Nghề làm sáo trúc, chuồn chuồn tre, đàn T’rưng gắn bó với người dân xã Đại Đình, huyện Tam Đảo hàng chục năm nay và được coi là nghề phụ ở địa phương. Mặc dù hàng hóa làm ra chỉ tiêu thụ được trong mùa lễ hội, lợi nhuận thấp, song, vẫn có nhiều gia đình bám trụ và duy trì nghề với mong muốn gìn giữ, phát huy nét đẹp truyền thống gắn với văn hóa lễ hội.
Gia đình chị Lê Thị Thúy, thôn Đồng Lính, xã Đại Đìnhchuẩn bị nguồn hàng phục vụ lễ hội Tây Thiên
Có mặt tại Khu danh thắng Tây Thiên vào những ngày sắp diễn ra lễ hội, chúng tôi ghi nhận, sau khi hành lễ, chuẩn bị ra về, rất nhiều du khách còn nấn ná dưới chân núi tìm mua những món đồ lưu niệm về tặng người thân hoặc giữ làm kỷ niệm. Trong đó, nhiều người tỏ ra thích thú với những chiếc sáo trúc, con chuồn chuồn tre hay chiếc đàn T’rưng nho nhỏ làm bằng tre, nứa.
Thích thú ngắm nhìn những con chuồn chuồn sặc sỡ sắc màu, chị Phạm Thị Liên, phường Trưng Trắc, thị xã Phúc Yên vui vẻ cho biết: "Những con chuồn chuồn này rất đẹp và sinh động. Ngoài “xiêm áo” rực rỡ, chúng còn “đậu” được trên ngón tay mình hay bất cứ đồ vật tĩnh nào". Vừa nói, chị Liên vừa để một chú chuồn chuồn màu vàng chanh “đậu” lên đầu ngón tay trỏ của mình. Nhiều du khách thấy vậy cũng lại gần xem và hỏi mua. Do các cánh của chú chuồn chuồn được cân chỉnh đều, chính xác nên chúng ung dung “đậu” rất lâu và vững trãi trên tay mọi người. Ngoài chuồn chuồn tre thì sáo trúc, đàn T’rưng, chim công... cũng là những mặt hàng bán khá chạy. Mặc dù hình dáng chiếc sáo trúc, đàn T’rưng được làm khá nhỏ, song âm thanh của chúng rất thánh thót, véo von mỗi khi được các du khách gõ hoặc thổi.
Rời Khu danh thắng Tây Thiên, chúng tôi tìm về thôn Đồng Lính, xã Đại Đình, Tam Đảo - nơi sản xuất ra các món đồ lưu niệm, và được ông Khổng Văn Phú cho biết: "Nghề làm sáo trúc, chuồn chuồn tre, đàn T’rưng gắn bó với người dân xã Đại Đình gần 20 năm nay, trong đó, tập trung ở 2 thôn Sơn Đình và Đồng Lính. Khoảng 5 năm trước, 2 thôn có đến 30% số hộ làm sáo trúc, chuồn chuồn tre, song, đến nay chỉ còn hơn 10 hộ duy trì nghề do thu nhập thấp".
Để kịp phục vụ mùa lễ hội, các gia đình phải bắt tay vào làm hàng ngay từ tháng 6. Không chỉ phục vụ lễ hội Tây Thiên, một số hộ còn năng động tiếp thị sản phẩm đến các lễ hội lớn như: lễ hội đền Hùng, chùa Hương...
Có dịp chứng kiến một số hộ làm nghề ở thôn Đồng Lính chúng tôi mới thấy hết sự cần mẫn, tỉ mỉ trong mỗi công đoạn làm sáo trúc, chuồn chuồn tre. Để làm ra được một sản phẩm, người thợ phải phơi, cạo nứa sạch sẽ, tiếp đến là các công đoạn: Cưa, vót, đục, đẽo, đóng, gắn, buộc, sơn, vẽ trang trí. Trải qua hàng chục khâu làm thủ công vẫn không vất vả bằng việc lên rừng lấy nứa. Có khi người dân phải băng rừng, lội suối hàng chục km mới tìm được những cây nứa già đạt tiêu chuẩn để làm sáo, đàn T’rưng.
Vừa ngồi vẽ họa tiết trang trí “xiêm áo” cho những chú chuồn chuồn tre, chị Nguyễn Thị Thắng, thôn Đồng Lính cho biết: "Hàng chúng tôi tự làm ra và cũng tự mang đi tiêu thụ nên giá nào cũng có thể bán được. May mắn thì bán được 15.000 - 20.000 đồng/sản phẩm; con không thì 5.000 -10.000 đồng/sản phẩm cũng bán. Do giá thành rẻ nên những người làm nghề chỉ lấy công làm lãi, ngoài ra còn kết hợp thêm chăn nuôi, kinh doanh chứ ít ai sống được bằng nghề."
Theo đánh giá của người dân, năm nay, đồ lưu niệm bán ra được nhiều hơn do số lượng du khách đến với Tây Thiên tăng. Với số lượng tiêu thụ trung bình từ 3.000-5.000 sản phẩm, vào mùa lễ hội, mỗi gia đình sẽ có thu nhập thêm từ 20-40 triệu đồng từ nghề phụ.
Ông Khổng Văn Phú cho biết thêm: "Cả năm bận rộn với nghề, lại phải huy động nhiều thành viên trong gia đình phục vụ làm hàng, bán hàng mà thu nhập chỉ được vài chục triệu đồng nên một số hộ chán nản, bỏ nghề đi buôn, làm thuê tự do hoặc làm cho các công ty. Nghề làm sáo trúc, chuồn chuồn tre ở địa phương đang ngày càng mai một khiến tôi cảm thấy rất tiếc nuối".
Có thể thấy, từ rất lâu, những chiếc sáo trúc, con chuồn chuồn tre hay chiếc đàn T’rưng nho nhỏ luôn gắn liền với lễ hội Tây Thiên. Những món quà lưu niệm của người dân địa phương đã đem đến niềm vui cho nhiều du khách. Do vậy, ngoài mưu sinh, một số hộ dân ở xã Đại Đình vẫn rất nặng tình với nghề phụ này, với mong muốn được gìn giữ, phát huy nét đẹp truyền thống gắn với văn hóa lễ hội.
Sưu tầm