mác, có ngọn lưng chừng nham nhở hàm ếch, trơ khấc.

Băm nát cảnh quan, hủy hoại môi trường, đe dọa tính mạng người dân, thất thoát tài nguyên, đó là những hệ lụy mà vấn nạn "quặng tặc" gây ra nhiều năm qua. Chính quyền phường và thành phố Quy Nhơn nhận không biết bao nhiêu văn bản chỉ đạo ngăn chặn tình trạng khai thác đá lậu của UBND tỉnh. Tuy nhiên, việc phân cấp quản lý không rõ ràng (có chỗ thuộc quân sự, có chỗ không biết thuộc quản lý của trung ương hay địa phương), "cha chung không ai khóc", khiến núi Hòn Chà không ngừng bị cày xới.

... Sau một ngày dầm dề mưa, quang cảnh Hòn Chà vốn tàn tạ càng như bết lại xơ xác, con người cũng như gói trong chiếc áo sánh mầu bụi đá, lép nhép. Đá răm đan dày trên nền đất đỏ quạch, đôi chỗ võng xuống thành hố nước tù nổi váng thôi đồng mốc xì. Chiều tàn. Núi sơn vào nền trời đen thẫm. Thợ đá lui cui chẻ nốt những phiến cuối cùng, gương mặt phủ đầy bóng tối, ngực ép vào gối, cằm cúi gằm. Họ là những "nhân công thời vụ" người bản địa. Tôi đang đứng ở lô H9 Hòn Chà, vùng đất có nhiều tảng đá tự nhiên giá trị kinh tế cao được Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý. Thế nhưng, không biết bằng chiêu thức nào, một doanh nghiệp đã hoán đổi lô đất H10 (nằm đối diện) để lấy lô đất H9, khai thác trong khoảng thời gian dài, không hề bị cơ quan chức năng can thiệp. Qua điều tra, được biết, diện tích mà doanh nghiệp "đánh tráo quy hoạch" này đã cấp phép để xây dựng nhà máy hơn 1,2 ha, số diện tích 1 ha liền kề chưa làm thủ tục thuê đất.

Giờ, trong bán kính gần 50 m lưng núi Hòn Chà, phần đất đang được Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Định quản lý, đá vàng bị "hô biến" gần hết. Cứ theo sơ đồ quy hoạch của tỉnh, có thể thấy mức tổn thất lên đến hàng nghìn mét khối. Với giá từ bảy đến tám triệu đồng/m3 đá vàng hiện nay, không thể tính xuể con số mà Nhà nước thất thoát từ hoạt động khai thác trái phép.

... Xuống núi. Chúng tôi đi lẫn vào đoàn thợ lầm lũi trở về với gia đình. Phía trước, những chuyến xe tuột dốc uể oải xiêu vẹo, văng đá tựa rải đường. Họ cứ đi. Ngày qua ngày, nhịp sống ở sơn tản Hòn Chà vẫn trôi qua như thế!

 

Bài và ảnh: THIỆU ANH

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm