Vẽ chân dung tặng chiến sĩ đảo Song Tử Tây.
Luôn phải đối mặt với hoàn cảnh khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, nhưng các chiến sĩ Trường Sa không sờn lòng, vượt lên tất cả để canh giữ từng tấc đất, tấc biển thiêng liêng của Tổ quốc. Đến với các anh, chúng tôi càng thêm thấm thía, tự hào và ngưỡng mộ những chiến sĩ Hải quân Anh hùng.
Tự hào khi được làm chiến sĩ Hải quân
Binh nhất Võ Xuân Thiện, 22 tuổi, trông mảnh khảnh thư sinh, háo hức đón Đoàn công tác số 5 do đồng chí Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Trưởng đoàn, được tàu 571 đưa ra thăm, động viên quân và dân Huyện đảo Trường Sa. Thiện là lính mới, ra đảo Nam Yết chưa đầy ba tháng. Thiện rất tự hào được làm chiến sĩ hải quân, làm nhiệm vụ thiêng liêng canh giữ biển trời của Tổ quốc. Nhưng, ngay khi bước chân lên đảo là nỗi nhớ nhà da diết không thể hình dung trước được. Cũng như vậy, chiến sĩ Phạm Anh Xuân, 21 tuổi, ở đảo Len Đao không thể quên lần đầu đặt chân lên đảo với nỗi nhớ nhà cồn cào.
Nhớ nhà không phải là tâm trạng riêng của các chiến sĩ trẻ như Thiện, Xuân, mà ngay cả những chiến sĩ dạn dày nắng gió biển cũng không khỏi bâng khuâng khi nói về gia đình. Nắm được tâm lý này, Chỉ huy trưởng và các cấp ủy trên các đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, Len Đao, Nam Yết, Đá Tây A và Trường Sa đặt công tác tư tưởng lên hàng đầu. Việc đầu tiên khi các chiến sĩ mới ra đảo, đội ngũ chỉ huy và cán bộ các đảo đều nắm lý lịch trích ngang của từng người, rồi xây dựng tổ đoàn kết để trao đổi, lắng nghe và tâm sự, chia sẻ với anh em.
Trung tá Lương Quốc Anh, Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn kiêm Chủ tịch UBND xã Sinh Tồn chia sẻ, chiến sĩ có thông suốt tư tưởng thì mới hoàn thành tốt nhiệm vụ. Theo vị chỉ huy này, thủ trưởng đơn vị cần chân thành lắng nghe tâm tư của chiến sĩ như một người anh, người chú, người cha trong gia đình, thậm chí có những lúc phải là những người bạn thì mới khơi gợi và nhận được sự chia sẻ, tin tưởng của họ. Từ đó, người thủ trưởng và các cấp ủy tư vấn, động viên kịp thời những người còn đang lấn cấn, vấn vương, chưa thật yên tâm công tác. Hơn nữa, bản thân các đồng chí chỉ huy và cấp ủy luôn đi đầu gương mẫu, tự phấn đấu, rèn luyện, phát huy vai trò trách nhiệm của người lãnh đạo, xây dựng và giữ vững tinh thần đoàn kết trong đơn vị và trong dân quân trên đảo. Theo Thượng úy Trần Như Hùng, Chính trị viên đảo Len Đao, để cảm hóa chiến sĩ, ngoài công tác tư tưởng, các hoạt động khác như vui chơi thể thao, văn nghệ… cũng phải được duy trì thường xuyên. Các dịp lễ, Tết cổ truyền, sinh nhật… của từng người trên đảo là dịp để tất cả cán bộ, chiến sĩ đều quây quần, chung tay, góp sức. Qua đó, nghĩa tình đồng chí, đồng đội thêm gắn kết bền chặt.
Tám tháng làm nhiệm vụ ngoài đảo, chiến sĩ Phạm Anh Xuân nay đã khác, rắn rỏi với nước da nâu sạm nắng gió điển hình của người chiến sĩ Hải quân. Xuân bảo, xa nhà ai mà không nhớ, nhưng ưu tiên cao nhất lúc này trong tâm thế người chiến sĩ là hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cùng chia sẻ với Xuân, binh nhất Nguyễn Huy Hoàng, 19 tuổi, trẻ nhất đảo Nam Yết nói rằng, là người chiến sĩ Hải quân, chỉ có một mục tiêu duy nhất: sẵn sàng phục tùng mệnh lệnh cấp trên để không phụ lòng dìu dắt của đồng chí, đồng đội và xứng đáng với gương hy sinh anh dũng của lớp lớp đàn anh đi trước.
"Hãy tin ở chúng tôi!"
Cuộc đời người chiến sĩ Hải quân gắn liền với biển đảo, đối mặt với những thử thách, hy sinh gian nan nhất. Thế nhưng, chẳng có bão tố, hiểm nguy hay bất cứ thứ gì có thể khiến người chiến sĩ Hải quân nản lòng, chùn bước. Chỉ tay vào gốc Phong ba to nhất đảo Nam Yết, Thượng tá Nguyễn Minh Trang nhớ lại: Năm 2010, bão mạnh cấp 8, giật cấp 9, cấp 10 khiến cây này bị bật gốc. Đến nay, quanh gốc cây này đã lại mọc lên những mầm xanh mới. Và không biết từ bao giờ, hình ảnh cây Phong ba đã gắn liền với người chiến sĩ hải đảo, không gục ngã trước thử thách, gian lao. Có lần, đơn vị của anh thực hiện lệnh cấp trên đi công tác, không may gặp bão cấp 9, sóng đánh cao ngang ngọn cây dừa, đập tung cả thanh sắt chắn cửa to bằng bắp tay. Anh và các đồng đội đã mưu trí, dũng cảm, gồng mình chống chọi với bão, giành giật sự sống trong gang tấc.
Quân và dân đảo Song Tử Tây đã sẵn sàng cho Ngày bầu cử QH Khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Đi Trường Sa, thấm thía phần nào những gian nan, thử thách, hy sinh thầm lặng mà cán bộ, chiến sĩ trên vùng biển tiền tiêu của Tổ quốc phải vượt qua khi làm nhiệm vụ. 21 năm công tác tại Đoàn văn công Quân khu 4, Thiếu tá Nguyễn Lan Hương vinh dự bốn lần ra thăm quần đảo Trường Sa, nhưng lần đi cùng Đoàn công tác số 5 này để lại cho chị nhiều trải nghiệm khó quên nhất. Sóng to, gió cả ngăn tàu chở đoàn đến với cán bộ, chiến sĩ ở nhà giàn DK1/15 nằm cụm Phúc Nguyên trên thềm lục địa phía nam, nhưng không ngăn được cuộc giao lưu qua điện đàm giữa đoàn công tác và các anh bữa ấy. Bên này tàu, những bài hát: "Nơi đảo xa", "Nhạc rừng", "Gần lắm Trường Sa", "Tình ca rừng và biển", "Bâng khuâng Trường Sa"… cất lên khi nghẹn ngào, khi hào sảng, bay bổng thiết tha với bao gửi gắm chân tình, mong động viên các anh thêm lạc quan, yêu đời. Đáp lại từ phía bên kia nhà giàn, là những tràng pháo tay và tiếng cười giòn tan thích thú. Các chiến sĩ nhà giàn còn muốn nghe các ca khúc: "Chút thư tình của người lính biển", "Ngày mai anh lên đường"... Hứng khởi, Chính trị viên nhà giàn đã bắt nhịp bài ca "Lính nhà giàn đón Xuân" để anh em hát tặng đoàn. Những giọng ca khỏe khoắn, lạc quan hừng hực sức trẻ cất lên: “Sóng gió mặc sóng gió, lính nhà giàn bọn tôi ở đó/ Chông chênh mặc chênh chông, lính nhà giàn chẳng sợ bão giông/Nắng gió mặc nắng gió, lính nhà giàn thề không ngại khó/Mưa giông mặc mưa giông, lính nhà giàn vẫn thắm hoa hồng”. Giọng ca của những chiến sĩ càng ngân vang, say sưa khiến chúng tôi xúc động nghẹn ngào: “Giữa trùng khơi, vẫn xanh ngời, giữa biển trời vẫn sống yêu đời, lính nhà giàn là thế đó… Giữa biển trời bao la, vượt trên ngọn phong ba, giữ biển đảo quê ta…”.
Vui, xúc động nghẹn ngào là vậy nhưng rồi cũng đến giờ phút chia tay. Bằng ấy thời gian chẳng bao giờ là đủ nhưng chúng tôi thấy gần gũi và gắn bó với nhau như ruột thịt, và chúng tôi tin rằng những người lính, người chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió cùng chung tâm trạng. Tàu hú ba hồi còi và chạy quanh nhà giàn một vòng trong sự bịn rịn của người ở và chứa chan nước mắt của kẻ đi sao mà quyến luyến, ấm tình quân dân đến khó tả. Giọng Chính trị viên nhà giàn vững vàng nhắn gửi: “Những tình cảm mà đoàn dành cho chúng tôi sẽ trở thành động lực và sức mạnh để chúng tôi sẵn sàng làm nhiệm vụ, sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Các đồng chí hãy tin ở chúng tôi!”. Đứng trên boong tàu, trong mặn mòi nước mắt, chúng tôi vẫy tay tạm biệt các anh cho đến khi không nhìn thấy lá cờ Tổ quốc đỏ tươi phất lên từ phía nhà giàn. Chia tay các anh, chúng tôi mang về đất liền sự sẻ chia sâu sắc tự đáy lòng, niềm tự hào, sự ngưỡng mộ và cảm phục nhất, kèm theo đó là một niềm tin sắt son không gì có thể lay chuyển.
Quân với dân một ý chí
Năm nay thời tiết khắc nghiệt. Từ tháng 10 năm ngoái đến gần hết tháng tư rồi mà đảo Sinh Tồn vẫn chưa có lấy một hạt mưa. Những cây tra, cây bàng vuông nổi tiếng trụ vững trước cái khắc nghiệt của biển đảo cũng cháy sém lá vì thiếu nước. Bình thường, mỗi người được cấp 20 lít nước/ngày, nhưng hiện lượng nước chỉ còn rất ít, phải dùng cực kỳ dè sẻn. Trung tá Hưng ở đảo Sinh Tồn vui vẻ nói với chúng tôi, âu tàu là nơi chiến sĩ tắm. Anh em nhảy xuống biển kỳ cọ, rồi lên bờ đứng vào chậu, tráng qua nước ngọt, tiết kiệm cái nước trong chậu ấy để còn tưới rau. Vậy nhưng khi đón Đoàn văn công Quân khu 4 và cánh nhà báo chúng tôi ở lại đảo, các cán bộ, chiến sĩ ở đây đã hối hả bơm đầy một phuy nước, giục chúng tôi tắm táp và dặn đi dặn lại “cứ thoải mái nhé”. Nước ngọt quý hơn vàng vẫn được anh em đảo Sinh Tồn dốc ra đãi khách đất liền. Thấy chúng tôi băn khoăn, Chỉ huy trưởng đảo Lương Quốc Anh bảo, khách đất liền ra thăm đảo là quý lắm, động viên cán bộ, chiến sĩ rất nhiều. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, anh nói: Trong những năm qua, đời sống mọi mặt của anh em trên vùng đảo Trường Sa nói chung, đảo Sinh Tồn nói riêng được cải thiện rất nhiều. Đó là tấm lòng của cả nước hướng về Trường Sa, tất cả đều vì Trường Sa. Quân với dân một ý chí mà!
Kề vai sát cánh cùng cán bộ, chiến sĩ vùng biển Trường Sa còn là biết bao tấm gương thầm lặng khác. Đó là các thầy giáo trẻ Lê Anh Đức và Nguyễn Ngọc Hạ - hai thầy giáo trụ lại Trường tiểu học Sinh Tồn, thuộc xã đảo Sinh Tồn, tỉnh Khánh Hòa 5 năm nay. Tốt nghiệp Trường CĐSP Nha Trang, biết huyện đảo Trường Sa tổ chức thi tuyển giáo viên, hai thầy đã viết đơn xung phong ra đảo công tác và từ giữa năm 2013 đến nay ở lại đảo Sinh Tồn. Ngày ngày, hai thầy miệt mài gieo chữ, truyền tải kiến thức cho học sinh và giáo dục ý thức cho các em về tình yêu con người, yêu quê hương, biển đảo của Tổ quốc. Dường như đây là cách để hai thầy giáo trẻ thể hiện tình yêu đối với vùng biển đảo.
Đó còn là những chiến sĩ áo trắng bình dị, rất vững vàng chuyên môn, nghiệp vụ ra công tác ngoài hải đảo. Các bác sĩ, y sĩ ở các đảo Sinh Tồn, Nam Yết… đã cứu chữa kịp thời và chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo, cũng như của hàng trăm ngư dân không may bị ốm, bệnh khi đi biển... Câu chuyện một ngư dân Phi-li-pin được cứu sống khi bị dạt vào khu vực đảo Sinh Tồn dịp Tết Nguyên đán Bính Thân vừa qua vẫn râm ran bên tách chè ấm nóng ở Trạm xá Sinh Tồn.
Trường Sa tháng Tư, mùa khô nắng cháy da thịt. Bù lại, sóng yên, biển lặng. Nhưng không vì thế mà vơi đi những gian nan, thử thách và hy sinh thầm lặng mà cán bộ, chiến sĩ trên vùng biển tiền tiêu của Tổ quốc phải vượt qua khi làm nhiệm vụ. Bao cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã mãi mãi nằm lại nơi biển sâu, hóa thành bất tử, để lớp lớp thế hệ hôm nay và mai sau tiếp bước các anh, tạo nên bức thành đồng vững chãi hiên ngang trước biển.
Mỗi đoàn công tác ra đảo đều đem theo bao tình cảm, yêu thương của đất liền đến với các anh, người chiến sĩ da nâu ngoài hải đảo. Những cái bắt tay ấm nồng, những lời hỏi han ân cần, những câu chuyện đời dung dị, rồi cả những nhành hoa lan tím, chút chè ướp sen thơm Tây Hồ Hà Nội, những chiếc khăn tay nhỏ xinh… là những gửi trao chan chứa yêu thương tới những chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.
Sau lưng các anh có hậu phương chúng tôi, và dù có thế nào đi nữa các anh sẽ không bao giờ đơn độc.
Bài và ảnh: Hồng Hạnh
Theo nhandan.com.vn