Khu dịch vụ nghề cá trên đảo Đá Tây thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: ANH TUẤN
Ngày 1-3-2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 47/2006/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020” (Đề án Tổng thể) và giao cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện. Đến nay, sau hơn mười năm triển khai Đề án, tuy đạt được nhiều thành tựu, nhưng cũng còn nhiều việc phải làm.
Kết quả bước đầu
Trong giai đoạn từ năm 2006 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành bốn Quyết định phê duyệt 44 Dự án về điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Đến nay, một số dự án đã được chuyển giao vào thực tiễn và đang góp phần thiết thực vào sự nghiệp phát triển kinh tế biển, bảo vệ an ninh quốc gia trên biển. Tiêu biểu như, đã xác lập được luận cứ khoa học về đặc điểm địa chất, qua đó củng cố các cơ sở khoa học để nước ta đệ trình lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa mở rộng vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ra 350 hải lý theo Công ước 1982 mà nước ta là một thành viên. Hay việc cung cấp các số liệu quan trọng về hiện trạng, dự báo tiềm năng tài nguyên, môi trường biển và hải đảo phục vụ công tác lập quy hoạch, kế hoạch khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế biển bền vững. Đề án cũng đã đưa lại các phát hiện quan trọng về tiềm năng khoáng sản biển như: khoáng sản vật liệu xây dựng, khoáng sản ti-tan ven biển, kim loại đáy biển và nhất là việc phát hiện thêm các khu vực có dấu hiệu khí hydrate và khu vực chứa dầu khí. Các dữ liệu về địa chất công trình quanh các đảo, bãi cạn, bãi ngầm và một số khu vực ven bờ biển là cơ sở để thiết kế, bố trí, xây dựng các công trình phòng thủ trên biển trong bối cảnh an ninh trên biển đang có những diễn biến phức tạp. Chưa kể, các dữ liệu về hiện trạng, tiềm năng tài nguyên đất, tài nguyên nước mặt, tài nguyên nước dưới đất tại một số khu vực ven biển và một số đảo; các diễn biến xói lở, bồi tụ cửa sông, ven biển có giá trị hết sức quan trọng cho nhiều mục tiêu khác nhau phục vụ phòng chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng. Kết quả điều tra của Đề án Tổng thể là những dữ liệu quan trọng phục vụ xây dựng cơ chế, chính sách, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, lập quy hoạch sử dụng biển.
Những hạn chế
Bên cạnh những chuyển biến tích cực, công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo vẫn còn những hạn chế như: các Dự án hiện nay chủ yếu điều tra ở các vùng biển ven bờ, vùng biển nông, chỉ có một số ít các Dự án điều tra cơ bản ở vùng biển sâu, biển xa. Đến nay, chỉ có chín trong tổng số 44 Dự án được phê duyệt danh mục có phạm vi điều tra cơ bản ở vùng biển sâu, biển xa. Trong đó, có bốn Dự án đã và đang thực hiện (chiếm gần 10%). Trong khi đó, việc điều tra cơ bản ở vùng biển sâu, biển xa là rất quan trọng vì vùng biển sâu, biển xa chứa nhiều tài nguyên quý hiếm, có giá trị kinh tế cao như: dầu khí, khí hydrate,… đồng thời việc triển khai thực hiện dự án ở vùng biển sâu còn nhằm khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển.
Diện tích các khu vực biển được tiến hành điều tra, khảo sát vẫn còn ít, việc thành lập bản đồ về tài nguyên, môi trường biển chủ yếu là ở tỷ lệ nhỏ (chủ yếu ở tỷ lệ từ 1/100.000 - 1/500.000) chưa đáp ứng được với yêu cầu về số liệu điều tra để phục vụ công tác lập quy hoạch sử dụng biển. Công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống hóa cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển quốc gia còn chậm. Hệ thống thiết bị phục vụ công tác điều tra cơ bản còn rất thiếu và chưa đồng bộ, các thiết bị này chủ yếu phục vụ công tác điều tra, khảo sát ở vùng biển nông, chưa có nhiều trang thiết bị điều tra, khảo sát ở vùng biển sâu, biển xa.
Đội ngũ cán bộ quản lý và điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển chưa nhiều, chưa đồng bộ về các chuyên ngành. Cơ sở đào tạo trong nước còn nhỏ bé; chưa có đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành; chưa xây dựng được lực lượng chủ lực để thực hiện những nhiệm vụ chiến lược lớn về biển của Nhà nước. Chưa kể, quan hệ hợp tác quốc tế ngày càng được mở rộng hơn, song cho tới nay công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo nước ta chưa có được vị trí xứng đáng trong quan hệ quốc tế.
Giải pháp tháo gỡ
Để tăng cường công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trong giai đoạn phát triển mới, ngày 1-10-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 25/CT-TTg về tăng cường công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Theo đó cần “Triển khai đánh giá, tổng kết Đề án Tổng thể, xây dựng Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo theo quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo”. Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đưa nhiệm vụ xây dựng Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo vào Chương trình công tác năm 2017 của Chính phủ. Trong đó, sẽ tập trung ưu tiên một số nhiệm vụ như: Xây dựng và triển khai thực hiện các Dự án điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (ở các tỷ lệ), chú trọng điều tra ở vùng biển sâu, biển xa và vùng biển quốc tế liền kề, điều tra phát hiện các tài nguyên mới, tài nguyên quý hiếm. Đây sẽ là giải pháp hữu hiệu góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế biển, đồng thời gắn liền với đấu tranh giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền và an ninh quốc phòng trên biển.
Điều tra chi tiết tài nguyên ở một số khu vực có tiềm năng tài nguyên, khoáng sản; điều tra, quan trắc, giám sát, quản lý chặt chẽ môi trường tại một số khu vực ven biển, nơi tập trung hoạt động của khu công nghiệp có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường cao từ các hoạt động xả thải, hoặc một số khu vực có môi trường nhạy cảm, có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao do chịu ảnh hưởng của tự nhiên.
Hoàn thiện hệ thống hóa cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo để chia sẻ, sử dụng thông tin dữ liệu điều tra. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực nghiên cứu, quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; nhất là đào tạo ứng dụng chuyển giao công nghệ, lực lượng chủ lực để thực hiện những nhiệm vụ chiến lược lớn về biển của Nhà nước trong giai đoạn sắp tới.
Tăng cường đầu tư phương tiện, trang, thiết bị phục vụ công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo để điều tra ở vùng biển sâu, biển xa, điều tra phát hiện các tài nguyên mới, tài nguyên quý hiếm. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về nghiên cứu biển, hải đảo, trong đó chú trọng hợp tác đào tạo và nghiên cứu, điều tra phát hiện các tài nguyên mới, tài nguyên quý hiếm, ứng dụng chuyển giao công nghệ.
Nguyễn Thạch Đăng
Cục trưởng Quản lý điều tra cơ bản biển và hải đảo, Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường)
Theo nhandan.com.vn