Chúng tôi về Tiền Giang để ghé thăm di tích Ấp Bắc, nơi ghi nhận chiến công oai hùng một thuở của quân dân ta. Hơn 50 năm trước, một cuộc chiến tranh không cân sức đã diễn ra. Nhưng với ý chí quật cường và nghị lực phi thường, quân và dân ta khiến cả thế giới “phải nghiêng mình”.
Chiến thắng Ấp Bắc ngày 2/1/1963, đã đánh bại các chiến thuật mà đế quốc Mỹ cho là “tân kỳ” như trực thăng vận, thiết xa vận, bủa lưới phóng lao… từ nhiều hướng, kể cả đổ bộ đường không bằng nhảy dù.
Tượng đồng ba chiến sĩ gang thép cao sừng sững, nặng 18 tấn hiên ngang đứng trên xe tăng địch
Trận đánh ác liệt
Theo một số tài liệu, Ấp Bắc là tên gọi của hai ấp thuộc xã Nhị Bình và xã Dưỡng Điềm (huyện Châu Thành), nằm giáp ấp Tân Bình thuộc xã Tân Phú (huyện Cai Lậy) của tỉnh Tiền Giang. Trận đánh càn diễn ra trên một diện rộng nhưng mặt trận chủ yếu diễn ra ở ấp Tân Bình và ấp Tân Thới thuộc xã Tân Phú. Do các hãng thông tấn phương Tây đưa tin ngay từ đầu địa danh trận đánh là Ấp Bắc và trở thành tên gọi phổ biến được cả người trong nước và nước ngoài biết đến, chúng ta cũng đã thống nhất với tên gọi này.
Những ngày cuối tháng 12/1962, địch đã phát hiện có đơn vị ta về đóng quân tại Ấp Bắc, nhưng có lẽ vì chưa hoàn chỉnh việc chuẩn bị, trong khi bọn sĩ quan, binh lính bận ăn Tết Dương lịch, nên đến ngày 2/1/1963, địch mới mở trận càn.
23 giờ đêm 1/1/1963, địch được tin chắc chắn là có đơn vị của ta đóng quân chỗ cũ. Chúng quyết định mở cuộc tấn công đầu năm lấy tên là cuộc hành quân “Đức Thắng 1/1963”, với 3 tiểu đoàn của Sư đoàn 7; 2 đại đội biệt động quân; 4 đại đội lính bảo an biệt kích; 4 đại đội lính bảo an tỉnh; 3 đại đội dân vệ biệt kích; 1 tiểu đoàn lính dù cùng nhiều hỏa lực. Tổng cộng gần 1.800 quân do cố vấn Mỹ chỉ huy, được chia thành 4 cánh hình thành 3 mặt bao vây vòng rộng.
Đến sáng ngày 2/1/1963, địch đã hoàn thành kế hoạch bao vây vòng rộng ở các mặt: Cà Dâm, Cống Bà Kỳ, Xóm Chòi, Tân Hội, Gò Lũy. Ngoài ra, địch cũng bủa lưới trên lộ 4 một số quân để tiến hành các cánh đánh vào xã Tân Phú.
Sau một ngày chiến đấu, với 5 đợt tấn công bằng những phương pháp tác chiến mà đế quốc Mỹ cho là “tân kỳ” như trực thăng vận, thiết xa vận, bủa lưới phóng lao… từ nhiều hướng, kể cả đổ bộ đường không bằng nhảy dù. Song, tất cả đều bị đẩy lùi bởi 2 đại đội bộ binh và khoảng 30 du kích Ấp Bắc, hầu hết quân số chỉ trang bị súng trường và lựu đạn, vũ khí cỡ lớn duy nhất là khẩu súng cối 60mm làm hỏa lực chi viện.
Cứ sau mỗi đợt xung phong bị ta đẩy lùi thì pháo, máy bay địch lại bắn, ném bom vào địa hình của ta hàng trăm quả 105 ly, hàng chục hỏa tiễn, hàng tấn bom các loại.
Nhà trưng bày xe tăng, máy bay
Chuyện về tổ gang thép
Trong một đợt địch tấn công bằng những chiếc thiết giáp M113, quân ta không có vũ khí chống tăng nên khó có thể chiến đấu chống xe bọc thép M113 hiệu quả. Tuy nhiên, với trí tuệ và bản lĩnh, chúng ta đã vạch ra những điểm yếu của xe bọc thép như: người bắn súng máy trên đỉnh đứng sau giá súng để lộ từ thắt lưng trở lên hoặc có thể bắn trúng lái xe qua khe ngắm.
Những chiến sĩ dũng cảm có thể tiếp cận rồi ném lựu đạn lên nóc xe. Các chỉ huy cũng đã truyền thụ cho chiến sĩ tập trung bắn vào M113 như đã bắn máy bay. Mỗi tiểu đội hoặc trung đội phải chọn chiếc xe gần nhất rồi bắn tập trung vào đấy, không để hỏa lực bị phân tán.
Chia sẻ với chúng tôi, nhân viên Khu di tích chiến thắng Ấp Bắc cho biết thêm, với mục tiêu nhất định không để cho địch tiến vào trận địa, ba chiến sĩ trong một tổ, gồm Nguyễn Văn Đừng, Đỗ Văn Trạch và Hùng (không biết họ) đã cầm cự, rồi bất ngờ nhảy lên xe M113 ném thủ pháo phá huỷ 1 xe, diệt 5 tên địch trên xe, 2 xe còn lại hốt hoảng tháo chạy trở ra. Khi ba đồng chí quay về công sự thì bị địch chặn đánh và đã hy sinh anh dũng. Nhân dân đặt cho tổ cái tên trìu mến và đầy tự hào “Tổ gang thép Nguyễn Văn Đừng”, ba chiến sĩ ấy được tôn vinh là “Ba chiến sĩ gang thép”.
Nhằm ghi nhớ một chiến thắng oanh liệt của chiến thắng Ấp Bắc cũng như tôn vinh Tổ gang thép Nguyễn Văn Đừng, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang đã xây dựng tượng đồng ba chiến sĩ gang thép cao sừng sững, nặng 18 tấn: người cầm súng, người cầm thủ pháo hiên ngang đứng trên xe tăng địch.
Ngày nay, đến với khu di tích Ấp Bắc, du khách sẽ được đi trong quần thể rộng lớn khoảng 2ha, với hai phân khu chức năng, khu vực một có tượng đài, nhà mộ ba chiến sĩ gang thép, nhà trưng bày xe tăng, máy bay, công viên với nhiều loại cây cảnh.Rời khu vực tượng đài, là đến khu mộ ba chiến sĩ gang thép. Ba ngôi mộ nằm song song nhau, phía trên lúc nào cũng nghi ngút khói hương của khách tham quan, các anh đều được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Sát ngôi mộ là bảng thành tích của trận đánh Ấp Bắc.
Khu vực hai khu di tích Ấp Bắc là Nhà trưng bày hiện vật, quảng trường và công viên được trồng cây cảnh, tạo cảnh quan chung quanh khu di tích rất khang trang sạch đẹp, phía sau là những mô hình được phục chế tái hiện lại như cảnh dân quân tải thương, nấu cơm, trảng xê, hầm bí mật. Xa xa ngoài cánh đồng rộng lớn là những biểu tượng máy bay, xe tăng địch bị bốc cháy.
Di tích Ấp Bắc được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng di tích quốc gia theo quyết định số 43/QĐ-BT ngày 7 tháng 1 năm 1993. Chiến thắng Ấp Bắc nói lên đầy đủ ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam; sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân.
Từ khi khu di tích Ấp Bắc được khánh thành đến nay đã đón hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu. Đây cũng là nơi giáo dục cho thanh thiếu niên về truyền thống đấu tranh bất khuất của quân và dân Tiền Giang nói riêng, nhân dân Việt Nam nói chung trong sự nghiệp giữ nước.
Rời khu di tích, nhìn hai bên đường là những cánh đồng lúa trĩu hạt, những rẫy dưa chi chít quả căng tròn. Lác đác trên cánh đồng, nhiều mô hình bằng xi-măng xác máy bay, xe M113 bốc cháy. Tất cả như minh chứng cho một sức sống mới trên mảnh đất Tiền Giang anh hùng.
Sưu tầm