Thương hiệu gốm Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc nổi tiếng cả nước từ nhiều năm. Vậy mà giờ đây, toàn thị trấn Hương Canh chỉ còn một nơi duy nhất là thôn Lò Cang làm gốm. Người làm gốm đếm trên đầu ngón tay...
Sản xuất tại làng gốm Hương Canh. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Không quá khó khăn, chúng tôi tìm được gia đình ông Trần Văn Hải, một trong bốn cơ sở còn lại của nghề gốm Hương Canh. Ấn tượng của chúng tôi là trong căn nhà ngói cũ kỹ với khoảng sân nhỏ nhưng chứa đầy những chum, vại, ấm trà, tiểu sành... với đủ sắc màu của sành được tô nặn bởi bàn tay tài hoa hiếm hoi còn sót lại của làng gốm Hương Canh. Ông Trần Văn Hải cho biết, gia đình ông đã gắn bó với nghề được bốn đời. Làng nghề gốm Hương Canh trải qua bao thăng trầm, biến cố, có lúc tưởng chừng như đã đóng cửa. Ngày ông Hải còn nhỏ, làng đã có lúc như một công trường với hàng trăm lò gốm hoạt động.
Bàn tay vo tròn viên đất xét, ông Hải trầm tư: Sự xuất hiện của đồ nhựa và hàng gốm mỹ thuật đã làm cho gốm sành Hương Canh lâm vào khó khăn. Người làm gốm Hương Canh không nắm bắt được nhu cầu của thị trường và không thể sáng tạo được những mẫu mã mới khiến sản phẩm của làng gốm bị chê nhiều. Người làm gốm không còn mặn mà với nghề, từ đó, làng gốm Hương Canh mai một dần.
Do cấu tạo chất đất, gốm sành Hương Canh nung già gõ tiếng kêu lanh canh như chạm vào kim loại, vừa giữ được nét hoang sơ của nguyên liệu đất sét, lại gân guốc, khỏe khoắn và đầy cá tính, tạo nên nét riêng biệt hấp dẫn. Ðồ sành Hương Canh đem đựng trà thì trà không bao giờ mốc và giữ nguyên mùi thơm đặc trưng, đựng rượu không làm giảm nồng độ mà để càng lâu thì rượu càng ngon, đựng hạt giống thì tỷ lệ nảy mầm rất cao...Tiếng lành đồn xa, người dân khắp nơi biết đến gốm Hương Canh. Gốm sành Hương Canh đã đi khắp trong nam ngoài bắc.
Ông Hải chia sẻ: Hiện nay chỉ còn bốn nhà, ông Thanh, bà Nụ, ông Hùng và gia đình ông là duy trì và sống được với nghề. Nhưng do thị trường, các hộ dần chuyển sang làm gốm mỹ thuật để duy trì còn người theo đuổi dòng gốm sành truyền thống Hương Canh và biết cách dựng lò gốm thì rất ít.
Ông Hải cho biết thêm, quy trình để làm ra sản phẩm gốm sành gồm: lọc đất, nặn thô, phơi và nung, trong đó kỹ thuật đốt lò là khâu quan trọng nhất, quyết định thành công hay thất bại của mẻ gốm. Ngoài khéo tay sáng tạo các sản phẩm, người thợ phải thành thạo quy trình nung gốm. Duy nhất ở Hương Canh là đốt gốm bằng lò cóc. Lò cóc giống như con cóc, phần miệng cóc là nơi thoát khói, phần dưới để đun lửa. Thiết kế lò cóc phức tạp nhất trong các loại lò đốt, nhưng sản phẩm nung trong lò cóc thì đều hơn, ông Hải cho biết.
Theo lời ông Hải, trong lò cóc còn có các bộ phận chuyên biệt như cây đèn, vắt khăn, dát mào... có tác dụng giữ cho nhiệt độ tăng dần đều. Khi trời mưa, nhiệt độ ngoài lò sẽ giảm làm cho sản phẩm bị sống, bị nứt nẻ. Các bộ phận trong lò sẽ có tác dụng giữ nhiệt để thợ kịp thời xử lý. Mỗi lần đốt lò, theo ông Hải thì như một lần người mẹ chờ đợi đứa con lọt lòng, lo mất ăn mất ngủ, chỉ khi ra lò mới biết thành công của mẻ gốm. Thông thường, người thợ có kỹ thuật cao, tay nghề thành thạo thì tỷ lệ thành công cũng chỉ đạt được trên 70%. Do đó, các hộ làm gốm đã chuyển sang đốt lò bằng ga cho hiệu quả cao hơn.
"Không phải ai làm nghề lâu cũng biết cách quan sát mầu lửa để nắm thời điểm tăng nhiệt độ lò. Hiện ở làng chỉ còn vài ba người có "ánh mắt... sành" như thế", ông Hải tâm sự. So với lò đốt bằng ga, thì lò đốt thủ công truyền thống sẽ cho màu sành tự nhiên, nhiệt độ của than, củi nhiều khi sẽ cho những màu sành độc và lạ. Đây chính là cái làm nên nét đẹp riêng cho gốm sành Hương Canh, ông Hải tiếp lời. Tuy nhiên hiện nay, trong số 4 hộ còn làm nghề thì chỉ còn ông Hải biết cách tạo dựng thành thạo một lò đốt thủ công.
Một vài năm trở lại đây, mặc dù quy mô sản xuất bị thu hẹp nhưng số lượng khách hàng tìm đến với gốm Hương Canh ngày càng đông, sản phẩm ra lò đến đâu tiêu thụ hết đến đấy, có khi không có hàng để bán ra, khách đặt hàng nhưng chưa sản xuất kịp. Nhất là những sản phẩm truyền thống như chum, vại, tiểu, sành…Người làm gốm Hương Canh như có thêm động lực để tiếp tục bám trụ với nghề truyền thống, ông Hải cho biết thêm.
Tuy nhiên điều mà ông Hải trăn trở hiện nay là việc đào tạo, truyền dạy thợ lành nghề. Ðây chính là điều mà các chủ cơ sở sản xuất trăn trở. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, thợ lành nghề gốm ở Hương Canh không còn nhiều, đa số đã già yếu. Ông Trần Văn Hải tâm sự, ông được nhiều địa phương mời đến dạy kỹ thuật làm gốm, số người theo học rất đông. Tuy nhiên, ngay tại làng nghề Hương Canh, số người muốn nối nghề của cha ông không nhiều. Ông cũng như các cơ sở sản xuất khác đều sẵn lòng để những người yêu thích nghề gốm đến cơ sở của mình học nghề. Nhà ông có hai người con, nhưng không có ai theo đuổi con đường làm gốm truyền thống như ông. Hiện nay, ông Hải đang truyền dạy lại cách xây dựng lò đốt thủ công cho người em rể, nhưng để có thể tự tay xây dựng được lò đốt thành thạo thì rất khó và đòi hỏi cả yếu tố tài năng.
Bên cạnh đó, hiện nay, nguồn nguyên liệu đất sét đang khan hiếm dần, không được quy hoạch nơi khai thác, gây khó khăn cho việc chủ động sản xuất của người làm gốm. Các cơ sở làm gốm thiếu mặt bằng để sản xuất, trưng bày và giới thiệu sản phẩm, chủ yếu tận dụng diện tích trong gia đình để sản xuất, thậm chí đốt lò ngay cạnh nhà ở.
"Bây giờ nếu chúng tôi nằm xuống thì không biết lấy ai để đốt lò, thất truyền thì có tội với tổ tiên lắm!" đó là câu hỏi mà ông Hải luôn canh cánh trong lòng. Gốm Hương Canh đang dần lấy lại danh tiếng nhưng người làm gốm lại đang từng ngày đấu tranh với thời gian để giữ nghề. Để gìn giữ nghề gốm Hương Canh rất cần sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương định hướng phát triển làng nghề có quy hoạch cụ thể, có chính sách trợ giúp khó khăn, tạo điều kiện về mặt bằng, nơi sản xuất, có như vậy, nghề gốm Hương Canh mới có thể phát huy và gìn giữ được lâu bền./.
Sưu tầm