Làng rèn Lý Nhân hay còn gọi là làng rèn Bàn Mạch thuộc xã Lý Nhân, phía Tây huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Từ xa xưa nơi đây nổi tiếng với những sản phẩm dao thép mà hiếm có vùng nào sánh kịp. Trong nền kinh tế hội nhập mở cửa của thời đại mới, những sản phẩm với mẫu mã đa dạng đẹp mắt từ nước ngoài tràn vào khiến biết bao nhiêu lò rèn đã phải ngậm ngùi đóng cửa vì ế ẩm. Nhưng những sản phẩm đến từ làng rèn Lý Nhân, Vĩnh Tường vẫn tồn tại và phát triển.
Nghề rèn Lý Nhân đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc công nhận là làng nghề truyền thống năm 2006. Dù có rất nhiều nhà sử học đến tìm hiểu và nghiên cứu về nguồn gốc của làng rèn mà đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính xác. Ngay cả những người dân trong làng cũng không ai biết rõ nghề rèn bắt đầu từ bao giờ, nhưng suốt hàng trăm năm qua nghề rèn vẫn được cha truyền con nối, âm thầm bền bỉ phát triền mà không hề bị mai một. Cũng có tục truyền rằng xưa kia làng rèn rất nghèo, có một lần Quan Quận Công về làng, trông thấy làng xóm sơ xác tiêu điều, ông đã trực tiếp mở lò rèn và đón thợ giỏi về dạy cho nhân dân biết cách rèn dao, cuốc, xẻng…. Làng rèn Lý Nhân có từ đó và tồn tại cho đến ngày nay.
Các công cụ lao động được làm ra từ làng
Bước trên đường làng nghe văng vẳng khắp xóm là tiếng đe và tiếng búa leng keng. Có lẽ cũng bởi vậy những người dân nơi đây đã gắn bó và trưởng thành từ âm thanh quen thuộc đó. Khi đến thôn Bàn Mạch mọi người sẽ ngỡ ngàng với sự thay da đổi thịt chóng mặt của làng nghề, con đường làng được trải rộng hơn, những ngôi nhà nhỏ tiêu điều được thay thế bằng những căn nhà hai, ba tầng khang trang đẹp đẽ, người dân cũng ấm no đầy đủ hơn.
Tâm sự với chúng tôi, ông Trần Văn Phẩm, một thợ rèn lành nghề trong làng nói: “ Đối với chúng tôi, nghề thợ rèn không chỉ là một người thợ, mà còn là một nghệ nhân, người thợ rèn không chỉ đòi hỏi có sức khỏe mà còn yêu cầu sự khéo léo của đôi tay lành nghề”. Khác với nhiều năm về trước, các công đoạn đều được làm thủ công và đòi hỏi nhiều sức người. Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học kĩ thuật, máy móc dần dần được đưa vào quy trình sản xuất, giúp người thợ không còn vất vả như xưa. Các hộ đã tự trang bị cho mình các loại máy móc để giải phóng sức lao động như máy mài, máy cán thép, búa máy, máy dập, máy cắt gọt kim loại, máy phay... Đây cũng là phương pháp sản xuất theo hướng hiện đại tập trung quy mô lớn, chuyên môn hóa ngành nghề, từ đó phát triển làng nghề rèn Lý Nhân ngày càng bền vững, tạo dựng thương hiệu riêng của một làng rèn truyền thống.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa tất cả các công đoạn đều được thay thế bởi máy móc, có những công đoạn vẫn đòi hỏi kinh nghiệm, sự khéo tay lành nghề của người thợ mới có thể làm ra một sản phẩm tốt, chất lượng. Đối với những nghệ nhân lành nghề trong làng họ đã quá quen thuộc với ánh lửa lò than với tiếng mài tiếng búa. Đôi tai và con mắt của người thợ lâu năm trong nghề chỉ cần nhìn vào hoa lửa bắn ra hoặc nghe tiếng máy kêu cũng có thể biết được sản phẩm đã hoàn thiện hay chưa, vật rèn vào lò nung đang ở trạng thái nào, độ phát sáng ra sao, tôi vào lúc nào, ủ như thế nào bởi chỉ cần tôi thép già hay non một chút là sản phẩm sẽ không đạt chất lượng. Đối với những người yêu nghề như ông Phẩm điều khiến ông băn khoăn trăn trở là làm sao chất lượng mỗi sản phẩm đưa ra thị trường đều đạt yêu cầu của khách hàng, xứng đáng với danh tiếng làng nghề đã tồn tại hàng trăm năm nay. Bởi vậy, quan điểm lấy chất lượng làm đầu đã trở thành luật “bất thành văn” của làng.
Dưới sức cạnh tranh mạnh cả về chất lượng lẫn giá cả đến từ những thị trường nước ngoài, thì những sản phẩm của làng nghề rèn Lý Nhân vẫn luôn có vị trí nhất định trên thị trường. Những sản phẩm đến từ làng rèn Lý Nhân rất đa dạng phong phú muôn hình muôn vẻ, đáp ứng đầy đủ những yêu cầu trong đời sống của người dân, chủ yếu phục vụ trong lĩnh vực nông nghiệp như liềm, cuốc, xẻng, dao, kéo, mác… Thị trường chủ yếu của làng nghề Lý Nhân gồm các tỉnh miền núi phía bắc, đồng bằng sông Cửu Long và ngoài ra còn mở rộng ra các thị trường nước ngoài như Lào, Campuchia …
Tham quan làng nghề, khách du lịch được tận mắt nhìn thấy sản phẩm, cách một con dao, cái búa… được làm ra như thế nào, tìm hiểu quy trình sản xuất, lịch sử hình thành phát triển nghề rèn. Trải nghiệm là một phần không thể thiếu của du lịch làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, nghề rèn lại là nghề khá khó đối với những người mới, chưa từng được học hành bài bản, vậy nên du khách đến tham quan làng nghề chỉ có thể tham gia một số công đoạn đơn giản trong quy trình sản xuất như: đe, mài…Do làng nghề vẫn chủ yếu làm để phục vụ nhu cầu sản xuất, nên để tham quan một quy trình sản xuất hoàn thiện cần thời gian từ 1-2 ngày.
Làng rèn Lý Nhân đến nay hầu hết vẫn được hoạt động chủ yếu dưới hình thức hộ gia đình nhỏ lẻ. Điều thú vị khi đến Lý Nhân, đó là mỗi hộ gia đình trong làng đều sản xuất những mặt hàng khác nhau, bạn có thể tham quan, đi vòng quanh làng bạn để tìm hiểu và tham quan được rất nhiều sản phẩm khác nhau, khá mới lạ và độc đáo như liềm miền nam, móc, giáo…Ngoài ra, bạn có thể mua các sản phẩm đem về sử dụng, giá cả không quá đắt mà chất lượng luôn đảm bảo, tự tay làm một con dao hay chiếc búa dưới sự hướng dẫn của những người thợ lành nghề cũng là một ý tưởng không tồi.
Nhằm tạo điều kiện để người dân phát triển làng nghề truyền thống, các cấp chính quyền và ngành chức năng ở Vĩnh Phúc đã tạo điều kiện cho người dân vay vốn, cấp đất sản xuất giúp các cơ sở mở rộng quy mô nghề ra khỏi phạm vi thôn xóm với diện tích hơn 3 ha cho hàng chục hộ có nhu cầu mở rộng sản xuất và đầu tư máy móc thiết bị. Mỗi ngày khu làng nghề có thể làm ra hàng vạn sản phẩm. Ngoài ra, UBND xã Lý Nhân đã thành lập Hiệp hội làng nghề, với sự tham gia tích cực của những người thợ lành nghề trong làng, họ cùng nhau giúp đỡ trao dồi và học hỏi kinh nghiệm. Mặc dù, phát triển du lịch kết hợp làng nghề vẫn là một bài toán khó đối với người dân cũng như những vị lãnh đạo của làng rèn Lý Nhân nhưng đó cũng là một tiềm năng đang và sẽ phát triển giống như ánh lửa lò than tại làng rèn vẫn luôn luôn đỏ lửa.
Hi vọng với những ứng dụng của kĩ thuật công nghệ vào sản xuất và sự ham học hỏi yêu nghề của những người thợ, làng rèn Lý Nhân sẽ ngày càng phát triển, đem lại sự ấm no giàu mạnh cho những người dân nơi đây.
ST