Lễ hội Grâuk Taox Cha (Gầu Tào Cha) vừa được UBND xã Nậm Loỏng, thành phố Lai Châu tổ chức tại bản Gia Khâu 1 thu hút lượng khách lớn hơn rất nhiều so với mọi năm. Điều này lí giải, những hoạt động tại Lễ hội ngày càng đa dạng, ý nghĩa, đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Mặc dù thời tiết khá khó tính, mưa phùn xen lẫn giá rét nhưng không vì thế làm nản bước chân của du khách thập phương và Nhân dân trong tỉnh về dự hội. Trước sự chứng kiến của đông đảo người xem hội, phần Lễ bắt đầu với việc thầy cúng đại diện cho bà con dâng đồ cúng (gồm những sản vật do dân bản sản xuất) thành kính dâng lên các vị thần linh, thắp nén hương cầu cho muôn dân một năm mới bình yên, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, mọi việc suôn sẻ, góp phần đưa thành phố Lai Châu phát triển đi lên, giàu sức sống mới. Phần Hội diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ và các môn thi đấu kịch tính, lôi cuốn người xem. Ông Giàng A Tủa - Chủ tịch UBND xã Nậm Loỏng cho chúng tôi biết: Lễ hội xuân năm nay, xã vinh dự được đón hàng nghìn du khách thập phương và bà con trong tỉnh về dự. Song, đặc biệt hơn khi những phần giao lưu văn nghệ, giã bánh dày và các môn thi thể thao truyền thống được bà con các dân tộc huyện: Sìn Hồ, Tam Đường, Phong Thổ về góp vui.
Kịch tính trận chung kết môn chọi trâu.
Cách trung tâm thành phố chừng 5km, từ sáng sớm ngày đầu khai hội, từng đoàn người, xe tấp nập hướng về bản Gia Khâu 1. Ai cũng phấn khởi, vui mừng, hồi hộp mong chờ “mục sở thị” cảnh sắc của bản và đón xem những hoạt động diễn ra trong Lễ hội. Háo hức cũng phải, bởi năm nay, Gia Khâu 1 nói riêng, xã Nậm Loỏng nói chung có những bước đổi thay ngoạn mục từ tư duy, nhận thức của mỗi người dân trong việc tự chủ vươn lên cũng như sự quan tâm của tỉnh, thành phố thông qua các chương trình, dự án để đưa xã sớm đạt chuẩn nông thôn mới. Giờ đây, khuôn viên của bản giống như một bức tranh quê mộc mạc, dân giã, bình yên, dồi dào nét riêng, đầy bản sắc của đồng bào dân tộc Mông khiến du khách càng xem càng thú vị.
38 năm kể từ ngày hoàn thành nghĩa vụ tham gia chiến tranh biên giới Việt - Trung (năm 1979), ông Trần Văn Hởi (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) mới có dịp trở lại Lai Châu và được hòa mình vào không gian tưng bừng của Lễ hội. Ông không tin vào mắt mình bởi sự đổi thay đến chóng mặt của thành phố trẻ nơi ven trời Tây Bắc và đặc biệt là cuộc sống của dân tộc Mông nơi đây. Cảm xúc dạt dào, ông Hởi chia sẻ: “Thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng đối với Tổ quốc, tôi tham gia đóng quân tại Trung đoàn 441 (thôn Vàng Bó, thị trấn huyện Phong Thổ ngày nay). Ngày hoàn thành nghĩa vụ, trở về quê hương, mang theo niềm ký ức về một Lai Châu nghèo khó với nhiều khó khăn vất vả… Gần 40 năm trở lại, Lai Châu không còn dấu vết nghèo đói năm xưa, khoác lên mình sự tươi mới, tràn đầy sức sống. Tham dự Lễ hội Gầu Tào Cha giúp tôi hiểu hơn về bản sắc văn hóa dân tộc Mông”.
Nếu ai đã đến - đi và trở lại thành phố Lai Châu, nơi bản Gia Khâu 1 đang có những đổi thay mạnh mẽ ấy có lẽ đều chung xúc cảm như ông Hởi. Không chỉ là cảnh quan, đến với Lễ hội, du khách thập phương được đắm mình trong những nét nguyên sơ bản địa với mùi hương nếp của bánh dày; thả hồn theo tiếng khèn, tiếng sáo của những chàng trai, tiếng hát trong trẻo, dìu dặt của những cô gái Mông… Không chỉ có vậy, còn có các trò chơi đậm chất truyền thống như: nhảy bao bố, đánh tù lu, thi kéo co với các vận động viên là những chàng trai, cô gái độ tuổi “bẻ gãy sừng trâu” thi đấu bằng tất cả khả năng sẵn có, không quan trọng thắng - thua với tinh thần cao thượng như chính chí khí của người Mông vậy. Những phần thưởng được Ban Tổ chức Lễ hội trao cho các đội thắng cuộc trong tiếng reo hò, mừng vui của khán giả chính là ghi nhận, động viên, đồng thời khẳng định sự khéo léo, giỏi giang để những mùa hội tới, các đội cố gắng đạt thành tích cao hơn nữa.
Sẽ là khuyết thiếu nếu không nhắc đến phần thi chọi trâu gay cấn, kịch tính, xáo trộn nhiều cảm xúc của người xem. Thung lũng của cánh đồng lúa bản Gia Khâu 1 và 2 gần như gói trọn 4 phía là khán giả. Ông Tủa đã phải thốt lên trong sự vui mừng: Chưa năm nào số người đến xem và cổ vũ cho phần thi chọi trâu lại đông đến thế. Niềm vui đấy, nhưng trách nhiệm cũng nặng nề hơn để làm sao, mùa hội sau khách lại ghé thăm.
Trong hàng nghìn người hướng mắt về những trận thi đấu, chúng tôi cũng không thể kìm nén được sự hiếu kỳ, bình tĩnh, bởi mỗi lần cặp trâu chạm sừng vào nhau là một lần làn sóng hò reo không ngớt từ phía khán giả được cất lên. Còn những ông chủ trâu thì căng thẳng tột độ khi con trâu chiến của mình đuối sức.
Hội tan, dòng người nối nhau theo những con đường mềm dài uốn lượn dẫn ra đường lớn. Hoàng hôn xuống, kẻ ngược, người xuôi trở về nhà để rồi lại tiếp tục với cuộc sống mới; hy vọng, mong chờ ngày hội sau.
Sưu tầm