Cập nhật: 16/03/2017 11:41:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Từ gánh gốm thuê cũng đủ sống quanh năm

Đến bây giờ, khi nói về làng gốm Hiển Lễ (thuộc xã Cao Minh, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) thì không ai biết chính xác làng có lịch sử bắt đầu phát triển từ thời nào. Theo cụ Nguyễn Hải Định (Chi hội trưởng Hội người cao tuổi thôn Hiển Lễ): Từ thời Hùng Duệ Vương, tại đất Sáo Sơn, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) có người họ Vũ, tên Lực, tự là Hà Tân, hiền lành, nhân đức, phúc hậu, chuyên đào đất làm nồi. Công việc đó cho ông có cuộc sống no đủ, nhưng ông lại không có con dù có hai bà vợ. Sau này ông hiểu ra rằng, có tiền có của mà không có con cũng chẳng nghĩa lý gì, nên ông khăn gói đi khắp nơi, nơi nào nghèo đói ông sẵn sàng giúp đỡ.

Làng gốm Hiển Lễ. Những sản phẩm của làng gốm Hiển Lễ nay là ít ai nhớ tới… (ảnh nhỏ). Ảnh: LN

Một lần đi đến Hiển Lễ (tên Nôm xưa cũ là Kẻ Dẫy) ông thấy “đất đai rộng đẹp, là nơi long hổ lạc về, núi sông có tình, nhưng dân thì đói khổ lạc hậu”. Ông liền dạy cho dân cách làm gốm, nặn nồi đem bán. Về sau, một đêm ông nằm mơ thấy có người bảo rằng nên đem hài cốt cha đến Sáo Sơn chôn cất thì sẽ có con và được người đời lưu nhớ. Tỉnh mộng, ông đã làm theo. Đúng một trăm ngày sau, ông hay tin vợ có thai, và cũng từ đó ông ốm nặng rồi qua đời. Người con sinh ra được đặt tên là Trường Sinh. Lớn lên trong đói khổ nhưng chàng lại siêng năng học hành. Dưới thời Hùng Duệ Vương, giặc giã tung hoành, Trường Sinh đã đứng lên giúp vua dẹp giặc. Sau này, cả ông tổ nghề Vũ Lực cùng gia đình Trường Sinh đều được người dân thờ cúng ở làng Hiển Lễ.

Nói về Hiển Lễ, người dân nơi đây cho biết, vùng đất này nằm bên nhánh con sông Cà Lồ với các bến Vam và Nam Viêm mà sách "Đại Nam nhất thống chí" đã ghi chép rất tỉ mỉ. Chính vì nằm cận kề với ngã ba sông, nơi bắt đầu của những tuyến thương mại đường sông trên vùng Trung du Bắc Bộ nên gốm Hiển Lễ từ lâu đã nổi danh xa gần. Về độ bền, đẹp, tỉnh xảo thì gốm Hiển Lễ chẳng thua kém gì gốm xứ Quế hay xứ Bát Tràng. Chả thế mà cách đây năm sáu chục năm, người từ Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hưng Yên, rồi người từ Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ,... khua chèo vào đây mua gốm mang đi muôn phương. Cụ Nguyễn Thị Vinh (80 tuổi) cho biết, ngày xưa khắp nơi đói khổ, nhưng người dân làng Hiển Lễ chỉ riêng việc gánh gốm thuê từ làng ra thuyền cho thương lái cũng đủ tiền đong gạo cho cả nhà ăn quanh năm.

Trải qua hàng nghìn năm, làng gốm vẫn giữ nguyên được những nết độc đáo của mình, ấy là bởi, để bí mật làng nghề không được truyền ra ngoài, người Hiển Lễ đã lập lời thề chỉ cho phép dựng vợ gả chồng cho người trong làng. Lệ làng qui định các thành viên trong làng không được truyền nghề cho dân ngụ cư. Nếu ai truyền nghề cho người ngoài làng sẽ bị “cắt ngôi trừ ngoại”, nghĩa là sẽ không có ngôi thứ trong làng, dòng họ bị phạt vạ, dân làng xa lánh, khinh rẻ, bị cô lập, cả làng không ai giúp đỡ và tiếp xúc. Tuy nhiên, từ một làng nghề nổi tiếng khắp nơi hàng nghìn năm trước, nay mọi thứ đã đổi thay, người dân không còn hào hứng làm nghề vì không còn mang lại giá trị kinh tế nữa. Và vào đúng thời điểm cách đây 3 năm, lò gốm cuối cùng của làng đã phải phá bỏ. Chấm dứt một trong những làng nghề lâu đời và nổi tiếng nhất Việt Nam.

Đến sự quên lãng

 

Cụ Vinh với những tiếc nuối về làng nghề nổi tiếng một thời.

Cụ Vinh với những tiếc nuối về làng nghề nổi tiếng một thời.

Nói về sự “biến mất” của làng gốm Hiển Lễ, chúng tôi đã ngồi trò chuyện với cụ Nguyễn Thị Vinh, một trong những “già làng” hiện nay. Cụ Vinh cho biết, chỉ cách đây hơn hai chục năm, cả Hiển Lễ tràn ngập gốm. Nhà ai cũng tham gia làm nghề, và ngay cả đứa trẻ 3 tuổi cũng đã biết chuốt gốm rất thành thục. Nhưng cách đây 5, 6 năm, khi những đồ dùng hiện đại ngày càng phổ biến thì nghề gốm cứ lụi dần, từ một nhà, rồi mười nhà lan đến cả làng... chán gốm. Họ chán vì sản phẩm làm ra bán không ai mua, họ chán vì không thể làm giàu, thậm chí là khó có thể mưu sinh được từ nghề gốm.

Như ông Dương Văn Thịnh, người từng nghĩ phải giữ lại nghề cha ông. Nhưng rồi đống gốm trong kho cả chục năm tồn ế không bán được, cả làng đã bỏ nghề nên thấy mình lạc lõng quá. Chìa đôi tay nhăn nhúm, cụ Nguyễn Đình Minh (82 tuổi), là hậu duệ đời thứ 7 theo nghề gốm tự trách: “Chính đôi tay này đây đã nặn nên biết bao là nồi, biết bao là ấm, là chum, là vại. Thế nhưng cũng chính đôi tay này đã phải vứt bỏ cái bàn chuốt đi. Tiếc. Tiếc lắm. Nhưng đành chịu!”.

 

Còn cụ Nguyễn Duy Nhân ngậm ngùi, chép miệng: Ngày giỗ tổ nghề, nhưng các cao niên không mấy ai ra đường, nghề bị mai một nhanh quá. Những người già yêu nghề, tâm huyết, có tay nghề cao còn khoảng chục người nữa. Nếu như một ngày họ mất đi thì có lẽ bí quyết truyền nghề chỉ còn trong quá khứ... Những tưởng, với sự yêu quý, nâng niu, trân trọng ấy, làng gốm Hiển Lễ sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn, trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây. Thế nhưng, thời cuộc đã làm cho gốm Hiển Lễ cứ mai một dần đi, dù có nuối tiếc nhưng đành “lực bất tòng tâm” bởi quy luật nghiệt ngã của thị trường.

ST

Tệp đính kèm