TP Hà Nội có 1.350 làng nghề, làng có nghề. Trung bình mỗi năm, các làng nghề đóng góp khoảng 15 nghìn tỷ đồng vào GDP của thành phố, giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động nông thôn.
Sản xuất hàng dệt kim tại xã La Phù (huyện Hoài Đức). Ảnh: Thái Hiền
Hiện nay, nhiều làng nghề vẫn giữ tốc độ phát triển ổn định. Đây là lợi thế được thành phố tập trung khai thác theo hướng mỗi xã một nghề, một sản phẩm chủ lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.
Mũi nhọn trong xây dựng nông thôn mới
Xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức) có nghề chế biến tinh bột sắn thu hút hàng trăm hộ gia đình tham gia. Ông Phí Đình An, Chủ tịch UBND xã cho biết, làng nghề truyền thống của xã đã tạo việc làm cho hơn 5.000 lao động, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Năm qua, thu nhập bình quân đầu người của xã Dương Liễu đạt trên 36 triệu đồng, nhờ vậy tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 1,1%. Đời sống người dân ngày càng nâng cao, các hộ dân có điều kiện tham gia đóng góp nhiều hơn cho xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến hết năm 2016, xã Dương Liễu đã hoàn thành xây dựng NTM, trong đó, người dân và doanh nghiệp tham gia đóng góp được 366 triệu đồng để xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn.
Theo thống kê, TP Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề, làng có nghề, chiếm trên 60% số làng của thành phố. Trong đó, 297 làng được thành phố công nhận là làng nghề. Làng nghề Hà Nội đã thu hút 175.000 hộ gia đình, 2.063 công ty cổ phần, 4.562 công ty TNHH, 1.466 doanh nghiệp tư nhân, 164 HTX và 50 hội, hiệp hội tham gia sản xuất kinh doanh. Theo ông Lê Thiết Cương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, các làng nghề đã giải quyết nhiều việc làm cho lao động nông thôn, nhất là trong bối cảnh Hà Nội hoàn thành dồn điền đổi thửa, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, lao động nông nghiệp dôi dư nhiều.
Trên thực tế, trong quá trình xây dựng NTM, xã nào có ngành nghề phụ phát triển thì ở đó kinh tế và thu nhập của người dân cao hơn những xã thuần nông. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 33 triệu đồng/năm, trong đó, thu nhập bình quân ở làng nghề từ 35 đến 40 triệu đồng. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống người dân, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và làm nên thành công trong chương trình xây dựng NTM của Thủ đô với 255/386 xã đạt tiêu chí xã NTM.
Đẩy mạnh phát triển ngành nghề
Phát triển mỗi xã một nghề, một sản phẩm chủ lực là mục tiêu đang được Bộ NN&PTNT đẩy mạnh, nhân rộng ở nhiều địa phương. Theo đó, đối với những làng đã có nghề, có sản phẩm được tạo ra, thì ưu tiên hỗ trợ cải tiến mẫu mã, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm; những làng có nhiều nghề, nhiều sản phẩm thì lựa chọn ra ít nhất một nghề có sản phẩm mang nét đặc trưng nhất về địa lý, phong tục, văn hóa địa phương để hỗ trợ; làng chưa có nghề, chưa có sản phẩm đặc trưng nổi bật thì khai thác thế mạnh của địa phương để phát triển các ngành nghề dịch vụ, tạo công ăn việc làm cho người dân.
Bám sát chủ trương này, nhiều địa phương của Hà Nội đã đẩy mạnh phát triển ngành nghề mở ra một triển vọng lớn trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đơn cử như làng nghề dệt kim La Phù (huyện Hoài Đức) phát triển tốt ngành nghề chủ lực đem lại giá trị sản xuất trung bình đạt 810 tỷ đồng/năm...
Với những lợi thế có sẵn, những năm qua, TP Hà Nội đã có nhiều hỗ trợ để bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề. Thành phố đã chỉ đạo triển khai xây dựng quy hoạch phát triển nghề, làng nghề TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; đề án bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề đến năm 2020; các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển làng nghề kết hợp với du lịch, xuất khẩu, trong đó có chương trình mỗi làng một sản phẩm... Tiếc là, hiện nay làng nghề Hà Nội vẫn còn một số tồn tại như: Tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn chưa khắc phục triệt để; việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn nhiều hạn chế…
Khắc phục hạn chế trên, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ chú trọng hơn công tác đào tạo nghề, nhân cấy nghề cho lao động nông thôn; quan tâm đến chất lượng đào tạo để người học nghề tạo ra được các sản phẩm có chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó là tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, tập trung cho công tác xây dựng, phát triển thương hiệu cho các làng nghề, sản phẩm làng nghề; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, vận động khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia hội chợ trong nước và nước ngoài.
Mới đây, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 36/KH-UBND về hoạt động của Ban Chỉ đạo Phát triển nghề và làng nghề của thành phố năm 2017. Theo đó, cùng với công tác tuyên truyền, chính sách phát triển nghề, làng nghề; tập huấn nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp cho các cơ sở sản xuất; tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất; hỗ trợ một số dự án đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tại các làng nghề..., công tác bảo vệ môi trường được thành phố quan tâm nhiều hơn, tạo động lực cho làng nghề phát triển bền vững.
ST