Cập nhật: 10/03/2017 15:26:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hội nghị cấp cao Liên Hợp Quốc (LHQ) khu vực Á-Âu về tăng cường hợp tác thuận lợi hoá trung chuyển, thương mại và thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững sẽ tạo cơ hội để đối thoại về các thách thức làm thế nào để tăng cường hợp tác, thúc đẩy hơn nữa sự phát triển bền vững ở các nước không có biển cũng như các nước láng giềng trung chuyển.

Ảnh: VGP/Hải Minh

Phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị, ông Gyan Chandra Acharya, Phó Tổng thư ký LHQ, đại diện cao cấp Cơ quan đại diện cao cấp về Nhóm các nước kém phát triển, các nước đang phát triển không có biển và các nước đảo nhỏ đang phát triển (UN-OHRLLS) đã nhấn mạnh vai trò của Chương trình nghị sự 2030 và Chương trình hành động Vienna.

Theo đó, Chương trình nghị sự 2030 hướng đến xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển bền vững và bảo vệ môi trường và không để ai bị bỏ lại phía sau. Thương mại đóng vai trò quan trọng và cũng là công cụ thực thi Chương trình nghị sự 2030 và Chương trình cũng xác định thương mại là động lực của tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Chương trình hành động Vienna đã đưa ra khuôn khổ tổng thể để giúp các nước không có biển giải quyết hàng loạt các vấn đề như: Chính sách phát triển hạ tầng cơ sở, thương mại, thuận lợi hóa thương mại quốc tế, hội nhập khu vực và hợp tác kinh tế. Mỗi một lĩnh vực ưu tiên này nêu lên những mục tiêu cụ thể cần đạt được bằng hành động cụ thể của các nước không có biển, các nước quá cảnh và các đối tác phát triển.

“Hội nghị này tạo cơ hội để đối thoại về các thách thức làm thế nào để tăng cường hợp tác, thúc đẩy hơn nữa sự phát triển bền vững ở các nước không có biển, cũng như các nước láng giềng trung chuyển”, ông Gyan Chandra Acharya nhấn mạnh.

Phó Tổng thư ký LHQ cũng đề ra 5 mục tiêu trọng tâm của hội nghị. Thứ nhất là thúc đẩy hơn nữa hợp tác khu vực, cải thiện hạ tầng cơ sở cứng để thúc đẩy luân chuyển hàng hóa giữa các nước không có biển và các nước trung chuyển, rút ngắn thời gian hàng hóa quá cảnh.

Thứ hai là cần phải hài hóa hóa các thủ tục hải quan nhằm bảo đảm rằng các quy định được thực hiện đồng bộ và nhất quán.

Thứ ba là nâng cao vai trò của hệ thống thương mại đa phương, đặc biệt là Hiệp định Thuận lợi hóa thương mại của WTO đã đi vào thực thi từ ngày 22/2.

Thứ tư là thúc đẩy đầu tư của các đối tác phát triển và tổ chức quốc tế, đặc biệt là sự hợp tác của các ngân hàng trong khu vực và ngân hàng quốc tế.

Cuối cùng là hợp tác khu vực và hợp tác đa phương đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc huy động nguồn vốn.

Ông Gyan Chandra Acharya gợi ý: “Chúng ta cần phải biến các nước không có biển thành các nước đóng vai trò kết nối để thúc đẩy quá trình thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững, giúp các nước không có biển và các nước trung chuyển cải thiện hạ tầng của mình, đóng góp nhiều hơn nữa vào phát triển toàn cầu”.

“Cần biến các quốc gia không có biển thành các quốc gia kết nối trên bộ, tầm nhìn là phải có hệ thống đường bộ để kết nối từ những làng mạc xa xôi tới những thị trường quốc tế”, ông Umberto de Pretto, Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải đường bộ quốc tế nhận định.

“Nếu không kết nối được với nhau qua hệ thống đường bộ và hệ thống giao thông vận tải đa phương tiện thì sẽ không thể nào đưa được những doanh nghiệp nhỏ đến với thị trường quốc tế. Vận tải đường bộ sẽ là yếu tố quyết định trong việc đạt được mục tiêu phát triển bền vững”, ông Umberto de Pretto nhấn mạnh.

Ông MukhisaKituyi, Tổng Thư ký Hội nghị LHQ về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho rằng: “Việc hợp tác giữa các nước không có biển, các nước trung chuyển và các đối tác trong khu vực và trên thế giới đóng một vai trò hết sức quan trọng, do vậy các nước không có biển phải đặt ưu tiên cho chính sách để tiếp cận với hệ thống vận tải quốc tế”.

Các nước không có biển vẫn bị gạt ra ngoài lề của thương mại quốc tế. Tỷ trọng xuất khẩu của các nước không có biển trong tổng xuất khẩu của toàn cầu chỉ chiếm 0,96% trong năm 2015, giảm đáng kể so với mức 1,25% vào năm 2011. Tỷ trọng thấp này là do một vài yếu tố như khoảng cách xa từ đất nước của họ tới các cảng biển, hệ thống trung chuyển và vận tải phát triển kém, thủ tục kiểm soát biên giới và quá cảnh rườm rà. Các nước không có biển thường phải trả chi phí cao gấp nhiều lần hơn các nước có biển và mất gấp đôi thời gian để nhận, chuyển hàng hóa của họ tới nước ngoài. Do đó, nền kinh tế của họ trở nên không cạnh tranh và không thu hút được đầu tư nước ngoài.

Các nước có biển cần nỗ lực để giúp các nước không có biển giảm chi phí thương mại và đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu, cũng như thúc đầy sự tham gia của các nước không có biển vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Hội nghị cấp cao Liên Hợp Quốc (LHQ) khu vực Á-Âu về tăng cường hợp tác thuận lợi hoá trung chuyển, thương mại và thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững

do Bộ Ngoại giao Việt Nam và Cơ quan Đại diện cấp cao của LHQ về nhóm UN-OHRLLS phối hợp tổ chức từ ngày 7-9/3.

Hội nghị bao gồm 6 phiên thảo luận chính với các chủ đề: Tăng cường thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững; Hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng trung chuyển - thực tiễn, thách thức và cơ hội; Tăng cường hợp tác về thương mại quốc tế và tạo thuận lợi thương mại; Tăng cường hợp tác về khuôn khổ pháp lý cho trung chuyển giữa hai nước, cấp khu vực và toàn cầu; Chiến lược và chia sẻ kinh nghiệm về thúc đẩy hợp tác hải quan và Tăng cường quan hệ đối tác và các biện pháp thực thi.

 

Theo Chinhphu.vn

Tệp đính kèm