Cập nhật: 26/03/2017 16:55:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trung tâm nuôi trồng, nghiên cứu và chế biến dược liệu Quân khu 9 (còn gọi là trại rắn Đồng Tâm), cách trung tâm thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang khoảng 9km, được mệnh danh là “vương quốc” các loài rắn của Việt Nam, với hơn 400 loài các loại...

Du khách thích thú chụp hình chung với trăn

“Vương quốc” loài rắn…

Nằm trong không gian tỏa bóng xanh mát của những cây cổ thụ cao vút, trại rắn Đồng Tâm được thành lập vào năm 1979 theo sáng kiến của Trung tá Trần Văn Được, thực sự là một khu du lịch sinh thái độc đáo, hấp dẫn. Đến đây bạn như lạc vào “mê cung” của các loài rắn.

Ở đây quy tụ đủ loại rắn, từ hổ mèo, hổ đất trông rất dữ tợn được chăm sóc cẩn thận trong những “căn nhà” kiên cố, đến những chú rắn lục màu xanh lá cây với thân hình dài ngoằng, nhỏ xíu, nằm cuộn mình trên những tàng cây im lìm, tưởng như rất hiền lành nhưng lại là một trong những loài cực độc.

Rắn ở đây được nuôi thả tự do, chia thành 3 khu vực ăn nhập với tính chất mỗi loài rắn, gồm khu nuôi trăn, khu nuôi rắn độc và khu nuôi rắn theo kiểu đảo hồ nước. Theo chân người hướng dẫn viên, chúng tôi như lạc bước vào một thế giới mới mẻ gây tò mò.

Đầu tiên là khu nuôi rắn theo kiểu đảo hồ nước, xung quanh được xây tường. Bên trong, đáy hồ sâu khoảng 30 – 40cm, xăm xắp nước. Giữa hồ trồng một cây xanh cao ngang tường hồ. Trên chòm lá là những con rắn bò lúc nhúc. Thoạt nhìn ai cũng cảm thấy lo sợ lẫn chút hoang mang bởi chỉ đứng cách những chú rắn không xa. Tuy nhiên, tất cả đã được các chuyên gia tính toán mọi thứ cẩn thận để rắn không thể phóng khỏi những tàn cây, vượt qua tường.

Với cây sắt dài, một đầu có móc, người hướng dẫn viên nhẹ nhàng móc một chú rắn đưa về phía chúng tôi để giới thiệu đặc tính sinh trưởng cùng những hoạt động tương thích của nó… Cứ như thế, lần lượt đi qua các chuồng hồ, chúng tôi dần hiểu hơn về thế giới loài rắn nào là rắn lục, rắn gáo, rắn nước, rắn ri voi, rắn ri cá… đây là những loại rắn hiền, không có độc.

Rời khu nuôi chứa rắn này là khu nuôi rắn độc, như rắn hổ ngựa, rắn hổ cạp nong, rắn hổ mái gầm… Đặc biệt là rắn hổ mang chúa, một loại rắn cực độc, được xếp bậc “E” trong Sách Đỏ Việt Nam. Chúng được nuôi trong những chiếc “chuồng” riêng biệt.

Để nuôi được loài rắn dữ này là cả một kỳ công và đầy nguy hiểm. Theo chia sẻ của người hướng dẫn, nuôi rắn độc khi mở Phóng sự-ký sự cửa chuồng phải rất cẩn thận, nhẹ nhàng và chậm rãi để con rắn đang đói không phóng ra ngoài, hoặc cắn người. Chăm sóc rắn chẳng khác nào chăm sóc một đứa trẻ, người nuôi phải thường xuyên theo dõi để kịp phát hiện con nào có dấu hiệu bệnh để điều trị kịp thời. Hằng tháng, người chăm sóc rắn phải kiểm tra cẩn thận từng con một. Nếu rắn bỏ ăn thì phải xem miệng chúng có bị nấm không, rồi phải cạy răng ra và đút mồi vào miệng chúng, nhân viên trại rắn chia sẻ.

Mỗi loài vật đều có nét đẹp riêng. Có thể trong tâm trí nhiều người, đa số đều cho rằng rắn là loài rất nguy hiểm, không thể đến gần, ngay cả bản thân tôi cũng đã có suy nghĩ đó. Thế nhưng, khi đã đến trại rắn Đồng Tâm, tôi đã suy nghĩ khác hơn, vẫn có nhiều loài rắn hiền lành, không độc… và dù chúng rất độc nhưng nếu biết cách khai thác thì vẫn có lợi cho con người.

 

Khách quốc tế tham quan trại rắn Đồng Tâm

Nơi cải tử hoàn sinh

Đến trại rắn, du khách sẽ nghe kể về nhiều trường hợp bị rắn cắn thập tử nhất sinh được cứu sống nhờ huyết thanh kháng nọc rắn. Có thể nói từ khi thành lập đến nay, đây là nơi cải tử hoàn sinh cho hàng chục ngàn người.

Theo lãnh đạo của trại rắn Đồng Tâm đã chia sẻ, điều quan trọng khi cấp cứu nạn nhân bị rắn cắn là phải chẩn đoán nhanh và chính xác. Đầu tiên là phải xác định rắn gì cắn, độc hay không độc. Nếu là rắn độc thì rắn hổ hay rắn lục, để chỉ định điều trị kịp thời. Nhiều trường hợp khi đến trại thì bệnh nhân đã hôn mê sâu, không còn mạch. Nhưng nếu bệnh nhân còn thở thì vẫn còn có thể cứu được.

Chẳng hạn, có một người đàn ông ở Bến Tre, khi đi chăn bò chẳng may bị rắn hổ đất cắn, nhập viện ở Bến Tre rồi được chuyển sang Trại rắn Đồng Tâm. Điều trớ trêu là xe cấp cứu đang chạy giữa đường bị... chết máy, khi đến nơi thì bệnh nhân đã chết lâm sàng. Bấy giờ các thầy thuốc phải làm hô hấp nhân tạo đến khoảng một giờ sau nạn nhân mới phục hồi tim trở lại. Sau khi ra viện, người này về nhà mở tiệc ăn mừng vì vừa từ cõi chết trở về.

Hay trường hợp một học sinh (ở huyện Cai Lậy, Tiền Giang) đang ngồi học bài ở nhà vào buổi tối thì bị rắn cắn rồi bị sốc không còn biết gì nữa. Nghĩ là con đã chết nên người cha không đưa đi cấp cứu, trong khi người mẹ thì nhất quyết “còn nước còn tát” nên kêu xe ôm đi. Dọc đường, anh xe ôm vì lo sợ, chạy nhanh nên bị tai nạn khiến nạn nhân bị thương một lần nữa. Khi đến nơi thì mạch không còn, các thầy thuốc phải lấy mạch ở cổ rồi chỉ định thuốc. Vậy mà 4 giờ sau em tỉnh lại. Không biết nói gì, người mẹ bất ngờ quỳ xuống lạy các thầy thuốc...

Ngoài rắn, trại còn nuôi bảo tồn nhiều loài thú quý hiếm khác như trăn, gấu, hươu, nai, rái cá, chồn vàng, cua đinh vàng, cá sấu, đà điểu, đại bàng trắng, quạ đen, bìm bịp... như là một vườn thú nhỏ phục vụ nghiên cứu của học sinh, sinh viên, nhưng cũng rất hấp dẫn đối với du khách trong, ngoài nước.

Quá trình xây dựng và phát triển, trại rắn Đồng Tâm không những là nơi nuôi bảo tồn các động thực vật quí hiếm mà còn là nơi kết hợp với du lịch sinh thái, du lịch sinh thái kết hợp với khoa học thật tuyệt vời. Bởi nơi đây có quang cảnh mát mẻ yên tĩnh, nhiều cây trái thơm ngon, mang tính đặc thù của vùng sông nước miền Tây.

Nhiều năm qua trại rắn Đồng Tâm còn bào chế nhiều loại dược phẩm quý như rượu rắn, cao rắn... dùng để chữa các bệnh về xương, khớp. Đặc biệt nhất là Cobratox, loại thuốc dùng xoa bóp với thành phần chính là nọc rắn hổ. Ngoài ra còn có mỡ trăn dùng chữa bỏng hoặc da bị nứt nẻ, bột rắn lục chữa thoái hóa cột sống... Riêng huyết thanh kháng nọc rắn do trại rắn Đồng Tâm phối hợp cùng Viện Pasteur TP.HCM và Viện Vaccine Nha Trang nghiên cứu, bào chế và cung cấp cho hệ thống bệnh viện trên toàn quốc rất hiệu quả.

Trong trại rắn Đồng Tâm có nhà bảo tàng rắn duy nhất ở Việt Nam. Bảo tàng này được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác nhận là Bảo tàng rắn đầu tiên của Việt Nam, nơi lưu giữ nhiều loài rắn nhất Việt Nam với hơn 40 loài rắn đặc trưng ở ĐBSCL. Trong đó, đáng kể nhất là rắn hổ chúa 17 tuổi, dài 4,2m, nặng 18kg

 

 

Sưu tầm

Tệp đính kèm