Cần có quy định rõ ràng và cụ thể về kiểm ngư, khẳng định rõ nét hơn nữa vai trò, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng kiểm ngư, cũng như sự phối hợp giữa lực lượng kiểm ngư với lực lượng cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, hải quân,… trong hoạt động chấp pháp trên biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.
Dự án Luật Thủy sản (sửa đổi) bổ sung Chương Kiểm ngư nhằm thiết lập cơ sở pháp lý cao nhất cho lực lượng kiểm ngư Việt Nam
Trong phiên họp thứ 8 diễn ra vào sáng 21/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật Thủy sản (sửa đổi).
Lý giải về sự cần thiết xây dựng dự án Luật Thủy sản (sửa đổi), Tờ trình của Chính phủ cho biết, Luật Thủy sản có hiệu lực từ ngày 1/7/2004 đã tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng, điều chỉnh toàn diện các quan hệ xã hội trong lĩnh vực thủy sản.
Căn cứ Luật Thủy sản 2003, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã ban hành trên 200 văn bản quy phạm pháp luật quản lý liên quan đến lĩnh vực thủy sản. Luật và các văn bản dưới luật đã dần đi vào cuộc sống, nhờ đó, những năm gần đây ngành thủy sản Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, có đóng góp lớn trong giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, năm 2016 giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 7 tỷ USD.
Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, nguồn lợi thủy sản đang suy giảm, sự phát triển thủy sản thiếu bền vững; yêu cầu hội nhập quốc tế; năng lực, kinh nghiệm quản lý và trang thiết bị phục vụ cho kiểm tra, kiểm soát các hoạt động thủy sản còn hạn chế;… đồng thời, một số quy định của Luật Thủy sản 2003 sau khi triển khai thực hiện đã bộc lộ hạn chế, bất cập, không còn phù hợp với các luật mới có liên quan đến lĩnh vực thủy sản như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai… “vì vậy, để khắc phục những tồn tại, bất cập nêu trên, việc sửa đổi Luật Thủy sản 2003 là hết sức cần thiết”, Tờ trình lý giải.
Thiết lập cơ sở pháp lý cao nhất cho lực lượng kiểm ngư
Bố cục dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) được xây dựng với 8 chương, 100 điều, quy định về những vấn đề lớn liên quan đến bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; nuôi trồng thủy sản; khai thác thủy sản; quản lý tàu cá và dịch vụ hậu cần trong khai thác thủy sản; kiểm ngư; chế biến, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản;…
Về cơ bản, dự án Luật giữ nguyên tên chương của Luật Thủy sản 2003, giảm 2 chương (8/10) và tăng 38 điều so với Luật Thủy sản 2003 (100/62).
Tuy nhiên, dự án Luật có một số thay đổi về kết cấu như: Bổ sung 1 chương (Kiểm ngư) nhằm thiết lập cơ sở pháp lý cao nhất cho tổ chức và hoạt động của kiểm ngư Việt Nam; bỏ 3 chương: Hợp tác quốc tế về hoạt động thủy sản, Quản lý nhà nước về thủy sản, Khen thưởng và xử lý vi phạm, do các nội dung này đã được quy định tại các chương khác của Luật và các luật khác như: Luật Thi đua khen thưởng, Luật Giải quyết khiếu nại, tố cáo, Luật Thanh tra và Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự án Luật của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khẳng định, dự thảo Luật đã có nhiều cố gắng để xử lý những bất cập, chồng chéo, cơ bản bảo đảm tính thống nhất với các luật hiệnhành có liên quan.
Khẳng định về sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật Thủy sản (sửa đổi), ý kiến phát biểu của nhiều thành viên UBTVQH cho rằng, việc xây dựng dự án Luật phải bảo đảm được mục tiêu thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội đối với ngành thủy sản là ngành kinh tế-xã hội, đồng thời cải thiện môi trường kinh doanh trong hoạt động thủy sản nhằm thực hiện tái cơ cấu, phát triển sản phẩm giá trị tăng, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống ngư dân ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia trên biển và phát triển thủy sản bền vững.
Tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng, chế biến thủy sản
Chính sách của Nhà nước trong hoạt động thủy sản; quản lý hoạt động thủy sản; quy hoạch quản lý và phát triển nguồn lợi thủy sản; quản lý giống, thức ăn, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản; quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; thẩm quyền giao, cho thuê mặt nước biển; giấy phép khai thác thủy sản và hoạt động khai thác thủy sản; lực lượng kiểm ngư;... là những vấn đề lớn được các thành viên UBTVQH tập trung thảo luận tại phiên họp.
Về chính sách của Nhà nước trong hoạt động thủy sản, về cơ bản, nhiều ý kiến phát biểu tán thành với dự thảo Luật. Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng trong bối cảnh nguồn lợi thủy sản hiện nay ngày càng cạn kiệt, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản gần bờ gặp nhiều khó khăn, thì việc đề ra chính sách phát triển nuôi trồng và đánh bắt thủy sản xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo và an ninh quốc phòng là rất cần thiết.
Bên cạnh đó, cần đặc biệt quan tâm đề ra các chính sách ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ trong chuỗi các hoạt động thủy sản. Mục đích của các chính sách này là nhằm phát triển nghề cá theo hướng hiện đại, bền vững.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, đây là một dự án luật hết sức quan trọng, vì không chỉ liên quan đến ngành thủy sản, mà còn liên quan đến nhiều lĩnh vực khác, trong đó có quốc phòng, an ninh, du lịch,... Vì vậy, việc xây dựng Luật phải đặc biệt quan tâm dựa vào Chiến lược biển Việt Nam; xem xét toàn diện các vấn đề liên quan do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Đồng thời, phải có các quy định khuyến khích việc tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại vào nuôi trồng chế biến thủy sản gắn với phát triển các dịch vụ hậu cần nghề cá. Bổ sung các quy định xử lý các hành vi tận diệt, hủy diệt nguồn lợi thủy sản; các hành vi khai thác thủy sản ở các vùng cấm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cần có quy định rõ ràng và cụ thể hơn nữa trong Chương 6 về kiểm ngư, khẳng định rõ nét hơn nữa vai trò, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng kiểm ngư, cũng như sự phối hợp giữa lực lượng kiểm ngư với lực lượng cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, hải quân,… trong hoạt động chấp pháp trên biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.
Đề cập đến vấn đề về quy hoạch quản lý và phát triển nguồn lợi thủy sản (Điều 13), có ý kiến đề xuất, việc quy hoạch này cần phải được thực hiện thống nhất với các quy định của dự thảo Luật Quy hoạch sắp được thông qua và các luật có liên quan như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Đồng thời cần bổ sung quy định về khung thời gian quy hoạch cho phù hợp với thực tiễn phát triển của ngành trong từng giai đoạn cụ thể.
Liên quan đến quy định về phòng, tránh và giảm nhẹ tác hại của thiên tai trong khai thác thủy sản, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị ban soạn thảo tiếp tục làm rõ hơn các quy định về phòng tránh thiên tai, vì dự án Luật mới chỉ đề cập nhiều đến công tác phòng chống, khu neo đậu cho tàu thuyền, mà chưa đề cập đến khu, nơi trú bão cho những người lao động nuôi trồng thủy sản ở ven biển.
Ngoài ra, tại phiên họp, các thành viên UBTVQH cũng đóng góp nhiều ý kiến vào các vấn đề liên quan đến cơ sở thu gom chế biến thủy sản; bảo quản thủy sản; quyền và nghĩa vụ của đơn vị quản lý hoạt động cảng cá; phòng, tránh và giảm nhẹ tác hại của thiên tai trong khai thác thủy sản; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản; kiểm định giống thủy sản; biện pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản; công tác bảo vệ môi trường sinh thái ở các khu nuôi trồng thủy sản;...
Nguyễn Hoàng
Theo Chinhphu.vn