Đã xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia theo quyết định số 2379/ QĐ- BT ngày 05 tháng 9 năm 1994 thuộc xã Lũng Hòa, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
Sử cũ đã ghi, trong thời kì đầu Bắc thuộc, vào những năm 40 – 43, quê hương Lũng Hòa lúc bấy giờ là hai làng: Lũng Ngòi (tức Lũng Ngoại) và Đàm Luân (tức Hòa Loan) có người con ưu tú Lê Ngọc Chinh, tham gia khởi nghĩa cùng Hai Bà Trưng chống quân Đông Hán.
Theo truyền thuyết, Lê Ngọc Chinh là con của ông Lê Hoàn và bà Nguyễn Thị Tấn người làng Lũng Ngòi. Hai ông bà ăn ở hiền từ nhân đức nhưng lại hiếm muộn đường con cái. Ông Lê Hoàn có nghề bốc thuốc chữa bệnh khá nổi tiếng. Trong một lần đi hái thuốc ở Đàm Liên (Đầm Sen), trời đã xế chiều, hai ông bà ngồi nghỉ bên bờ đầm ngắm cảnh, chợt thấy giữa mặt hồ hiện ra một chiếc thuyền nhỏ, trên thuyền có hai người con gái thắt lưng bao đỏ buông tóc đưa chèo, cũng chỉ thấp thoáng trong chốc lát rồi cả thuyền cả người biến đi trong làn sương mỏng. Cùng lúc ấy, bay ngang qua bầu trời một đôi chim phượng màu lông rực rỡ. Sau lần đó, trở về nhà bà Tấn thụ thai rồi sinh đôi hai người con gái. Người chị là Ngọc Thanh (tục gọi là Ả Chàng), còn Ngọc Chinh là em (tục gọi là Ả Chạ). Hai nàng càng lớn càng xinh đẹp, nết na, thông minh nổi tiếng một vùng. Ngọc Thanh thạo đường thêu thùa may vá, Ngọc Chinh lại ham cung kiếm, tìm hiểu binh pháp, khí phách hơn người.
Lúc bấy giờ, dưới ách đô hộ của nhà Đông Hán, đứng đầu là Thái thú Tô Định, nhân dân ta vô cùng cực khổ. Năm hai chị em 19 tuổi, Ngọc Thanh bị tên quan đô hộ nhà Hán cưỡng bức bắt làm tiểu thiếp. Ngọc Thanh uất ức, nhịn ăn cho đến chết. Tin dữ bay về Lũng Ngòi, ông bà Lê Hoàn một phần căm phẫn bọn quan quan đô hộ ức hiếp, phần nữa vì quá xót thương con, cũng lâm bệnh rồi lần lượt qua đời. Gia đình bốn người nay chỉ còn lại một mình Ngọc Chinh, mối thù quân đô hộ nhà Hán ngụt cháy trong lòng người thiếu nữ trẻ. Được sự giúp đỡ của ông cậu, Ngọc Chinh đã nuốt hận để ra sức học tập binh pháp, ngầm tập hợp dân binh, luyện tập võ nghệ và đi khắp vùng xung quanh tìm người cùng chí hướng chống lại ách đô hộ của nhà Hán. Bà được mọi người tôn làm chủ soái, lấy Đàm Luân làm soái sở, tế cờ, lập thành giang sơn riêng, không tuân thủ lệnh của Phủ Thái thú, không chịu nộp sưu dịch, thuế khóa cho chúng. Năm 20 tuổi, hưởng ứng lời kêu gọi “Đền nợ nước, trả thù nhà” của Hai Bà Trưng, Bà kéo quân về hội quân với Hai Bà, giương cao cờ khởi nghĩa chống quân Tô Định. Bà được Trưng Trắc ngợi khen và trao cho ấn Tả Tướng quân. Bà đã đánh thắng nhiều trận, lập được nhiều chiến công lớn, trong đó phải kể đến trận cướp đoàn thuyền lương của giặc (do Lưu Ưng Khâm chỉ huy) ở đoạn sông Hồng thuộc xã Cao Đại ngày nay. Bà được Trưng Trắc phong đến Đại Tướng quân, chiến đấu ở mặt trận Tây Vu. Dưới sự chỉ huy thông minh, tài tình của Bà, hàng chục thành lũy của quân giặc đã về tay quân ta. Một vùng đất rộng mênh mông từ sông Lô đến sông Gâm sạch bóng quân xâm lược. Bà trở thành vị tướng có nhiều mưu lược, kế sách và dũng cảm, là một trong hai mươi vị tướng tài giỏi dưới thời Hai Bà Trưng, được Hai Bà Trưng ban cho tám chữ vàng “Quần thoa hào kiệt – Dũng lược tuyệt trần” và một chiếc trống đồng lớn làm hiệu lệnh trong quân. Dẹp xong giặc Tô Định, Trưng Trắc lên ngôi vua, phong cho Lê Ngọc Chinh làm Ngọc Phượng Công chúa và cử Bà về trấn giữ nơi quê nhà.
Năm 43, tướng Hán là Mã Viện cử Lưu Long đem quân đến đánh Đàm Luân. Một trận đánh lớn đã diễn ra tại Gò May (thuộc thôn Hòa Loan ngày nay). Tương truyền, trong lúc tả xung hữu đột thì vũ khí của Bà bị gãy, Bà liền lấy bao lưng buộc đá làm trùy tiếp tục đánh giặc. Nhưng do thế giặc quá mạnh, quân tiếp viện chưa kịp ứng cứu, quân ta dần rơi vào thế bị động. Bà bị dồn đến bờ Đầm Sen. Biết cơ sự không còn cứu vãn được nữa, Bà đã nhảy xuống Đầm Sen tuẫn tiết. Năm ấy, Bà vừa 23 tuổi. Theo thần phả, Bà sinh ngày 10 tháng 9 năm Canh Thìn (năm 20), mất ngày 4 tháng Giêng năm Quý Mão (năm 43).
Để tưởng nhớ vị Nữ anh hùng Quần thoa hào kiệt của quê hương có công lao đánh giặc, người dân Lũng Hòa đã lập đền để làm nơi thờ phụng.
Đền Ngòi là nơi thờ chính vị nữ tướng Lê Ngọc Chinh tọa lạc trên một khu đất rộng và cao, luôn được nhân dân gìn giữ, tu sửa nên còn khá nguyên vẹn. Đền Ngòi tuy có quy mô khiêm tốn nhưng thể hiện được đường nét kiến trúc tài hoa, độc đáo và tỏa thần khí uy nghiêm. Các đường nét chạm trổ, hoa văn, họa tiết trang trí rồng phượng, hoa lá mềm mại, tinh xảo trên các chi tiết, vật liệu kiến trúc. Cùng với Đền Ngòi, còn có hai ngôi đình ở thôn Đông và thôn Nam, là nơi thờ vọng Nữ tướng Lê Ngọc Chinh.
ST