Nấu cơm thi làng Thượng Bắc. Ảnh: H.M.T
Hội nấu cơm thi làng Thượng Bắc là mỹ tục của nền văn minh lúa nước còn lưu giữ trong một số làng xã ở xứ Thanh. Mỹ tục nấu cơm thi nhằm đề cao thành quả lao động của cư dân nông nghiệp để làm ra hạt lúa, hạt cơm chính là những hạt ngọc nuôi sống họ và cả cộng đồng...
Thổi cơm thi là mỹ tục độc đáo, thể hiện lòng quý trọng lúa gạo, trau dồi thao tác chế biến sản phẩm nông nghiệp, phản ánh đời sống và phương thức sản xuất của cư dân trồng lúa phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết ở Việt Nam nói chung và xứ Thanh nói riêng. Hội nấu cơm thi với nồi cơm đoạt giải đó là vật phẩm quý giá dâng cúng các vị thành hoàng đã có công lập ấp, truyền dạy nghề nghiệp cho dân, làm vui lòng thần và đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí cho chính họ sau những tháng ngày làm mùa vất vả. Hội cơm thi cũng là dịp để những người nông dân chân lấm tay bùn thi thố tài năng, thể hiện sự tài khéo để có sức khỏe và sự dẻo dai, gắng công cày cấy, chăm sóc cây trồng ước mong mùa màng tươi tốt, nhà nhà no đủ.
Từ bao đời nay, mỗi khi mùa xuân đến, cũng giống như hầu hết các làng quê Việt, người dân làng Thượng Bắc (xưa thuộc làng Còng, sau đổi là Cộng Phú, thuộc tổng - xã Vân Trai, và từ làng Còng - Cộng Phú tách ra thành tên làng nay) thuộc xã Hải Nhân, huyện Tĩnh Gia tưng bừng mở hội thổi cơm thi. Hội nấu cơm thi làng Thượng Bắc đã trở thành nét đẹp tự lâu đời, được những người dân nơi đây trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Đã thành mỹ tục, hàng năm cứ vào ngày mùng 3 Tết, tiết trời ấm áp, cờ ngũ sắc tung bay trong nắng xuân phơi phới, từ khắp các ngả đường, bà con trong làng và các vùng lân cận thuộc xã Vân Trai không ai bảo ai cùng dắc díu nhau về hội. Hội nấu cơm thi làng Thượng Bắc xưa được tổ chức trước sân đình, nơi có cây thị già và cây đa cổ thụ tỏa bóng sum xuê che cho ngôi đình mái ngói rêu phong cổ kính, có hai con voi đá to phủ phục nằm chầu.
Thành hoàng của làng Thượng Bắc và cả xã Vân Trai phụng thờ là Cao Sơn, Cao Các thượng đẳng thần. Về hai vị thần này theo sách Tín ngưỡng thành hoàng Việt Nam của tác giả Nguyễn Duy Hinh cho biết: “Xét tôn thần Cao Sơn, Cao Các đã khai sự tích tựa hồ hai thần khác nhau. Nay phụng sát nơi thờ cả Cao Sơn, Cao Các là 335 nơi”. Về thần Cao Sơn, sách Lịch sử xã Quỳnh Giang viết: “Cao Sơn là thần làm nghề thợ rèn, đã giúp An Dương Vương rèn đúc vũ khí. Ông đã dạy dân nhiều làng làm nghề rèn...”.
Với Cao Các thượng đẳng thần, theo sách Thanh Hóa chư thần lục được các sử quan thời Nguyễn ghi chép: “Từ xưa truyền lại rằng ở xứ Hàm Long Nguyên, tại xã Đại Trung thường có đám mây đỏ hiện ra. Người ta nhìn thấy trong đám mây có một người mặc áo vàng, tay cầm một cái nỏ nói rằng: “Ta là Cao Các làm đại tướng của Thục An Dương Vương, ta thường dùng nỏ này để đánh giặc thành công. Thượng đế cho ta làm đô thống tướng cai quản núi sông”. Các đời đều có phong tặng”. Cũng theo sách này, tỉnh Thanh Hóa có 45 làng, xã phụng thờ, riêng huyện Ngọc Sơn (Tĩnh Gia) có 21 nơi thờ cúng.
Cao Sơn, Cao Các là những vị thần núi có sức mạnh phi thường, sau đó Sơn thần được nhân hóa, có công hộ dân, giúp nước.
Như vậy thành hoàng Cao Sơn, Cao Các ở làng Thượng Bắc, xã Vân Trai không chỉ là người có công lập làng, dựng và giữ nước, các vị thần này còn có công truyền dạy cho người dân nơi đây từ thuở Hùng Vương biết nghề chế tác đồ đồng. Vì vậy tên gọi của làng xưa gắn với nghề đúc cồng nổi tiếng và được người dân gọi theo phương ngữ là làng Còng - sản phẩm của làng gắn với kỹ thuật chế tác cồng chiêng nổi tiếng khắp vùng.
Trước ngày mở hội nấu, từ chiều mùng 2 Tết cụ tiên chỉ và các bậc bô lão trong làng biện mâm lễ, kính cáo các vị thành hoàng cho phép dân làng mở hội nấu cơm thi, tri ân công đức của các ngài và mong thần phù hộ cho quốc thái dân khang, phong đăng hòa cốc, mùa màng bội thu. Sáng mùng 3 Tết, sau khi tế lễ Thành hoàng, dân làng tổ chức hội nấu cơm thi thu hút nhiều người tham dự. Hội được tổ chức ngay tại sân đình trước sự chứng giám của thành hoàng làng và những người xem hội.
Hội nấu cơm thi làng Thượng Bắc có quy mô lớn, nhân vật chính từ 12 đến 14 người vừa nấu cơm vừa diễn trò. Những người tham gia gồm có: 2 người đóng vai con trâu; 1 người thợ cày vác cái cày gỗ trên vai và bên hông đem theo 1 chiếc điếu cày; 6 thiếu nữ nấu cơm thi; 1 người trong vai ông thổ địa – biểu hiện cho điều thiện, trợ giúp những thôn nữ trong lúc thổi cơm có quỷ (1 người đóng) và những con khỉ (2 người trong lốt khỉ) xông đến quấy phá; 1 người hóa trang thành con cò trắng chực mổ con nhái đặt trong đĩa để những cô thôn nữ vừa nấu cơm vừa phải trông coi con nhái không nhảy ra khỏi đĩa hoặc bị con cò mổ mất nhái.
Giữa sân đình, mọi người đứng thành vòng tròn rộng. 6 cần tre treo sẵn các niêu đồng (nồi nấu cơm) nối từ đầu cần tre đến niêu đồng gần kề mặt đất bằng sườn của tàu chuối còn tươi tạo thành một ông đầu rau di động, 6 cần nấu cơm ấy được phân bố đều trong vòng tròn trên sân. Sau ba hồi trống mở màn và theo nhịp trống dẫn, người nông dân rít vội điếu thuốc lào, quần ống thấp ống cao thúc trâu ra cày ruộng. Con trâu bước đi đủng đỉnh, hai cái sừng vểnh lúc nghiêng sang trái, lúc tạt bên phải làm cho đám đông dãn ra thành một vòng rộng. Động thái này vừa mô tả việc cày bừa của nhà nông, đánh thức đất đai dâng cho đời mùa màng tươi tốt, đồng thời vừa có tác dụng “dẹp đám”, để mọi người dãn ra và trật tự theo dõi cuộc thi tài.
Sau khi trâu cày ruộng đã xong, nghe trống điểm tiếp ba tiếng thì cuộc thi thổi cơm bắt đầu. Cả 6 cô gái nhanh chóng vào vị trí rồi thực hiện các thao tác nấu cơm thi. Theo quy định của ban tổ chức, động tác đầu tiên là phải giã gạo, chờ cho trống điểm, họ nhanh tay cho lúa vào cối giã, sàng sảy lấy gạo. Tiếp đó gạo được vo sạch và lấy nước từ bầu đựng nước mang theo cho vào nồi, lấy lửa từ bùi nhùi rơm châm vào bó đóm mà đốt vào đáy niêu để nấu cơm.
Công việc tưởng như đơn giản nhưng không phải dễ. Từ việc giã thóc để thành hạt gạo còn nguyên lành, không bị nát thật không đơn giản, vo gạo không để rơi một hạt, rót nước từ quả bầu ra niêu đồng phải giữ cho nước không bị tràn ra. Nếu gạo rơi, nước tràn thì người tham gia sẽ bị loại vì đã phạm quy. Sự tài khéo còn thể hiện trong các động tác đun nấu. Vì cái niêu cơm treo trên chiếc cần tre luôn luôn chuyển động nên cô gái phải lựa theo sự chuyển động đung đưa của chiếc cần thì ngọn lửa mới trùm kín được đáy niêu. Sau những thao tác ấy đợi cho nước trong nồi bắt đầu sôi thì lấy gạo đổ vào, tiếp tục điều tiết lửa thật khéo sao cho nồi cơm khi sôi nước không trào làm cho tắt lửa. Trong suốt quá trình thổi chỉ được dùng đũa bếp khuấy cơm ba lần vào những thời điểm quy định. Khi cơm đã cạn thì bớt lửa kẻo cơm cháy hoặc khê (cơm khê là điều cấm kỵ). Bớt lửa nhưng không được phép rút bớt đóm quăng đi mà phải điều chỉnh bằng cách xoay trở bó đuốc cho đến khi chỉ nghe mùi thơm đã biết cơm chín, không cần phải mở nắp kiểm tra. Cái khó trong cuộc thi là các cô thôn nữ cùng lúc phải tự mình đảm nhiệm rất nhiều khâu, phải thao tác chính xác và tuân thủ theo nhịp trống. Trong khi lửa cháy, cơm sôi, mọi việc tất bật thì những con khỉ xuất hiện, chúng quấy phá, trêu người, vồ lấy dụng cụ, gây khó dễ cho việc giã gạo, thổi cơm. Cùng lúc con quỷ chòng ghẹo những người nấu cơm, lấy hoặc giấu đi bùi nhùi lửa, bầu nước... làm cho việc nấu cơm không thành. Song vượt lên mọi trở ngại, những cô thôn nữ vốn chăm lam, chăm làm, chịu thương chịu khó, thường ngày vốn đảm đang việc đồng áng, lo toan cửa nhà, cơm nước, lại được khích lệ bởi sự động viên, cổ vũ của dân làng và đặc biệt là các chàng trai, họ chú tâm vừa thổi cơm vừa giữ cho con nhái không nhảy ra khỏi đĩa, bảo đảm cho nó được an toàn trước sự rình rập của con cò toan mổ con nhái bất cứ khi nào để làm miếng mồi ngon.
Sau một tuần nhang cháy hết, hiệu trống báo cuộc thi kết thúc, thôn nữ nào thổi được niêu cơm chín tới, thơm dẻo; trong quá trình thi tài, con nhái không nhảy ra khỏi đĩa hoặc bị con cò mổ và bắt mất thì người đó sẽ đoạt giải. Giải thưởng được làng trao là vuông vải nhiễu điều và mấy đồng tiền. Nồi cơm đoạt giải ấy được ban tổ chức rước vào đình dâng cúng thổ công, thần nông và thành hoàng Cao Sơn, Cao Các. Sản phẩm của cuộc nấu cơm thi được dân làng Thượng Bắc coi là thức quý để cúng thần linh với ý nghĩa phẩm vật đó đã được tạo ra từ những gì quý giá, tinh khiết, trong trắng nhất, mất nhiều công sức và được cả cộng đồng ủng hộ từ khâu chuẩn bị đến lúc hoàn thiện sản phẩm biểu trưng cho lòng thành kính của cộng đồng đối với thần linh. Thổi cơm thi phản ánh đậm nét đời sống lao động của cư dân trồng lúa, ý thức tôn trọng sản phẩm nông nghiệp là hạt thóc, hạt cơm - hạt ngọc nuôi sống nhân gian.
Phần thưởng trong ngày hội tuy không lớn nhưng đó là niềm vinh dự, tự hào mà cô gái nào cũng ao ước và mong đạt được. Trong mắt của bà con dân làng và nhất là đối với những chàng trai chưa vợ, thôn nữ đoạt giải trong hội thổi cơm thi ấy không chỉ đẹp người, tốt nết mà người ngoan ấy còn là gái đảm, lo toan, gánh vác việc nhà, việc nước trọn vẹn trước sau.
Thổi cơm thi làng Thượng Bắc là lệ tục cổ có từ thời các Vua Hùng dựng nước, con người hòa với thiên nhiên, nương tựa vào nhau để tồn tại và phát triển. Mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên ấy được phản ánh qua các hình tượng như ông Thổ Địa – thần đất ban phát sự mỡ màu và giúp cho con người sự sống; con khỉ, con cò, con trâu... gần gũi, thân quen với con người, trong đó có những con vật vốn là bạn, giúp việc nhà nông. Cùng với những nhân vật mang tính thiện, hình tượng con quỷ quấy phá trong hội thổi cơm thi phải chăng là hiện thân của thiên nhiên khắc nghiệt, dữ dằn với những trận cuồng phong, lụt lội, hạn hán... luôn gây tai họa, tàn phá cây trái, mùa màng, chính là thành quả và công sức lao động của người nông dân cần cù, lam lũ, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để đổi lấy củ khoai, hạt lúa nuôi sống mình và đồng loại. Ở một góc độ nào đó, quỷ còn biểu hiện cho các thế lực hắc ám, bạo tàn, ăn trên, ngồi trốc ức hiếp, cướp bóc đồng tiền bát gạo của người nông dân trong xã hội tiểu nông manh nha hình thành giai cấp...
Hội nấu cơm thi làng Thượng Bắc là mỹ tục của nền văn minh lúa nước còn lưu giữ trong một số làng xã ở xứ Thanh. Mỹ tục nấu cơm thi nhằm đề cao thành quả lao động của cư dân nông nghiệp để làm ra hạt lúa, hạt cơm chính là những hạt ngọc nuôi sống họ và cả cộng đồng. Lễ hội là dịp tưởng nhớ, tri ân tiền nhân của làng Cao Sơn, Cao Các đã có công phò vua, giúp nước, truyền nghề rèn - chế tác đồng cho dân làng Còng (đúc cồng chiêng). Lễ hội cũng là dịp đua sức, khoe tài thể hiện sự tài khéo của các cô thôn nữ đại diện cho dân làng để khẳng định tài năng của mình, tự tin vươn lên trong cuộc sống. Lễ hội nấu cơm thi là loại hình văn hóa phi vật thể có giá trị lịch sử gợi nhớ về nguồn, giáo dục thẩm mỹ, qua đó còn có sức lôi cuốn, tập hợp mọi người đến hội để cùng cộng cư, cộng mệnh và cộng cảm, vượt lên gian khó gắng công làm cho cuộc sống ngày càng no ấm, yên lành. Những giá trị ấy của hội nấu cơm thi làng Thượng Bắc cần được duy trì và phát huy tác dụng trong cuộc sống không chỉ hôm qua, hôm nay mà cả mai sau.
Sưu tầm