Cập nhật: 17/03/2017 11:20:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

“Nơi sông Đà vặn mình rung núi/ Lối Ma Ly Pho là sợi chỉ xuyên qua xống váy mèo/ Thị xã nhỏ như chiếc cúc áo cài trên ngực đất nước/ Núi hai đầu mây đến đá lông nheo”. Đó là những câu thơ của thi sĩ Trần Mạnh Hảo viết về thị xã Lai Châu thời xa vắng. Trên đỉnh trời Tây Bắc ngày hôm nay, “viên ngọc quý” Mường Lay “thức tỉnh” chào đón mùa xuân tươi sáng.


Mường Lay hôm nay

Chúng tôi tìm về Tây Bắc khi những nụ hoa rừng ban đang “hé môi” chào mừng mùa xuân mới. Vượt qua những con đường ngoằn ngoèo, uốn lượn quanh núi đồi, đứng trên một điểm cao của quốc lộ 6 buông ánh nhìn về phía bao la, thị xã Mường Lay hiện ra xinh đẹp như nhành lan trắng, tinh khiết bung nở sớm tinh sương.

Đến với Thị xã Mường Lay những ngày xuân chạm ngõ, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của một khu đô thị “có một không hai” của đất nước. Đó là những “phố nhà sàn” trải dài hai bên bờ như suối tóc dài của thiếu nữ, soi bóng xuống mặt hồ thủy điện Sơn La. Trên lòng hồ, những con thuyền đánh bắt cá, thuyền đưa du khách xuôi ngược cùng những bè cá nhấp nhô giữa núi đồi. Nhiều người ví von rằng, Mường Lay chẳng khác nào Hạ Long của Tây Bắc.

Ngắm nhìn sự thịnh vượng của thị xã Mường Lay ngày hôm nay, ít ai biết được rằng, cái thị xã “nhỏ như chiếc cúc áo” này đã trải qua những năm tháng nổi chìm dâu bể, với biết bao cam go, vất vả giữa lũ quét và kế sinh nhai.

Trước khi có cái tên như bây giờ, Mường Lay vốn là một thị xã nhỏ của tỉnh Lai Châu cũ, một trong những thị xã nhỏ nhất nước với diện tích rộng chưa đến 12 nghìn ha, gồm 2 phường và 1 xã. Trung tâm thị xã này nằm trong một thung lũng hẹp, dài, nơi ngã ba giao cắt giữa sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay. Cũng vì nằm thấp ở ven sông, nên trận lũ quét lịch sử năm 1990 đã nhấn chìm thị xã nhỏ bé khiến hơn 250 người bị thương và mang đi 72 sinh mạng đồng bào.

Sau cơn đại họa năm ấy, vùng đất vốn “cô đơn” càng trở nên cô quạnh khi thiếu vắng đi những người con gắn bó với mảnh đất kỳ vĩ. Nhưng không, bằng ý chí và khát vọng vươn lên, thị xã nhỏ bé ngày ấy gượng dậy, vươn mình trở thành thị “viên ngọc quý” giữa đất trời Tây Bắc.

Lên Mường Lay xây dựng kinh tế mới từ những năm 1980, ông Lê Hữu Minh, nguyên quán Thái Bình vẫn nhớ y nguyên con đường mòn lên trung tâm thị xã: “Nếu như trước đây, ngoài tuyến QL 12 và QL6 chạy qua, Mường Lay chỉ toàn những tuyến đường nhỏ như “con trăn”,  ngắn và dốc. Mưa xuống là đường lầy lội, trơn trượt khó đi. Hai xe gặp nhau trên đường chẳng khác nào hai con dê đi trên một cây cầu gỗ trong truyện ngụ ngôn”. Tuy nhiên, đến nay, tuyến đường dẫn vào khu Nậm Cản – nơi trung tâm hành chính của thị xã đã được mở rộng 2 chiều, cùng hàng chục tuyến đường khác cũng đang được khẩn trương xây dựng, hoàn thiện. Một chiếc cầu dây văng hiện đại được cất lên, nối 2 bờ sông trở thành động lực mới cho phát triển của thị xã.

Sau những tháng ngày thăm trầm, Mường Lay đã thực sử đổi khác, khoác lên mình một chiếc áo mới, một khuôn mặt mới với nhiều khách sạn, nhà hàng và dịch vụ nằm bên bờ sông Đà Giang thơ mộng.

Ông Vũ Ngọc Vương (Chủ tịch UBND Thị xã Mường Lay) khẳng định với chúng tôi rằng: “Có thể nói, sau 8 năm vật lộn giữa công trường lớn với biết bao ngổn ngang, bộn bề từ việc xây dựng cơ sở hạ tầng và định hướng phát triển kinh tế, Mường Lay hôm nay đã trở thành một trong những “viên ngọc” quý trong phát triển dịch vụ du lịch ở vùng Tây Bắc”.

Nơi sông Đà trầm mặc

ZVới khí hậu mát mẻ và trong lành của núi rừng Tây Bắc, Mường Lay chính là nơi giao thoa của đất trời và sông núi, của quá khứ và hiện tại. Dòng sông Đà hung dữ năm xưa giờ đây trở nên hiền hòa, phẳng lặng và xanh mênh mông tạo cho Mường Lay như một bức tranh thủy mặc. Khách đến thưởng ngoạn tưởng như đang giao hòa với thiên nhiên, đất trời, non nước.

Một người dân bản địa khuyên chúng tôi rằng: Nếu đã đến với Mường Lay thì đừng bỏ lỡ cơ hội du ngoạn bằng thuyền trên lòng hồ. Qủa thật, chỉ khi phiêu lãng trên chiếc thuyền nhỏ giữa mông sông nước, trùng điệp núi rừng, lắng nghe người lái đò ngân nga câu chuyện đậm sắc màu huyền sử về dòng Đà giang hung dữ xưa kia, mới thấy vùng đất này chở nặng nghĩa tình.

Chiều muộn, mây trời che phủ đỉnh núi cao vời vời, thị xã Mường Lay trong hoàng hôn bình yên đến lạ kỳ. Đứng trên một điểm cao nhìn xuống, cả dòng sông hùng vĩ bỗng chốc hóa thành một dải lụa mềm. Thỉnh thoảng xuất hiện trên sông con thuyền qua lại như điểm xuyết cho cảnh sắc núi rừng thêm lãng mạn.

Con sông Đà huyền thoại đã nuôi những người con xứ Thái nơi đây: những chiếc xuồng trở về sau đêm nặng cá, những con cá chiên da căng trơn bóng, con cá lăng thân dài màu xám và cả loài cá anh vũ “tiến vua” to bằng chuôi dao, chuôi hái... lại được các chị, các mẹ đem ra chợ bán.

Chạy dọc sườn sông Đà hai bên bờ, con đường xam xám màu chì mềm như dải lụa, những ngôi nhà sàn lợp ngói đá mái sát mái, ken nhau dày đặc. Đêm xuông, chén lẩu sơ đong đầy, sóng sánh cay nồng của chủ nhà đón khách. Mấy em gái Thái tuổi mười tám, đôi mươi mềm mại uyển chuyển cùng những điệu xòe Thái, làm say đắm lòng người.

Nồng đượm sắc xuân

Cứ mỗi độ Xuân về, khắp các bản làng người dân tộc Thái trắng ở thị xã Mường Lay lại rộn rã tiếng chày giã bánh Khẩu Xén làm quà biếu cho người thân, để đãi khách từ phương xa tới chúc Tết.

Tương tự như bánh chưng, bánh giầy của người Kinh, Khẩu Xén được xem là món bánh không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán trong các món ăn ngày Tết của người Thái trắng ở thị xã Mường Lay.

Bánh Khẩu Xén được làm từ nhiều loại nguyên liệu như gạo nếp cẩm, nếp nương có màu trắng hoặc pha thêm gấc để có màu vàng, thêm màu của cây cơm nếp để có màu tím. Nhưng đậm đà hơn là Khẩu Xén làm từ sắn tươi, loại sắn nạc chỉ có ở vùng này.

Để làm được bánh Khẩu Xén, gạo nếp phải được sàng sảy hết bụi và tạp chất, vo kỹ rồi ngâm vài tiếng cho mềm, sau đó đưa vào chõ đồ lên thành xôi, rồi đưa vào cối gỗ để giã nhuyễn như bánh giầy. Sau đó, thứ nguyên liệu dẻo quánh này được đưa lên bàn gỗ có các tấm ni-lông lót bên dưới. Các cô gái Thái sẽ dùng một ống tre cán thành những miếng tròn như những chiếc bánh đa lớn, nhưng mỏng hơn nhiều, rồi đem để lên những chiếc giá nhiều tầng phơi cho se đi. Tiếp theo là công đoạn cắt tạo hình và phơi Khẩu Xén đến khi khô hẳn.  Khẩu Xén sắn cũng làm tương tự như vậy, chỉ có điều sắn phải thật tươi, vừa đào trên nương về là phải lột vỏ, rửa sạch và nạo nhỏ như sợi bún, sau đó đưa vào chõ đồ lên.

Hương vị Khẩu Xén cũng có nhiều loại, vị ngọt cho trẻ con, vị mặn cho phụ nữ và người già, có cả bánh nhạt để chấm gia vị dành cho đàn ông nhắm rượu. Khi cho vào miệng, miếng bánh giòn tan, thơm ngát và đậm đà hương vị của gạo nếp, sắn tươi.

Hương vị mùa xuân Tây Bắc không chỉ thấm đẫm trong những chiếc bánh Khẩu Xén mà còn là sự hồ hởi, chào mừng du khách bằng lễ hội đua thuyền đuôi én. Trong những ngày diễn ra lễ hội, du khách bắt gặp hình ảnh các đội đua hăng say tập luyện, các thôn bản sôi nổi hát múa, nhiều nhà dân gấp rút sửa sang.

Đêm trăng sáng, tôi cùng vài người bạn đến đứng trên cầu bản Xá ngắm Mường Lay lần cuối trước khi trở về xuôi. Trên trời, bóng trăng rọi thẳng xuống dòng sông, ánh điện từ ô cửa sổ nhà sàn cũng hắt xuống khiến mặt sông như được dát một lớp bạc. Mường Lay lung linh, huyền ảo, thật xa mà cũng thật gần. Chợt lại nhớ đến bài thơ “Gửi Lai Châu” của thi sĩ Trần Mạnh Hảo: “Nơi con thác giữ nụ cười em lại/Tiếng Thái thương như cầm được giữa tay mình/Tóc em đó như mùa màng gặt hái/Mỗi cái nhìn ẩn chứa một bình minh…

ST

Tệp đính kèm