Cập nhật: 24/03/2017 14:38:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hội thảo An ninh Biển Đông vừa diễn ra tại Đại học Xi-vi-tát ở thủ đô Vác-sa-va của Ba Lan. Theo TTXVN, hội thảo thu hút sự tham dự của các nhà nghiên cứu, sinh viên Ba Lan, đại diện các hội đoàn và một số bà con trong cộng đồng người Việt, cùng phóng viên một số kênh truyền thông của Ba Lan. Trung tâm Nghiên cứu Ba Lan - châu Á (CSPA), Viện Khoa học và Văn hóa Việt Nam, cùng một số đơn vị đồng tổ chức.

Tại hội thảo, các tham luận đều khẳng định việc duy trì an ninh trên Biển Đông đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm tự do hàng hải, duy trì giao thương của các nước trên thế giới; cho rằng, cần giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, dựa trên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển.

* Đại biểu của Việt Nam, Tiến sĩ Lã Đức Trung đã giới thiệu tại hội thảo cuộc sống, sinh hoạt của người dân và chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam ở quần đảo Trường Sa, nhắc lại việc Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa và một số đảo ở quần đảo Trường Sa, bồi đắp, cải tạo, quân sự hóa các đảo này. Ban tổ chức đã giới thiệu 30 bản đồ cổ và ảnh khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

Xây cảng cá không phép ở Quảng Bình: Đùn đẩy trách nhiệm quản lý

Cảng cá tư nhân xây dựng trái phép đến khi bị phát hiện lại không có cấp chính quyền nào nhận trách nhiệm về quản lý địa bàn, đùn đẩy cho nhau.

Mấy ngày qua, dư luận tỉnh Quảng Bình xôn xao khi báo chí phản ánh cảng cá được tư nhân xây dựng không phép tại thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ngày hôm qua (21/3), ông Hoàng Đăng Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình đã ký văn bản chỉ đạo các ngành chức năng vào cuộc xử lý.

Điều đáng nói ở đây là, một công trình xây dựng không phép diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật từ cuối năm 2015 đến nay mà chính quyền và cơ quan quản lý không hề hay biết.  

Cảng cá Hòn La do tư nhân xây dựng trái phép nhưng chưa ai chịu trách nhiệm chính.

Công trình cảng cá tư nhân thuộc khu vực biển Hòn La do ông Tưởng Văn Thịnh, 33 tuổi, trú huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đầu tư xây dựng và hoạt động trái phép từ cuối năm 2015. Ông Tưởng Văn Thịnh đưa ra lý lẽ, việc xây dựng cảng cá này tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương và đã vay mượn 3 tỷ đồng để đầu tư làm cảng cá, thu tiền dịch vụ.

“Bản thân xây dựng cảng không xin phép vì nghĩ đây là công trình tạo thuận lợi cho người dân. Với suy nghĩ làm bến neo đậu tàu thuyền cho người dân địa phương, làm cho nghề biển phát triển nên tự động làm. Việc xây dựng được tiến hành trong thời gian hơn 1 tháng, khi đến giai đoạn hoàn thiện người ta mới biết”, ông Thịnh cho biết.

Theo lời ông Thịnh, chỉ đến khi công trình xây dựng trái phép đến gian đoạn hoàn thiện, chính quyền xã Quảng Đông và huyện Quảng Trạch mới biết, lập đoàn kiểm tra, xử phạt hành chính rồi cho tồn tại.

Sáng nay (22/3), UBND huyện Quảng Trạch và các ngành chức năng tỉnh Quảng Bình tổ chức cuộc họp bàn biện pháp cưỡng chế. Tuy nhiên, biện pháp cưỡng chế như thế nào vẫn không rạch ròi, cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm chính trong vụ việc này cũng chưa xác định rõ.

Ông Phan Ngọc Duy, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch cho rằng, Ban Quản lý Khu Kinh tế Hòn La phải chịu trách nhiệm chính vì đất khu vực này đã giao cho Ban Quản lý Khu Kinh tế Hòn La quản lý.

“Phần đất có cảng xây dựng trái phép do Ban Quản lý Khu Kinh tế quản lý, do vậy việc quản lý xây dựng sẽ do Ban Quản lý cấp phép xây dựng, địa phương không thể cấp phép”, ông Duy cho biết.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Năm, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Quảng Bình, đơn vị quản lý Khu Kinh tế Hòn La cho rằng, địa điểm xây dựng cảng cá tư nhân này thuộc địa phận quản lý của địa phương.

Ông Tưởng Văn Thịnh xây dựng cảng cá để thu tiền dịch vụ.

Theo ông Năm, Khu Kinh tế Hòn La rộng 10.000 ha, những diện tích liên quan đến mặt nước sẽ do Bộ đội Biên phòng quản lý, khu du lịch do ngành du lịch quản lý, đất thuộc dự án nhiệt điện do tỉnh quản lý, còn Ban Quản lý Khu Kinh tế Hòn La chỉ quản lý đất khu công nghiệp.

“Khu nông nghiệp, khu dân cư đô thị do huyện quản lý nên địa bàn có xây dựng cảng là do huyện quản lý. Diện tích đất nào Ban Quản lý Khu Kinh tế Hòn La được giao mới thuộc phạm vi quản lý. Khu Kinh tế là cả một vùng nên Ban chỉ quản lý những dự án đầu tư nhưng tất nhiên trong khu vực này Ban cũng có trách nhiệm”, ông Năm nói.

Khu vực vịnh Hòn La là khu vực nhạy cảm về quốc phòng nhưng lại để xảy ra cảng cá xây dựng trái phép tồn tại thời gian dài. Đến khi sự việc vỡ lở thì không ai chịu trách nhiệm về quản lý địa bàn, đùn đẩy cho nhau. Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cần làm rõ trách nhiệm vụ việc này thuộc về ai?.

 

Theo Thanh Hà/VOV.VN

Tệp đính kèm