Từ xa xưa, bằng đôi tay khéo léo và giàu trí tuệ, ông cha ta đã làm ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ có giá trị và được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Ngày nay với lòng yêu nghề của những người thợ có tài năng và tâm huyết đã tiếp tục tạo ra những sản phẩm có hồn trong làng nghề Vĩnh Phúc. Nhờ có chính sách đầu tư hỗ trợ phát triển, tổ chức tuyên truyền và xét công nhận làng nghề, vinh danh nghệ nhân, thợ giỏi đã khuyến khích, tạo động lực để gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, trên địa bàn Vĩnh Phúc có hơn 60 làng nghề, trong đó có 19 làng nghề truyền thống được công nhận, chủ yếu ở các nhóm nghề như: mộc, mây tre đan, rèn kim khí, chế tác đá, nuôi và chế biến rắn... Hầu hết các làng nghề sau khi được công nhận vẫn tiếp tục phát huy tiềm năng, không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhiều làng nghề truyền thống đã khẳng định được vị thế trên thị trường như: làng nghề nuôi và chế biến rắn Vĩnh Sơn; làng nghề chế tác đá Hải Lựu; các làng nghề mộc truyền thống ở Thanh Lãng, Bích Chu, Thủ Độ; làng nghề mây tre đan Cao Phong... Sự phát triển của các làng nghề đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động ở nông thôn, chuyển từ lao động nông nghiệp sang làm nghề với mức thu nhập tăng cao. Trong các làng nghề truyền thống được công nhận, lao động phổ thông thu nhập bình quân từ 4-6 trđ/lao động/tháng, những thợ có tay nghề cao có mức thu nhập đạt 9-10 trđ/tháng. Hàng năm, thu nhập từ các làng nghề đóng góp từ 35 – 70% giá trị sản xuất của các địa phương.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, phần lớn các làng nghề truyền thống ở Vĩnh Phúc vẫn đang đứng trước những khó khăn, thách thức rất lớn như: trong các làng nghề chưa có lớp thợ kế cận được đào tạo bài bản để có tay nghề cao, người lao động chủ yếu trưởng thành từ truyền nghề tự do trong làng nghề; thị trường tiêu thụ chủ yếu chỉ bán được ở địa phương và các vùng lân cận; mẫu mã sản phẩm đơn giản, chưa tạo được nét đặc thù riêng để thu hút khách hàng; các doanh nghiệp làng nghề trong tỉnh quy mô nhỏ, lẻ chưa thể là đầu mối bao tiêu, thu mua sản phẩm; nhiều làng nghề chưa đủ điều kiện để xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; người làm nghề chưa được hưởng đầy đủ các chế độ chính sách ưu đãi của nhà nước như: Chính sách cho vay vốn với lãi suất thấp, chính sách đào tạo, nâng cao tay nghề, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hộ lao động; tình hình ô nhiễm môi trường làng nghề ngày càng nghiêm trọng, hầu hết các làng nghề chưa có công trình xử lý chất thải, nước thải hoặc nếu có cũng sơ sài.
Để các làng nghề truyền thống phát triển ổn định và bền vững, trước tiên tự thân các cơ sở sản xuất ở làng nghề phải liên kết lại với nhau thành những hợp tác xã chuyên ngành hoặc doanh nghiệp mạnh ở ngay tại địa phương, đồng thời cần có sự quan tâm của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở bằng các chính sách thiết thực như: Qui hoạch mặt bằng sản xuất; cho vay ưu đãi; hỗ trợ cơ sở vật chất, kỹ thuật; hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề; , xử lý ô nhiễm môi trường; xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó cần tiếp tục quan tâm xét công nhận làng nghề, nghề truyền thống, vinh danh nghệ nhân, thợ giỏi; gắn qui hoạch phát triển làng nghề với qui hoạch phát triển du lịch để tiêu thụ, quảng bá sản phẩm cho các làng nghề.
Thực hiện đồng bộ và hiệu quả những giải pháp nêu trên vừa có vai trò quan trọng trong bảo tồn và khơi dậy tiềm năng phát triển trong các làng nghề truyền thống, vừa góp phần tích cực trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc./.
ST