
Một số ngư dân xã Hải An, Hải Lăng, Quảng Trị bắt đầu quay lại đánh bắt trên biển.
Những chiếc thuyền nan đầu tiên của ngư dân xã Hải An, Hải Lăng, Quảng Trị những ngày nay đã bắt đầu quay về với biển, sản phẩm mang về vẫn bán được dù giá không cao… Thời gian này bà con mong đừng ai phao tin thất thiệt, dư luận lắng xuống, để người đi biển đỡ khổ.
Đẩy lại thuyền ra biển
Sau gần một tháng đưa thuyền lên cát ngồi nhìn biển, ngày 10- 5, từ hợp đồng với một đại lý thu mua mực lá, ba hộ dân thôn Mỹ Thủy, xã Hải An, Hải Lăng, Quảng Trị từ sáng sớm đã đẩy thuyền xuống nước, ra biển thả nò. Khoảng bốn giờ chiều, cả ba chiếc thuyền lần lượt vào bờ. Một chiếc bắt được hai con, nặng khoảng 1,9kg. Hai chiếc còn lại khá hơn, mỗi chiếc được 5- 6 kg mực lá loại to, có con chừng 1kg. Đến chiều, có thêm chín chiếc thuyền khác của ngư dân trong xã cũng lần lượt ngược sóng. Rạng sáng hôm sau, cả chín thuyền đều quay về. Có người phải gọi cả vợ, con, người thân ra gỡ hộ cá trích đang mắc trên lưới. Trong khi đó, có thuyền làm cả đêm chỉ bắt được đúng 13 con mực to bằng hai ngón tay.
Ngày đầu quay lại với biển, có những hộ trúng lớn.
Số mực và cá trích bắt được, bà con đưa lên chợ bán với giá 120 nghìn đồng/kg mực loại to bằng hai ngón tay, 150 nghìn đồng/kg mực lá loại to, cá trích 12 nghìn đồng/kg. Với giá này, theo bà con là thấp hơn so với thời điểm cách đây một tháng từ 10- 50 nghìn đồng/kg. Riêng cá đục, loại cá tầng đáy sống gần bờ chết rất nhiều trong đợt vừa qua, giá vẫn giữ nguyên giá 50 nghìn đồng/kg cá tươi vì có hộ đứng ra thu mua.
Ông Nguyễn Đấu, ngư dân Mỹ Thủy sau chuyến trở lại biển, bắt được gần chục cân cá trích nói “tâm trạng tui đang vui dù giá bán có thấp hơn hồi trước”. Bởi, “cả tháng qua, cá ngoài biển chết trôi vô, bà con cũng hoang mang. Người vùng ruộng nghe đồn thì sợ không dám ăn nên cá bắt về không biết bán cho ai. Bà con vùng biển không bán được cá thì đẩy thuyền lên cát, nghỉ. Thỉnh thoảng có nhà đẩy xuống đi bắt cá về ăn với cho, không có đồng thu nhập mô hết”, ông Đấu kể.
"Họ đồn chi mà ác"
Hải An có hơn 298 hộ làm nghề biển, với hơn 300 chiếc thuyền nan. Tháng Tư thường là cao điểm của mùa biển. Mùa này bà con đi làm, tích lũy ăn dần trong mùa mưa. Nhưng năm nay, do ảnh hưởng tâm lý đợt cá chết bất thường nên số thuyền trên phải gối bãi gần một tháng.
Bà Bùi Thị Hiền, vợ của người đi biển suốt đêm bắt được 13 con mực cười như mếu: “Mấy bữa trước, nhà tui cũng đi thử một chuyến, bắt được ít cá, mực đem lên chợ bán không ai dám mua. Cả chợ nhìn rỗ cá, thì thầm với nhau ăn là bị độc, không được ăn. Tui nghe, phải hét ầm lên, bà con đừng đọc báo qua loa rồi đồn bậy. Báo viết, Chính phủ cấm ăn, mua bán vận chuyển cá chết trôi vô. Còn đây là cá nhà tui thức cả đêm để bắt, lúc lên còn tươi rói, loại này dân vùng biển bầy tui vẫn ăn hàng ngày, đừng đồn ác, nhưng họ không nghe. Cá bắt về không bán được, bầy tui kéo ghe lên cao, nghỉ hết. Cá bắt về nhà tui ăn cả tháng ni, có thấy ai bị độc mô”.

Chị Hiền nói, gia đình ăn cá biển cả tháng qua, nhưng không bị sao cả.
Anh An, con rể của một chủ nhà hàng bên bãi tắm Mỹ Thủy, xã Hải An tặc lưỡi: “Dân biển khốn đốn vì cá chết không rõ nguyên nhân trôi vô đã đành, nhưng người trên bờ mà nhất là thanh niên xuống chơi lại làm cho họ khổ thêm. Giữa lúc dầu sôi lửa bỏng có mấy anh chị thanh niên xuống chỗ em chơi, ăn gà uống bia xong lên facebook kêu đau bụng do ăn cá, làm dân tình thêm hoang mang”.
Ông Trần Văn Chua, người dân trong xã nghe chuyện liền thở dài: “Mới đây, báo chí đăng tin làm bà con vừa khóc vừa cười. Đó là tin bắt xe chở cá thối làm nước mắm. Vì răng?- Dân Hải An tui làm nước mắm nổi tiếng nên biết, không phải cá chi cũng làm nước mắm được. Chỉ có cá nục, trích, thu, cá cơm, các loại đó nhiều đạm mới làm được nước mắm. Còn mấy loại cá chết bữa chừ là cá tầng đáy như cá chình, mú, đuối, phèn, đục... đều là các loại cá ít đạm, không thể làm nước mắm. Báo đăng vậy, làm người ta thêm hoang mang, dân biển, dân làm nước mắm như bầy tui càng thêm thiệt hại”.

Tiêu thụ được, dù ít, chậm, nhưng đã giúp ngư dân phấn chấn hơn.
Sớm công bố nguyên nhân cá chết để người dân yên tâm
Những con thuyền đầu tiên của Hải An, Hải Lăng quay lại với biển, tuy chưa nhiều, nhưng đã mang lại dấu hiệu hồi sinh. Điều này làm người dân và chính quyền địa phương vui hơn cả. Bởi như chủ tịch UBND xã Hải An, ông Lê Bá Phước nói thì: trong đợt cá chết này, dân biển chịu nhiều thiệt thòi nhất, vì đây là thời điểm quyết định của một mùa biển. Dân không đi biển, không có thu nhập, tới đây sẽ rất khó khăn. Đã có một số hộ bàn đi miền nam, nhưng đến giờ chưa ai đi cả. Tuy nhiên, chính quyền trung ương, địa phương đã kịp thời nắm bắt tâm tư, động viên, hỗ trợ lương thực cùng ngư dân vượt qua khó khăn.
Về lâu dài, cũng như nguyện vọng nhân dân cả nước, ông Phước cũng rất mong các nhà khoa học, cơ quan quản lý sớm công bố nguyên nhân cá chết để người dân trên bờ, dưới biển cùng yên tâm đánh bắt, tiêu thụ thực phẩm khai thác từ biển, hạn chế những tin đồn gây hại.
DƯƠNG QUANG TIẾN và NGUYỄN VĂN HAI
Theo nhandan.com.vn