Một góc khu sinh thái Tràng An. (Ảnh: MINH TIẾN - Ninh Bình)
Trong hai ngày 18 và 19-3 tại chùa Bái Đính (xã Gia Sinh-Gia Viễn-Ninh Bình), Ban quản lý quần thể danh thắng Tràng An phối hợp Ban thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, GS Paul Dingwall chuyên gia tư vấn UNESCO, TS Ryan Rabett - Giám đốc dự án nghiên cứu khảo cổ tại quần thể danh thắng Tràng An (SUNDASIA) tổ chức Hội thảo chuyên gia về quản lý, bảo tồn và nghiên cứu khảo cổ tại quần thể danh thắng Tràng An.
Tham dự có GS, TS Trần Tân Văn - Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam, TS Nguyễn Đại Trung và tiến sĩ các nước Anh, Đức, Mỹ, Hàn Quốc.
Tại hội thảo các đại biểu được nghe về những công trình nghiên cứu khảo cổ tại quần thể danh thắng Tràng An, khu đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê Đại Hành và khu tưởng niệm Lý Thái Tổ. Đó là những nghiên cứu về địa chất Tràng An, thông tin về địa lý và bản đồ địa hình quần thể danh thắng Tràng An, phân tích niên đại đồng vị carbon, nghiên cứu về vùng lõi cố đô Hoa Lư,v.v.
Núi Bái Đính có từ lâu đời và được gắn liền với nhiều giai thoại và huyền thoại về một vị Thiền sư danh tiếng của nước Nam - Lý triều quốc sư Nguyễn Minh Không. Ngài chính là người đã đặt nền móng, xây dựng tượng Phật và khai mở miền đất Phật nơi đây. Chùa Bái Đính (chùa cổ) có từ năm 1136 do thiền sư Nguyễn Minh Không sáng lập, gồm có các điểm như: Giếng Ngọc, Động thờ Tổ sư, Động thờ Phật, Động thờ Mẫu, Ban thờ Thánh Cao Sơn...
Cách đây hơn 1.049 năm, tại Ninh Bình có ba triều đại phong kiến: Đinh, Tiền Lê và Lý, các triều đại này đều coi đạo Phật là Quốc giáo. Chính vì vậy, nhiều ngôi chùa đã được xây dựng ở Ninh Bình, trong đó có ngôi chùa Bái Đính.
Năm 1136, khi thiền sư Nguyễn Minh Không đi tìm cây thuốc để chữa bệnh “hóa hổ” cho vua Lý Thần Tông, ngài phát hiện ra hang động trên núi Đính và chọn nơi đây để xây dựng tượng Phật, làm nơi tu hành. Năm 968, Đinh Tiên Hoàng thống nhất 12 sứ quân và lên ngôi hoàng đế, ông lên núi Đính – ngọn núi linh thiêng này lập đàn tế trời để cầu mưa thuận, gió hòa, quốc thái, dân an và phong hầu bái tướng sĩ. Tiếp đó, vua Quang Trung cũng về đây lập đàn tế cờ động viên quân sĩ trước khi ra Thăng Long đại phá quân Thanh. Bái Đính cũng là nơi căn cứ cách mạng của xã Quỳnh Lưu (Nho Quan) thời kỳ 1943-1944. Năm 1997, chùa được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cách mạng cấp Quốc gia...
Khu danh thắng Tràng An chiếm gần như toàn bộ khối đá vôi nằm trong dải núi trùng điệp chạy ven tỉnh Ninh Bình. Di sản vùng lõi Tràng An có diện tích khoảng 6.172 ha nằm trên địa bàn 12 xã thuộc các huyện Gia Viễn, Hoa Lư, Nho Quan của TP Tam Điệp và TP Ninh Bình. Đây là vùng đất bán sơn địa phát triển chung từ hướng tây bắc - đông nam rồi thấp dần về phía nam và đông nam. Phía tây bắc và bắc của Khu danh thắng Tràng An là các dải đồi cao khoảng 187 m. Phía tây nam và nam là dải đá vôi Đồng Tâm-Sơn Hà, Tam Cốc – Bích Động, cao trung bình khoảng 162 m so với mực nước biển. Đặc điểm nổi bật của những dãy núi đá vôi ở Tràng An là có cây xanh, cho nên khí hậu nơi đây không bị ảnh hưởng lớn như nóng vào mùa hè và lạnh vào mùa đông. Bên cạnh đó, mạng lưới sông, suối khá phát triển với sông Hoàng Long ở phía bắc, sông Chanh ở phía đông, sông Hệ ở phía nam, sông Bến Đang ở phía tây. Ngoài ra, còn có sông Sào Khê, sông Ngô Đồng và sông Den Voi.
Một trong những đặc điểm nổi bật ở Tràng An là các đỉnh núi gần như cao bằng nhau. Dãy núi có độ cao khoảng 200 m so với mực nước biển là sản phẩm của Pha San bằng kiến tạo gần đây nhất với sự đan xen hòa quyện giữa các tháp, chóp, dãy karst với các dạng địa hình âm- các hố sụt là dấu tích của không ít lần bị biển xâm lân cách đây hàng triệu năm. Ở Tràng An, các ngân nước ăn mòn đá vôi bắt gặp phổ biến trong các hang, động xuyên thủy. Các kết quả khảo cổ của nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá các hang, động trong khu danh thắng Tràng An được người tiền sử dùng để ở đương nhiên có độ cao hơn mực nước biển. Người tiền sử có thể đã sử dụng các hang động ở trên cao hơn 10 m như hang Mòi, hang Thung Bình, động Tiên.
Năm 2007 tại Ninh Bình, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công bố các công trình nghiên cứu khảo cổ học của nhiều GS, TS trong nước và quốc tế cho rằng Tràng An là sự thích ứng cuộc sống của con người thời kỳ đồ đá cũ ở châu Á.
Nhiều di tích danh thắng nơi đây đã đượsac Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt quan trọng như Khu du lịch sinh thái Tràng An. Quần thể di sản thế giới Tràng An mang trong mình những khung cảnh thiên nhiên độc đáo từ đá núi, hệ sinh thái, rừng cây, thảm thực vật, đồng lúa, hồ đầm và những tuyến du thuyền trên sông Ngô Đồng, suối Tiên, sông Vọc, sông Sào Khê, sông Đền Vối, sông Bến Đang.
Ngày 23-6-2014, tại Doha, Quần thể danh thắng Tràng An chính thức trở thành di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam khi đáp ứng cả hai yếu tố nổi bật về văn hóa và thiên nhiên. Tràng An hiện cũng là di sản thế giới kép đầu tiên và duy nhất ở khu vực Đông - Nam Á...
Sưu tầm