Cập nhật: 21/03/2017 15:45:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, ngay từ nhỏ, Hoàng Văn Tuyên đã say mê nghề đục, đẽo đá. 37 tuổi đời, 10 năm gắn bó với nghề đá, tuy không được đào tạo qua một trường lớp nào về kiến trúc hay mỹ thuật nhưng Tuyên đã chế tác ra nhiều tác phẩm có giá trị cao về nghệ thuật và thẩm mỹ.

Khác với nhiều thanh niên khi học xong THPT đi thi đại học hoặc lên thành phố, thị xã kiếm việc làm, Tuyên muốn kế nghiệp truyền thống của làng và gia đình làm nghề đục, đẽo đá. Biết là nghề đục đá vất vả, bụi bặm, độc hại nhưng Tuyên vẫn yêu thích. Lúc mới vào nghề, nhiều lần bàn tay phồng rộp, chảy máu nhưng anh không nản chí. Không chỉ học nghề từ những người thợ giỏi trong làng, Tuyên còn đi tận Thanh Hóa, Đà Nẵng… để vừa làm vừa học nâng cao trình độ.

Để một phiến đá sần sùi, vô tri vô giác trở thành một sản phẩm có ích là cả quá trình lao động gian khổ. Người thợ phải dành trọn tâm trí, nhập tâm, thổi hồn vào đá thì mới cho ra lò một tác phẩm đẹp. Những năm gần đây, nhu cầu xây dựng công sở, gia đình nhiều, người tiêu dùng hướng tới những sản phẩm bền, đẹp, giá cả phải chăng. Đá không phải là loại vật liệu xây dựng thông thường mà còn được dùng để trang trí nội thất, làm đẹp cho nhiều loại công trình xây dựng, như một loại nguyên liệu cao cấp được ưa dùng. Nắm được thị hiếu đó, Tuyên và nhiều người thợ khác của Hải Lựu đã chuyển sang đục hổ, gấu, rồng, lân, ly, quy, phượng…phục vụ cho các công trình như đình, đền, chùa, miếu. Ngoài ra còn có cầu thang, tranh đá, đá ốp cột, lát nền... theo yêu cầu của các hộ gia đình. Trò chuyện với chúng tôi Tuyên thổ lộ: “Mỗi công việc, nghề nghiệp đều có những vất vả, nhưng cũng có niềm vui riêng. Nhưng làm gì thì cũng phải yêu nghề, say mê công việc; không nên đứng núi này trông núi nọ. Đầu tư suy nghĩ, tìm  ra cách làm hiệu quả nhất chính là tiền đề để gặt hái được thành công.”

Nghề đục đá vừa vất vả, nặng nhọc, vừa đòi hỏi sự kiên nhẫn, khéo léo. Đôi khi còn cả những độc hại, nguy hiểm do phải khuân vác, leo trèo. Nhưng một khi đã yêu nghề thì khó mà bỏ được. Mỗi phiến đá mang một hình thù, dáng dấp khác nhau, để biến nó thành một sản phẩm theo ý muốn, người thợ phải bỏ ra rất nhiều công sức, trí tuệ. Mỗi sản phẩm làm ra từ đá đều mang trên mình dấu ấn của người thợ. Tuyên đã đến nhiều nơi, làm nhiều loại công trình. Dù ở đâu anh cũng làm việc nhiệt tình, trách nhiệm, không phân biệt việc nặng hay nhẹ, dễ hay khó. Vì vậy mà nhiều người muốn mời Tuyên về làm cho xưởng đá của mình. “Sống khỏe” với nghề giữa thời buổi tìm việc làm không dễ, Tuyên ngày càng vững vàng hơn cùng niềm đam mê của mình.                                                               

    

 

Sưu tầm

 

Tệp đính kèm