Cập nhật: 17/03/2017 15:30:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động (Ninh Bình) là một trong những bối cảnh quay bộ phim Kong: Đảo Đầu lâu. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG

Bộ phim “bom tấn” của điện ảnh Hô-li-út Kong: Skull Island (Kong: Đảo đầu lâu) với những cảnh quay đặc sắc tại các địa phương của Việt Nam sau khi ra mắt và trình chiếu ở các nước đã trở thành một hiện tượng với số lượng khán giả và doanh thu kỷ lục. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, các cơ quan văn hóa, du lịch nước ta có vẻ đang chậm chân trong việc nắm bắt cơ hội từ bộ phim để xây dựng sản phẩm du lịch, quảng bá hình ảnh đất nước và điểm đến, khi thực hiện thì vội vã, thiếu tính chuyên nghiệp.

Bộ phim được cho là "bom tấn" của Hô-li-út do đạo diễn Gioóc-đân Vốt Rô-bớt (Jordan Vogt-Roberts) thực hiện đã ra mắt khán giả Việt Nam và thế giới được mấy ngày. Riêng tại Việt Nam, trong ba ngày đầu, bộ phim đã được khán giả hào hứng đón nhận, đạt mức doanh thu kỷ lục hơn 60 tỷ đồng tiền bán vé. Tại Mỹ, phim cũng có doanh thu 40 triệu USD trong ngày công chiếu. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên Việt Nam mở cửa cho một phim bom tấn của Hô-li-út vào quay bối cảnh sau nhiều lần từ chối. Cảnh quan thiên nhiên độc đáo, vô cùng lôi cuốn và tuyệt đẹp của Quảng Bình, Ninh Bình, Hạ Long... đã khiến bộ phim Kong: Đảo đầu lâu chuyển tải sự hấp dẫn lạ lùng cảnh đẹp của Việt Nam tới khán giả thế giới. Một sự giới thiệu không thể tốt hơn đối với khách du lịch toàn cầu! Nhiều tuần lễ trước khi bộ phim này được phát hành, trong nỗ lực quảng cáo phim một cách chuyên nghiệp của nhà sản xuất, hai tiếng Việt Nam vang lên nhiều lần trước sự ngưỡng mộ và ấn tượng về bối cảnh mà phim thực hiện. Và thực tế, khi phim ra rạp, khán giả Việt Nam và nước ngoài đều rất thích thú được tận mắt chiêm ngưỡng những cảnh đẹp hiếm thấy trong phim. Không cần bàn cãi, phim Kong: Đảo đầu lâu thật sự đang mang đến cho Việt Nam một cơ hội để quảng bá du lịch ra toàn cầu.

Và thực tế khán giả trong nước và quốc tế sau khi xem Kong: Đảo đầu lâu, đều nghiêng về khen ngợi cảnh đẹp hoành tráng, hình ảnh tuyệt hảo về thiên nhiên, con người trong phim mà ít hứng thú với nội dung phim hoặc số phận những nhân vật chính. Thậm chí một vài ngôi sao Hô-li-út trong phim cũng không để lại ấn tượng gì lớn. Một tờ báo điện tử đã trích dịch bình luận của khán giả nước ngoài trên các trang diễn đàn về điện ảnh: Đây là giấc mơ thời thơ ấu của chúng ta. Phim quay rất hoành tráng và cảnh hành động cũng rất tuyệt. Đây là hai tiếng trôi qua nhanh nhất mà tôi từng xem./ Tôi phải nói rằng tôi thật sự yêu "Kong: Skull Island". Cảnh phim thật ấn tượng. Thu hút từ đầu đến cuối. Ánh sáng từ những đám cháy và mặt trời, cảnh thiên nhiên hùng vĩ và cả những con quái vật khổng lồ nữa, thật là ngoạn mục./ Chỉ là một bộ phim về những con quái thú đánh nhau. Không có gì khác. Không có cốt truyện. Điểm sáng của bộ phim chính là những cảnh hoành tráng cuối phim và ngoại cảnh tuyệt vời.

Có lẽ chính vì thế, hình như chưa một bộ phim nước ngoài nào được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), các công ty du lịch, khán giả... chú ý và tạo thuận lợi cho việc quảng cáo, ra rạp như Kong: Đảo đầu lâu. Đạo diễn phim đã được Bộ VHTTDL bổ nhiệm Đại sứ Du lịch Việt Nam nhiệm kỳ 2017-2020, vì thực tế, chí ít, bộ phim đã đóng góp việc giới thiệu cảnh quan Việt Nam ra thế giới thông qua một tác phẩm điện ảnh "bom tấn".

Không phải tới khi phim được chiếu chúng ta mới biết đến sức mạnh quảng bá du lịch của nó, tuy nhiên điều đáng tiếc ở đây là khi phim ra rạp rồi thì các động thái bề nổi về truyền thông mới đồng loạt được thực hiện: Tổ chức sự kiện ra mắt, mời ca sĩ nổi tiếng đồng hành, trao quyết định bổ nhiệm Đại sứ Du lịch Việt Nam cho đạo diễn; các cơ quan quản lý và đơn vị kinh doanh du lịch khẩn trương lên kế hoạch khai thác, sử dụng ảnh hưởng của bộ phim để quảng bá, kinh doanh... Ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Công ty Ô-xa-li (Oxalis), khai thác tua du lịch Sơn Đoòng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Bình đã phải sốt ruột nêu ý tưởng: Nhân cơ hội cả thế giới đang xem phim Kong: Đảo đầu lâu và tên nước Việt Nam đang được báo chí và truyền thông quốc tế nhắc đến dày đặc, việc tung các hình ảnh, đoạn phim mang nội dung quảng bá các địa danh là bối cảnh trong phim ra thế giới thời điểm này sẽ gặt hái được thành công lớn! Đây là ý tưởng tốt, tiếc rằng nó lại xuất hiện muộn. Ngay cả trang thông tin chính thức của Tổng cục Du lịch Việt Nam, tới lúc này, những thông tin quảng bá từ bộ phim được đưa lên rất mỏng, dù đây là cửa ngõ để khách nước ngoài tiếp cận du lịch nước ta. Bộ VHTTDL có đề nghị UBND thành phố Hà Nội cho dựng hình 3D Vua khỉ (King Kong) bên hồ Hoàn Kiếm để giới thiệu quảng bá du lịch. Đề nghị này sau đó đã không thể triển khai vì cho rằng không phù hợp. Nhiều ý kiến cho rằng, chưa bàn tới việc hồ Hoàn Kiếm là một khu vực linh thiêng trong tâm thức người Việt, nơi được công nhận di tích quốc gia đặc biệt, thì cách làm này vẫn còn mang tính bề nổi, ào ào, đối tượng quảng bá bó hẹp chủ yếu cho chính người Việt.

Một số cơ quan, đơn vị ngành du lịch đưa ra sáng kiến làm đạo cụ và hình nộm "Vua khỉ" ở những điểm đoàn phim ghi hình, phục vụ du khách tới thưởng lãm. Đây là cách thức quảng bá "ăn theo" phim rất cũ kỹ, thể hiện tư duy kinh doanh du lịch theo kiểu chụp giật, ngắn hạn và non tay. Lại có đơn vị dự định sản xuất các vật lưu niệm dựa trên phim để bán cho du khách mà chưa tính tới hai chữ "bản quyền", bởi vì tiền mua bản quyền có khi còn đắt gấp đôi các chi phí còn lại tạo nên giá thành. Điều đáng nói nữa là, tất cả các kế hoạch quảng bá du lịch nêu trên tại sao không chuẩn bị từ trước mà chờ tới khi phim ra rạp rồi mới ào ào... ăn theo? Tuổi thọ phim chiếu rạp không thể kéo dài tuần này qua tuần khác; biết đâu tháng sau, thế giới lại ngây ngất với một siêu phẩm mới của điện ảnh, liệu mấy ai còn nhớ tới Kong: Đảo đầu lâu?

Chính vì thiếu chuyên nghiệp cho nên du lịch Việt Nam đang bỏ qua một cơ hội quảng bá tốt.

“Tài nguyên” để quảng bá du lịch Việt vẫn đang giống như một vùng đất màu mỡ nhưng còn bỏ hoang, chưa biết cách khai thác. Đơn cử một thí dụ rất dễ thấy, đó là sau lưng ghế ngồi trên máy bay của hàng trăm chuyến bay đi trong nước và quốc tế có gì? Vẫn chỉ thấy vài cuốn tạp chí Hàng không, một hai tháng mới thay số mới. Lưng ghế máy bay cũng là "tài nguyên" có thể khai thác, đặt vào đó những ấn phẩm giới thiệu, quảng bá du lịch Việt Nam với nhiều thứ tiếng. Chưa hết, trên những chuyến tàu hỏa xuyên Việt, các khu vực làm thủ tục hàng không, cửa khẩu quốc tế..., rất nhiều những “vùng đất” có thể “trồng trọt” lên đó thông tin quảng bá, như những giọt nước thấm lâu, tan chảy trong từng hành khách, để họ tìm tới những địa chỉ du lịch khắp mọi miền nước Việt. Không tốn kém, phức tạp mà lại tạo ra những sản phẩm quảng bá rất thông dụng, dễ làm, dễ thực hiện và hiệu quả.

 

QUANG NGUYỄN

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm